Kỳ 14: Điểm nhấn khu liên hợp
Năm 2004,ếttiếpnhữngkỳtíchKỳlịch thi đấu giải tây ban nha hôm nay Bình Dương đã đầu tư xây dựng dự án Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị. Có thể nói, đây là một điểm nhấn trong việc thực hiện mô hình phát triển công nghiệp tạo động lực phát triển đô thị và ngược lại, xây dựng và phát triển đô thị nhằm tạo ổn định xã hội để người dân trong và ngoài tỉnh yên tâm sống, làm việc, học tập và gắn bó lâu dài với tỉnh.
Một góc Khu liên hợp Công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương.Ảnh: QUỐC CHIẾN
Để tạo bước phát triển bền vững và vóc dáng mới trong tương lai, năm 2004, Bình Dương đã triển khai dự án Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị nhằm biến nơi đây thành nơi hội tụ những ý tưởng về xây dựng thành phố công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế, tạo dựng được diện mạo đô thị và hình thành các loại hình dịch vụ hỗ trợ song song cho quá trình phát triển. Khu liên hợp được quy hoạch trên diện tích 4.196 ha, tổng vốn đầu tư được xác định khi đó là 3.000 tỷđồng, nằm trên địa bàn của TX.Bến Cát, TX.Tân Uyên và TP.Thủ Dầu Một.
Dự án Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị đã thu hút được nhiều doanh nghiệp tiềm năng đến đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng như Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II có diện tích 344 ha, Khu công nghiệp Sóng Thần III rộng 533 ha… Bên cạnh đó, trong khu liên hợp, khu dịch vụ cao cấp được quy hoạch khoảng 612,7 ha. Đối với khu đô thị bao gồm cả khu tái định cư với diện tích 1.662 ha, gồm trung tâm đô thị và các công trình hành chính, văn hóa, y tế, giáo dục, thương mại, khách sạn, văn phòng cho thuê…
Triển khai thực hiện xây dựng khu đô thị trong khu liên hợp, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chi tiết 5 khu tái định cư tại xã Phú Mỹ lúc đó (TP.Thủ Dầu Một), xã Hòa Lợi lúc đó (TX.Bến Cát), xã Định Hòa lúc đó (TP.Thủ Dầu Một), xã Phú Chánh và xã Tân Vĩnh Hiệp (TX.Tân Uyên) để bố trí tái định cư cho các hộ dân trong vùng quy hoạch. Cùng với đó, Bình Dương đã xây dựng các công trình tạo lực, trong đó có các tuyến đường tạo lực. Theo đó, khu liên hợp có 7 tuyến đường tạo lực với tổng chiều dài 34km nhằm bảo đảm giao thông thông suốt trong toàn khu và đấu nối với hệ thống giao thông chung như đường Mỹ Phước - Tân Vạn, quốc lộ 13, ĐT741, ĐT742…Tỉnh cũng đầu tư các tuyến kênh thoát nước, hệ thống cấp điện, nước, bưu chính - viễn thông theo đề án được duyệt để đáp ứng nhu cầu của người dân và các nhà đầu tư trong khu liên hợp.
Đặc biệt, cùng với việc đẩy nhanh đầu tư hạ tầng toàn khu liên hợp, tỉnh đã hoàn thành quy hoạch Thành phố mới Bình Dương với quy mô 1.000 ha. Đây là một thành phố mới hiện đại, năng động, bền vững, có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, kết nối chặt chẽ với các tỉnh, thành lân cận trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ông Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư Phát triển công nghiệp - TNHH MTV (Becamex IDC) cho biết, Thành phố mới Bình Dương hoàn toàn có triển vọng phát triển hài hòa, đồng bộ với quy hoạch chung của tỉnh và gắn kết với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây là nơi có một không gian sống thân thiện, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi sẽ thu hút nhiều nguồn lực đầu tư trong nước và nước ngoài và trở thành biểu tượng cho sự phát triển thăng hoa của Bình Dương.
Ngày 10-10-2004, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng lúc bấy giờ về thăm và làm việc tại Bình Dương đã đánh giá, việc xây dựng Khu liên hợp công nghiệp-dịch vụ - đô thị Bình Dương là một hướng đi đúng đắn, xuất phát từ thực tiễn và đáp ứng yêu cầu thực tế về phát triển hiện nay. Dự án này không chỉ có ý nghĩa phục vụ cho sự phát triển riêng của tỉnh Bình Dương mà còn góp phần chia sẻ áp lực cho TP.Hồ Chí Minh, cho cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là điểm dựa kinh tế cho khu vực Tây nguyên. Dự án này sẽ bảo đảm cho tỉnh vừa phát triển công nghiệp vừa tạo dựng được diện mạo đô thị và hình thành các loại hình dịch vụ hỗ trợ song song cho quá trình phát triển.