Tương lai của Syria càng trở nên bất định sau sự sụp đổ đột ngột của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Từng được cho là bất khả xâm phạm, chính quyền Assad đã sụp đổ dưới sức ép của cuộc tấn công nhanh chóng do nhóm phiến quân Hayat Tahrir Al-Sham (HTS), trước đây được gọi là Mặt trận Al-Nusra liên kết với nhóm khủng bố Al-Qaeda và các phe phái đồng minh, lãnh đạo.
Ông Bashar al-Assad lên nắm quyền vào năm 2000, kế nhiệm cha mình, Hafez al-Assad, người đã lãnh đạo Syria bằng "bàn tay sắt" trong gần 3 thập niên. Ban đầu, ông Bashar al-Assad được kỳ vọng sẽ mang lại cải cách và cởi mở cho Syria. Tuy nhiên, những khát vọng này đã bị dập tắt khi ông duy trì đường lối lãnh đạo cứng rắn của cha mình.
Phản ứng của ông Bashar al-Assad đối với các cuộc biểu tình năm 2011 đã leo thang thành một cuộc nội chiến tàn khốc. Hơn nửa triệu người đã thiệt mạng, 6 triệu người trở thành người tị nạn và vô số người khác phải sơ tán trong nước. Với sự hậu thuẫn quân sự từ Nga và Iran, ông Assad đã "cầm cự" trước phe đối lập bị chia rẽ, dựa vào sức mạnh không quân của Nga và lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn như Hezbollah.
Trong bối cảnh các đồng minh bận tâm với những cuộc chiến của riêng mình - Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine và Iran phải đối mặt với những thách thức trong khu vực - không bên nào có thể cung cấp sự hỗ trợ đáng kể cho chính quyền Tổng thống Assad.
Chỉ trong vòng vài ngày, quân nổi dậy đã chiếm được các thành phố quan trọng của Syria như Aleppo, Hama và Homs, trước khi tiến vào thủ đô Damascus. Ngày 8/12, phiến quân tuyên bố Damascus thất thủ, chính quyền Tổng thống Assad bị lật đổ và nhà lãnh đạo Syria đã chạy khỏi đất nước.
Ai sẽ tiếp quản Syria?
Lãnh đạo quân nổi dậy Abu Mohammed al-Golani, hiện được biết đến với tên thật là Ahmed al-Sharaa, đã tuyên bố thành lập một chính quyền chuyển tiếp. Thủ tướng Syria Mohammed al-Jalali đã được bổ nhiệm làm người quản lý các cơ quan nhà nước cho tới khi hoàn tất quá trình chuyển giao quyền lực.
Trong một tuyên bố, ông al-Jalali bày tỏ mong muốn hợp tác với bất kỳ nhà lãnh đạo nào do người dân Syria lựa chọn.
Bất chấp những nỗ lực này, lịch sử của HTS - bắt nguồn từ tổ chức al-Qaeda - đã "phủ bóng đen" lên những lời hứa về cách tiếp cận ngoại giao và dân tộc chủ nghĩa của tổ chức này.
Hayat Tahrir Al-Sham, hay HTS, trước đây được gọi là Mặt trận Nusra, bị Mỹ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và một số quốc gia khác coi là một nhóm khủng bố.
Nhiều người hoài nghi về ý định nắm quyền lâu dài cũng như khả năng lãnh đạo một đất nước bị chia rẽ như Syria của HTS.
Giới quan sát nhận định, sự kết thúc của chính quyền Tổng thống Assad không mang lại hòa bình ngay lập tức cho người dân Syria. Mối liên hệ trước đây của HTS với các nhóm cực đoan làm dấy lên nỗi lo ngại về một chính quyền lãnh đạo độc đoán, khắc nghiệt dưới vỏ bọc của chế độ Hồi giáo.
Hàng triệu người Syria phải rời bỏ nhà cửa, cả trong nước và nước ngoài, phải đối mặt với tương lai bất định khi họ theo dõi các sự kiện đang diễn ra trong cả niềm hy vọng và nỗi lo sợ.
Jerome Drevon, nhà phân tích cấp cao tại tổ chức nghiên cứu International Crisis Group có trụ sở tại Brussels, Bỉ cho rằng, việc thiết lập một hệ thống quản trị mới ở Syria sẽ là "thách thức vô cùng lớn" đối với những phiến quân đã lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.
"Đây sẽ là thách thức vô cùng lớn đối với toàn bộ liên minh các nhóm phiến quân, bởi vì liên minh này rất đa dạng", ông Drevon nói.
"Một số nhóm có cấu trúc chặt chẽ hơn, có tổ chức hơn, bao gồm Hayat Tahrir Al-Sham (HTS) và một số đồng minh của nhóm này", ông Drevon cho biết, trong khi những nhóm khác là "những thực thể mang tính địa phương hơn".
Theo ông Drevon, các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar có thể sẽ giúp ổn định tình hình ở Syria, cũng như các quốc gia vùng Vịnh và châu Âu khác, đồng thời nói thêm rằng các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh có thể sẽ can thiệp để "ủng hộ lợi ích của riêng họ".
Đòn giáng vào Nga
Sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Assad đánh dấu một đòn giáng vào tầm ảnh hưởng của Nga ở Trung Đông.
Kể từ năm 2015, Nga đã là bên ủng hộ vững chắc nhất của chính quyền Tổng thống Assad, duy trì các cơ sở chiến lược như căn cứ hải quân Tartous và căn cứ không quân Hmeimim ở Latakia. Các căn cứ này rất quan trọng để thể hiện sức mạnh của Nga trên khắp Địa Trung Hải và châu Phi.
Tuy nhiên, trọng tâm quân sự của Nga đang đổ dồn vào cuộc chiến ở Ukraine. Việc chính quyền Tổng thống Assad mất quyền kiểm soát ở Syria đặt ra câu hỏi về khả năng của Nga trong việc bảo vệ chỗ đứng chiến lược của nước này trong khu vực.
Iran mất trục kháng chiến
Đối với Iran, sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Assad làm gián đoạn "Trục kháng chiến" kết nối Tehran với lực lượng Hezbollah ở Li Băng thông qua Syria. Mạng lưới này đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển giao vũ khí và gây ảnh hưởng trong khu vực. Với việc Hezbollah suy yếu sau cuộc xung đột gần đây với Israel và các lực lượng ủy nhiệm của Iran ở Yemen và Iraq chịu áp lực, chiến lược xung đột của Tehran sẽ cần một cách tiếp cận khác.
Mối bận tâm của Iran với Israel, quốc gia mà Tehran coi là mối đe dọa hiện hữu, càng hạn chế khả năng phản ứng hiệu quả của Iran ở Syria. Việc Israel gần đây nhắm mục tiêu vào các cơ sở của Iran đã làm trầm trọng thêm những thách thức này, khiến Tehran phải duy trì thế phòng thủ.
Vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ
Vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Assad vẫn còn mơ hồ. Trong khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan từ lâu đã ủng hộ một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột Syria, những lời kêu gọi của ông liên tục bị Tổng thống Assad từ chối. Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có hơn 3 triệu người tị nạn Syria, có lợi ích trong việc giải quyết cuộc xung đột ở Syria để tạo điều kiện cho người tị nạn hồi hương.
Thổ Nhĩ Kỳ đã phủ nhận sự tham gia trực tiếp vào các cuộc tấn công của HTS ở Syria, nhưng các nhà phân tích cho rằng sự chấp thuận ngầm hoặc hỗ trợ gián tiếp của Thổ Nhĩ Kỳ có thể đã đóng một vai trò nhất định. Các ưu tiên của Tổng thống Erdogan bao gồm bảo vệ biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ và chống lại lực lượng dân quân người Kurd ở miền bắc Syria.
Tính toán chiến lược của Israel
Đối với Israel, sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Assad vừa là cơ hội vừa là rủi ro. Việc đồng minh chính của Iran sụp đổ tại Syria làm gián đoạn chuỗi cung ứng cho Hezbollah, nhưng sự nổi lên của HTS như một lực lượng dẫn đầu lại gây ra những bất ổn mới.
Israel đã tăng cường sự hiện diện dọc Cao nguyên Golan, chuẩn bị cho khả năng triển khai lực lượng hoặc các nỗ lực của phiến quân nhằm chiếm giữ kho dự trữ của quân đội Syria. Quân đội Israel cũng cảnh giác với Iran và Hezbollah lợi dụng sự hỗn loạn để có được vũ khí tiên tiến.