"Con muốn khởi nghiệp bằng... "săn" đại gia"
Chị Hoàng Ngọc Mai ở TPHCM từng nhiều lần lên tiếng phê phán những cô gái trẻ có sắc đẹp,áituổiteenmuốnsănchanuôimonglàmbồnhítài xĩu có sức khỏe, được học hành đầy đủ, có tương lai, sự nghiệp rộng mở phía trước nhưng lại chọn con đường làm "người thứ ba", sống dựa đại gia, phá hạnh phúc gia đình người khác. Chị không thể chấp nhận lối sống hưởng thụ bất chấp luân thường đạo lý đó.
Vậy nhưng, người mẹ hơn 40 tuổi này không ngờ suy nghĩ đó đã xuất hiện ngay ở cô con gái của mình. Cháu mới 14 tuổi, đã cao gần 1m7, xinh đẹp, học lực tốt tại một trường điểm...
Gần đây, chị nhận thấy con quan tâm đến hình thức một cách thái quá, suốt ngày chăm chút da, dáng, tập tành, theo đuổi phong cách sexy. Trên mạng xã hội, cháu khoe các bức ảnh hở hang, check in ở những nơi sang chảnh, nói những câu gợi mở, triết lý... không hợp với lứa tuổi.
Đi cùng với việc "chăm chút vẻ ngoài", cô bé tuổi teen có biểu hiện bỏ bê và xem nhẹ việc học. Chị Mai âm thầm tìm hiểu thì phát hiện con và một nhóm bạn gái thường xuyên chát chít với nhau kể cô này cô kia xài hàng hiệu, đi xe sang, đi du lịch nước ngoài hoặc có chỗ làm tốt nhờ quen đại gia.
Điều chị sợ nhất là các con xuýt xoa, ngưỡng mộ, ca ngợi những cô gái như vậy, coi đó là gương sáng với bản thân. Những đứa trẻ nói nhau: "Học làm gì nhiều, làm đẹp sau này cặp đại gia cho sướng tấm thân!".
Chị tưởng dân mạng nói xạo nhưng hóa ra tư tưởng, tâm lý đó có thật. Chị nhận thấy, trong suy nghĩ của con và bạn bè đồng trang lứa, việc cặp kè đại gia, làm kẻ thứ ba không phải một lối sống sa đọa, băng hoại về đạo đức, vi phạm pháp luật mà như một mục tiêu, lựa chọn chẳng khác nào quyết tâm khởi nghiệp.
Con đang tuổi dậy thì nhạy cảm, chị rất khó mở lời chia sẻ về vấn đề này, lo con phản ứng thái quá nên chính người làm mẹ rơi vào khủng hoảng.
Giá trị sống bị đảo lộn
Cũng như con gái chị Mai, không ít thiếu nữ mới lớn cho đến các cô gái đã bước vào tuổi trưởng thành có suy nghĩ cặp đại gia để được ăn trắng mặt trơn. Nhiều cô gái lao vào phẫu thuật thẩm mỹ, tắm trắng, học hỏi kỹ năng săn lùng... để chạy theo mục tiêu đó.
Nếu trước đây hình ảnh "chân dài - đại gia" thường được khắc họa trong giới showbiz thì gần đây trào lưu "sugar baby - sugar daddy" (con nuôi và cha nuôi) có xu hướng phổ thông hóa. Có nhiều cô gái, không thiếu những nữ sinh phổ thông, sinh viên đại học lên mạng khoe thân, khoe chỉ số cơ thể, thậm chí khoe "kỹ năng từ A đến Z" để chào mời, mong tìm được "cha nuôi". Họ bất chấp việc chà đạp lên giá trị của chính bản thân, vi phạm pháp luật khi cặp kè với người đã có gia đình.
Đó cũng sự biến tướng, thể hiện lối sống sa đọa về mối quan hệ "tình đổi tiền" giữa những cô gái trẻ với người đàn ông lớn tuổi, thiếu lành mạnh. Mối quan hệ đó đã được định danh là "mại dâm trá hình".
Những diễn biến trong thực tế này, ngay tại môi trường học đường, dường như không màng tới việc chỉ ít vài ngày trước, Bộ GD-ĐT vừa quyết định ban hành kế hoạch về phòng, chống mại dâm trong ngành giáo dục.
Cặp kè với chồng người khác, nhiều cô gái xem là việc bình thường, thậm chí coi đó là như một thành công, được nhiều người xung quanh tung hô, trầm trồ, xem khả năng "săn" đại gia như một dạng tài năng. Những bình luận kiểu như "muốn làm tiểu tam cũng phải có sắc, có tài", rồi mỉa mai "nhiều người có làm nổi như người ta không" hiện rất phổ biến trên các diễn đàn...
Trong một chương trình về giáo dục con trẻ tại TPHCM cách đây không, một số phụ huynh trải lòng về tình cảnh con gái mới lớn chỉ chăm chăm làm đẹp, chau chuốt, không chuyên tâm cho việc học hành, lao động để mong ngày "được làm em gái mưa".
Trước thực tế này, bác sĩ Đồ Hồng Ngọc, nguyên giám đốc Trung tâm Truyền thông, Giáo dục sức khỏe TPHCM phân tích, cách nhìn về trai xinh gái đẹp, về sự giàu sang, thành công đang lệch lạc với một bộ phận giới trẻ. Hình ảnh các cô ca sĩ, hoa hậu, người mẫu... có đại gia nuôi, không cần lao động, khổ luyện, chỉ suốt ngày khoe hàng hiệu tiền triệu, cuộc sống xa hoa, tiêu tiền như nước tác động rất mạnh đến các bạn trẻ.
Từ đó, nhiều trẻ hình thành suy nghĩ chỉ cần có nhan sắc là có người lo, đảm bảo cho một cuộc sống sung sướng và mong muốn đi theo con đường đó. Các em chưa thấy được giá trị, ý nghĩa của sự thành đạt bằng tài năng, sự khổ luyện.
Theo ông, những biến chuyển phức tạp của xã hội làm người lớn đôi khi không kịp giáo dục con trẻ hướng đến nội lực bên trong. "Chính người lớn chúng ta nhiều khi cũng đang "thái quá" trong việc coi trọng những yếu tố bên ngoài như hình thức, tiền bạc, địa vị... Chúng ta cần tôn vinh, xem trọng hơn nữa những người đi lên, thành công bằng năng lực, sự khổ luyện" - bác sĩ Ngọc khuyến cáo.
Giá trị vật chất bên ngoài hiện đang lấn át, khiến nhiều người sẵn sàng đạp đổ những giá trị, phẩm giá bên trong. Các nhà giáo dục nhấn mạnh, cần chú trọng việc giáo dục đạo đức, về những giá trị phổ quát trong đời sống, trong các mối quan hệ tình bạn, tình yêu, hôn nhân gia đình, cha mẹ con cái... thay cho việc hô hào sáo rỗng.
Ngay trong gia đình, nhà trường cần giáo dục con trẻ về phẩm giá con người, phẩm giá giới. Nam nhi có phẩm giá sẽ không cặp kè, dụ dỗ người khác khi đã có vợ con. Một cô gái có giá trị sẽ không biến mình thành món đồ được đổi chác bằng tiền, vật chất để bất chấp, qua lại với người đàn ông đã có gia đình...
Theo Dân trí