Trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2021,ộctấncôngmạngvàocáchệthốngtạiViệtNamtrongkỳnghỉTếvô địch bolivia Trung tâm NCSC đã ghi nhận 129 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, giảm 27,9% so với dịp Tết 2020. (Ảnh minh họa) |
Nhận định về tình hình an toàn, an ninh mạng Việt Nam trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, từ ngày 10/2 đến ngày 16/2/2021, Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT cho hay, dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 không có vấn đề nghiêm trọng về an toàn, an ninh mạng. Tổng số các cuộc tấn công mạng cũng như số lượng địa chỉ IP nằm trong mạng botnet (mạng máy tính ma – PV) đều giảm so với 2020.
Cụ thể, theo số liệu từ hệ thống kỹ thuật của NCSC, trong 129 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, có 17 cuộc tấn công thay đổi giao diện (Deface), 58 cuộc tấn công lừa đảo (Phishing) và 54 cuộc tấn công cài cắm mã độc. Như vậy, so với dịp nghỉ Tết năm ngoái, số cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam đã giảm 27,9%.
Cùng với đó, dịp nghỉ Tết Nguyên đán năm nay, hệ thống của NCSC ghi nhận 246.037 địa chỉ IP của Việt Nam nằm trong các mạng botnet, giảm 49,7 % so với đợt nghỉ Tết Nguyên đán năm 2020 (489.310 địa chỉ IP).
Tuy nhiên, Trung tâm NCSC cho biết, trong dịp nghỉ Tết 2021 vừa qua, vẫn xảy ra tình trạng lừa đảo, giả mạo website của ngân hàng và tổ chức tài chính để lừa đảo người dùng.
“Trong năm nay, Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia – NCSC sẽ đẩy mạnh những hoạt động để xử lý các website lừa đảo nhằm vào người dùng Việt Nam”, đại diện NCSC chia sẻ thêm.
Như ICTnews đã đưa tin, vào cuối tháng 12/2020, Bộ TT&TT có Công văn 5167 đôn đốc toàn bộ mạng lưới đơn vị chuyên trách CNTT/ an toàn thông tin tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong thời gian diễn ra Đại hội lần thứ XIII của Đảng và các dịp lễ, Tết năm 2021. Mục tiêu đặt ra là các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp không bị động, bất ngờ với mọi tình huống tấn công mạng và phát tán thông tin xấu độc trong thời gian diễn ra các sự kiện lớn của đất nước, nhất là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021; đồng thời tạo tiền đề triển khai công cuộc chuyển đổi số thành công và bền vững.
Trao đổi với ICTnews, chia sẻ về thách thức lớn trong công tác đảm bảo an toàn, an ninh mạng, đại diện Trung tâm NCSC cho hay, có nhiều khó khăn trong việc đảm bảo an toàn an ninh mạng tại Việt Nam thời gian qua. Đầu tiên là nhận thức của người sử dụng Internet tại Việt Nam về an toàn, an ninh mạng vẫn chưa cao. Phần lớn người dùng cho rằng an toàn thông tin mạng là trách nhiệm riêng của cơ quan, tổ chức, bộ phận kỹ thuật chuyên trách mà chưa ý thức được rằng mỗi người sử dụng thiết bị có truy cập mạng Internet đã là một điểm yếu tiềm năng cho tin tặc lợi dụng nếu không có kiến thức và nhận thức đúng về an ninh mạng.
Bên cạnh đó, ở góc độ tổ chức, nhiều đơn vị chưa ý thức bảo vệ tài sản số của mình và chưa lường trước được những rủi ro, thiệt hại mà tổ chức có thể đối diện khi có rủi ro về vấn đề an toàn an ninh mạng.
“Đây là hai rào cản chính khiến cho công tác bảo đảm an toàn an ninh mạng tại Việt Nam trong thời gian qua còn khó khăn. Do vậy, về bản chất, khó khăn nhất đối với công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng lại không phải là câu chuyện kỹ thuật mà đó là câu chuyện về mặt “nhận thức”, bao gồm cả nhận thức của lãnh đạo đơn vị và nhận thức của người sử dụng”, đại diện NCSC nhấn mạnh.
Vân Anh
Bộ TT&TT vừa đề nghị các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm để tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong thời gian Đại hội lần thứ XIII của Đảng và các dịp lễ, tết năm 2021.