Nhà lưu niệm đồng chí Phùng Chí Kiên tại xã Diễn Yên (Diễn Châu,ĐồngchíPhùngChíKiênvớicáchmạngViệtNamvàquêhươngNghệkeo bongda88.net Nghệ An). (Ảnh: Nguyễn Văn Nhật/TTXVN)
Ngày 8/5, tại Hà Nội, nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Phùng Chí Kiên (18/5/1901-18/5/2021), Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức Hội thảo khoa học trực tuyến "Đồng chí Phùng Chí Kiên với cách mạng Việt Nam và quê hương Nghệ An" nhằm tưởng nhớ, tri ân và tôn vinh cuộc đời cách mạng cao đẹp, những cống hiến to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc Việt Nam và quê hương Nghệ An.
Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì Hội thảo.
Nhà chính trị, quân sự song toàn
Phát biểu khai mạc, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng khẳng định với 16 năm hoạt động cách mạng liên tục, đồng chí Phùng Chí Kiên - nguyên Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, nguyên Chỉ huy trưởng Đội Cứu quốc quân 1 (một trong những đơn vị tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam), đã có những cống hiến lớn đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Đồng chí là nhà lãnh đạo tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà chính trị, quân sự song toàn, người chiến sỹ kiên cường của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Đồng chí Phùng Chí Kiên tên khai sinh là Nguyễn Vĩ, sinh ngày 18/5/1901 tại làng Mỹ Quan Thượng (nay thuộc xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An). Kế thừa và phát huy tinh thần yêu nước, thương dân của một vùng quê có truyền thống cách mạng, chứng kiến khổ đau của đồng bào dưới ách thống trị của thực dân Pháp xâm lược, đồng chí Phùng Chí Kiên đã sớm hình thành trong mình hoài bão cứu nước, cứu dân.
Trưởng thành trong quá trình tham gia sinh hoạt, làm việc cùng những người lao động, thợ thuyền ở Diễn Châu, đồng chí Phùng Chí Kiên sớm giác ngộ, nắm bắt thông tin, tiếp cận với nhiều tư tưởng yêu nước tiến bộ, đặc biệt là tư tưởng cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
Năm 1926, đồng chí hoạt động cách mạng, được cử sang Quảng Châu (Trung Quốc) tham gia lớp huấn luyện chính trị do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp đào tạo và trở thành hội viên ưu tú, tích cực của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.
Sau khóa học, đồng chí được chính lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chọn, giới thiệu vào học tại Trường Quân sự Hoàng Phố để chuẩn bị nguồn cán bộ quân sự cho cách mạng Việt Nam sau này.
"Từ một thanh niên yêu nước, vượt khó, không ngừng nỗ lực học tập, rèn luyện và trưởng thành trong thực tiễn đấu tranh cách mạng, đồng chí Phùng Chí Kiên đã trở thành một trong những chiến sỹ cộng sản đầu tiên của Đảng," giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Có thể thấy, đồng chí Phùng Chí Kiên là người có những đóng góp lớn trong việc phát triển, hoàn thiện đường lối chiến lược, sách lược của Đảng, nhất là trong công tác xây dựng đường lối và tổ chức chỉ đạo cao trào cách mạng dân chủ (1936-1939); xây dựng, cố định và phát triển tổ chức Đảng ở khu vực biên giới Việt-Trung (1939-1941)...
Theo Đại tá Dương Hồng Anh, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, đồng chí Phùng Chí Kiên là người có công xây dựng lực lượng quân sự của Việt Nam.
Năm 1940, trước tình hình cách mạng Việt Nam có nhiều chuyển biến quan trọng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chỉ đạo đồng chí Phùng Chí Kiên tập hợp hơn 40 thanh niên yêu nước, truyền thụ cho họ những kiến thức quân sự, đào tạo thành những cán bộ cốt cán, đưa về Cao Bằng xây dựng căn cứ và phong trào cách mạng.
Sau Hội nghị Trung ương lần thứ 8, đồng chí Phùng Chí Kiên được chỉ định làm Chỉ huy trưởng căn cứ địa Bắc Sơn-Võ Nhai kiêm Chỉ huy trưởng Đội cứu Quốc quân Bắc Sơn.
Trên cương vị là Tổng Chỉ huy khu căn cứ Bắc Sơn, đồng chí Phùng Chí Kiên là người có đóng góp trực tiếp vào việc xây dựng "Điều lệ của Việt Nam tiểu tổ du kích cứu quốc," trong đó quy định về mục đích, phương pháp tổ chức, điều lệ kết nạp đội viên, trách nhiệm, tập luyện, vũ khí, kỹ thuật của tiểu tổ du kích cứu quốc.
Đồng chí đã truyền đạt cho lực lượng quân đội những kiến thức cơ bản về quân sự, mà trọng tâm là chiến thuật du kích.
"Đây là những kiến thức quân sự cách mạng đầu tiên của Đảng mà cán bộ, chiến sỹ cứu quốc quân được quán triệt, học tập, góp phần nâng cao nhận thức, quyết tâm chiến đấu vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta," Đại tá Dương Hồng Anh nhấn mạnh.
Tấm gương sáng về tinh thần yêu nước
Theo giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, đồng chí Phùng Chí Kiên là tấm gương sáng về người cộng sản yêu nước, trọn đời phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, anh dũng, bất khuất trước kẻ thù.
Thời gian được sống, làm việc gần lãnh tụ Hồ Chí Minh, đồng chí Phùng Chí Kiên đã được thấm những bài học sâu sắc về tư cách của người đứng đầu và tấm gương đạo đức cách sáng ngời, cao đẹp của người thầy, lãnh tụ kính yêu.
Khu lưu niệm đồng chí Phùng Chí Kiên tại xã Diễn Yên (Diễn Châu, Nghệ An). (Ảnh: Nguyễn Văn Nhật/TTXVN)
Học tập theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Người, đồng chí luôn chú trọng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, nêu cao tinh thần tận trung với đất nước, với Đảng, tận tuỵ với nhân dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, chấp hành tuyệt đối công việc của tổ chức; thương yêu đồng chí, đồng bào và nêu cao tinh thần quốc tế vô sản trong sáng.
Phát biểu tại điểm cầu Nghệ An, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý khẳng định, đồng chí Phùng Chí Kiên là người chiến sỹ cách mạng tiêu biểu của Đảng; là người con ưu tú của quê hương Nghệ An, suốt đời phấn đấu, cống hiến, hy sinh vì lợi ích của Đảng, của dân tộc.
Đồng chí là một tấm gương sáng cho thế hệ trẻ về tinh thần chiến đấu kiên trung, bất khuất, không khuất phục trước kẻ thù, sống anh dũng, chết vẻ vang...
Đồng chí Phùng Chí Kiên cũng là tấm gương lớn về tinh thần học tập, kiên trì, chịu khó, luôn kết hợp chặt chẽ giữa lý luận với thực tiễn, trở thành nhà lý luận quân sự song toàn của Đảng, có thể làm việc và hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong công tác và lối sống đời thường, đồng chí là tấm gương mẫu mực về tinh thần tận tụy, lối sống giản dị, gần gũi, hòa mình với đồng bào, đồng chí.
Bản lĩnh, trí tuệ, của đồng chí Phùng Chí Kiên không chỉ là niềm tự hào, góp phần làm rạng danh quê hương, đất nước, mà mãi mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ cán bộ và nhân dân Nghệ An noi theo./.
Theo TTXVN