Nhìn ông già quần áo rách bươm bẩn thỉu cầm xấp vé số trên tay,ởvềmánglợnsaukhitrúngđộcđắnhận định psv nếu không phải là dân địa phương, không ai dám nghĩ nhân vật lem luốc như "cái bang" kia từng có trong tay gần 3 tỷ đồng tiền trúng số.
Đã hai năm trôi qua, thế nhưng câu chuyện về ông - người bán vé số dạo trúng độc đắc gần 3 tỷ đồng vẫn được bà con tại xóm chùa Định Quán, Đồng Nai, nhắc đến như một điển hình của quy luật “của thiên trả địa”.
Với những người nghèo, chưa từng cầm nhiều tiền, tiền trúng số thường khó giữ được lâu.
“Hôm đó cuối năm mà trời bỗng dưng đổ mưa. Tôi đi mời khắp nơi nhưng không ai chịu mua vé số. Gần đến giờ xổ, trên tay vẫn còn gần 10 tờ. Tính mang đi trả lại đại lý, song cuối cùng tôi quyết định giữ lại cầu may. Không ngờ trúng thật”, người đàn ông khoảng hơn 60 tuổi này kể lại chuyện trúng số của mình bằng giọng trầm buồn.
Ông tên Nguyễn Văn Giàu quê gốc ở Bến Tre. Đầu năm 2000 ông về Đồng Nai làm thuê nhưng gặp mùa màng thất bát không ai mướn. Một chủ đại lý vé số thương tình đưa cho mỗi ngày 50 tờ vé số đi bán. Tiền lãi ông Giàu giữ lại, tiền vốn giao trả cho chủ. Cuộc sống cứ như thế trôi qua cho đến khi ông trúng số.
Trỏ tay vào ngôi nhà cấp bốn khá xinh ở cuối con ngõ nhỏ, ông Giàu nói đấy chính là căn nhà mà mình tậu được sau khi nhận thưởng, tuy nhiên đến nay chỉ còn là kỷ niệm: “Tất cả đã trôi theo mây khói bởi vì tôi dốt tính, tiêu phung phí và máu me cờ bạc”.
Ông Sáu Thông, người từng cho ông Giàu ở nhờ trước khi trúng số kể, lần đó ông già may mắn trúng được hai tờ, mỗi tờ 1,5 tỷ đồng. Tiền thưởng sau khi trừ thuế và tiền hoa hồng cho người đổi thưởng, còn lại khoảng 2,6 tỷ đồng. Tuy nhiên chỉ qua ba ngày Tết, gần tỷ đồng đã bị chủ nhân nướng sạch vào bài bạc, và chỉ một năm sau, ông trắng tay.
“Sau khi mua căn nhà gần một tỷ đồng, ai đến chúc mừng ông ấy cũng móc tiền ra cho, thậm chí rút từng xấp mà không cần đếm. Chưa hết, không biết nghe ai đồn, trong nhiều lần uống rượu mừng trúng số, ông ấy còn đốt tiền thắp hương đền ơn trời Phật. Tốn kém không kể xiết”, ông Thông nói.
Cùng chứng kiến cảnh "lên voi xuống chó" đến mức phải bán nhà để trắng tay của ông Giàu, nhiều người hàng xóm cho rằng, nếu ông này lo kiếm việc làm ăn thay vì chỉ cờ bạc và đàn bà, thì sự việc đã không đến nỗi.
"Ông ấy đã biến ngôi nhà của mình thành điểm nhậu nhẹt, cờ bạc, cá độ. Chưa hết, cứ cô gái nào đến than thở là ông ấy vung tiền cho. Chỉ 3 tháng tậu nhà sau khi trúng số, biển 'bán nhà' đã được treo lên", chị Hiền, một người bán tạp hóa ở gần ngôi nhà cũ của ông Giàu kể.
Lắc đầu ngao ngán, rít một hơi thuốc thật sâu, ông Giàu - giờ đã quay lại nghề bán vé số, sống nương nhờ hàng xóm - thừa nhận, lúc treo biển bán nhà, ông đã hết nhẵn tiền mặt. "Nhưng phải chi sau đó tôi tỉnh ngộ, không sa đà vào việc bài bạc và cặp bồ thì đã không đến nỗi", ông nói với vẻ hối hận.
Cùng tình cảnh bất ngờ "thăng hoa" nhờ trúng số tiền tỷ rồi trở về con số không là ông Tư nhà ở Cần Giuộc, Long An. Không đơn thân độc mã như ông Giàu, cũng không dành tiền vào cờ bạc, gái gú, ông Tư thợ mộc lại trắng tay vì con cái.
Gia đình nghèo đến mức mái nhà thủng lỗ, đêm nằm trong mùng có thể nhìn sao trời. May mắn trúng số hơn một tỷ đồng, thay vì sửa sang nhà cửa cho bố, các con ông Tư lại nằng nặc đòi chia tiền. Sau khi chiều ý con, ông Tư chỉ còn lại 200 triệu đồng. Sửa lại nhà, mua sắm mọi thứ vật dụng xa xỉ như lò vi sóng, máy lạnh, tiền trúng số chỉ còn vài chục triệu. Tưởng đã yên, hai mấy tháng sau, con trai của ông đam mê cờ bạc rượu chè, thua bài đã tự ý về nhà lén lấy giấy tờ nhà cầm cố. Từ căn nhà rách lúc chưa trúng số, giờ ông Tư phải ở nhờ người bà con vì không còn nhà nữa.
Than thở với hàng xóm, ông Tư luôn cho rằng, nếu không trúng số, con cái không có tiền để bạc bài, chưa chắc ông thê lương như ngày nay.
Nói về những người nghèo trúng số lớn, anh Hoàng, chủ đại lý vé số tại quận 5, TP HCM, nơi chuyên đổi tiền thưởng vé độc đắc, cho biết một số khách đến đổi vé số tại đại lý của anh thậm chí không biết một tỷ đồng là bao nhiêu tiền, bởi chưa bao giờ họ có được số tiền lớn như thế.
“Với những người này, họ chỉ cần chúng tôi giao đúng, giao đủ số chứ thậm chí không biết cách kiểm tra tiền. Nhận tiền thưởng xong, họ thường không mặc cả hoa hồng mà còn cho thêm tiền như để cám ơn mà không cần suy nghĩ”, anh Hoàng nói.
Từng hai lần trúng số, anh Năm Thuật chủ một cửa hàng vật liệu xây dựng trên đường Hùng Vương, quận 6, TP HCM, kể, "số đỏ" cùng đợt với anh có hai người quen nữa, nhưng cả hai đều trở thành trắng tay chỉ sau một thời gian.
“Với tôi, tiền trúng số trở thành vốn đầu tư, còn với họ, những người chưa bao giờ cầm nhiều tiền, cả tỷ bạc vào tay là điều ngoài sức tưởng tượng nên họ không kịp suy nghĩ mình sẽ làm gì, không biết mình sẽ dùng tiền như thế nào cho hiệu quả nên dễ thất thoát hơn”, anh Thuật nói.
Ông Minh, chủ một trang trại chăn nuôi ở Củ Chi từng trúng 5 tờ số độc đắc thì cho rằng, tiền trúng số với người nghèo hay người giàu cũng sẽ dễ mọc cánh ra đi nếu như không biết tính toán mà chỉ tập trung tiêu xài. Đấy là chưa kể người nghèo lâu nay cuộc sống thiếu thốn đủ thứ, đến khi có nhiều tiền thì thỏa sức mua sắm vung lên mà không có kế hoạch sử dụng hợp lý nên "tiền đội nón đi nhanh".
Theo các chuyên gia tâm lý, hiện tượng người nghèo dễ tiêu tiền hoang phí để cuối cùng trắng tay chủ yếu là do tính cách của mỗi người. Một nguyên nhân khác khiến các "tỷ phú vé số" chi mạnh tay là do cách nghĩ: “Tiền trúng số là phần thưởng trời cho, loại tiền này không kiếm được bằng mồ hôi nước mắt, không vất vả cày cuốc, làm lụng nên người tiêu không biết quý biết giữ. Ngoài ra, trúng số là may mắn nên phải chia sẻ cho người khác”, một chuyên gia tâm lý tại TP HCM nhận định.
Theo VNE