Tan ca sau một ngày làm việc vất vả,ữacơmchiềucủagiađìnhcôngnhâkeo nhà cai những công nhân hối hả trở về nhà trọ, mong ngóng được quây quần bên mâm cơm chiều đạm bạc nhưng ấm áp. Bữa cơm chiều tưởng chừng đơn giản, lại là nơi gắn kết yêu thương, là nguồn động lực giúp họ tiếp tục nỗ lực cho cuộc sống phía trước.
Gia đình anh Hồ, chị Liên quây quần bên bữa cơm chiều
Chan chứa yêu thương
Ánh chiều tà nhuộm đỏ rực cả một góc trời, sau giờ tan ca chị Mai Thị Bích Liên, công nhân Công ty TNHH Lục Sâm (TP.Tân Uyên) tất tả chạy về đón con. 2 mẹ con cùng nhau về phòng trọ cách đó không xa. Việc đầu tiên về phòng trọ, chị chuẩn bị bữa cơm chiều cho cả nhà. Thịt chị đã ướp và cất trong tủ lạnh lúc sáng, giờ chỉ cần bước ra đầu ngõ mua thêm trái bầu, bó rau muống về nấu canh và thêm đĩa rau luộc là có bữa cơm chiều tươm tất.
Ngồi nhặt rau, chốc lát chị Liên lại hướng mắt về phía con trai, nhanh tay bắc nồi cơm rồi quay qua bắc chảo lên chiên thịt, chị lại quay sang vớt rau. Đôi tay chị cứ thoăn thoắt như thế. Trong căn phòng trọ chật hẹp, oi bức, gương mặt chị lấm tấm mồ hôi nhưng trông thật rạng ngời. Ngồi chơi trong phòng, chốc chốc cậu bé Khang, con trai chị, lại quay xuống bếp hỏi mẹ: “Mẹ ơi, nay ăn món gì vậy mẹ? Mẹ ơi, mẹ nấu xong chưa? Con nghe mùi thơm quá!”…
Hơn 17 giờ chiều, anh Lê Long Hồ, chồng chị Liên đi làm về, bé Khang nhảy chân sáo reo mừng: “A! Ba về rồi. Hôm nay mẹ nấu món con thích nè ba ơi”. Trong căn phòng trọ nhỏ, mùi thơm nức của thức ăn lan tỏa khắp không gian. Trên chiếc mâm đơn sơ, những món đầy đủ dinh dưỡng được bày ra: Sườn chiên, canh bầu nấu tôm khô, rau muống luộc. Mỗi người bưng chén cơm nóng hổi trên tay, cùng nhau thưởng thức bữa ăn sau một ngày dài làm việc. Những câu chuyện rôm rả vang lên, xen lẫn tiếng cười đùa vui vẻ. Họ chia sẻ với nhau những câu chuyện trong ngày. Bữa cơm chiều tuy giản dị nhưng lại là sợi dây gắn kết vô hình, giúp họ thêm yêu thương, trân trọng nhau hơn.
Trong suốt những năm cùng nhau xây dựng hạnh phúc gia đình, anh Hồ, chị Liên luôn coi bữa cơm chiều là bữa ăn quan trọng nhất, gắn kết tình cảm gia đình. Bởi, buổi sáng ai nấy cũng vội vội, vàng vàng, con thì đến trường, cha mẹ thì tất bật vào ca. Sau một ngày dài làm việc, dù có mệt đến mấy chị Liên cũng vào bếp nấu vài món cho cả nhà.
Chị Liên bộc bạch: “Bữa nào có thời gian như hôm nay thì tôi chuẩn bị các món tươm tất xíu, bữa nào hàng nhiều, về trễ thì nấu mấy món đơn giản, nhanh gọn. Đối với tôi bữa cơm chiều vừa làm ấm bếp lửa, giữ hạnh phúc, lại bảo đảm dinh dưỡng và tiết kiệm. Ông xã và con trai tôi đều không thích ăn ngoài, nhất là bé Khang, nó hay khen và ủng hộ cơm mẹ nấu nên đây là động lực giúp tôi vào bếp đều đặn mỗi ngày”.
Sau bữa cơm chiều, như một hành động “cảm ơn” bữa cơm ngon của người vợ, anh Hồ tự giác dọn, rửa chén bát, chị Liên lo vệ sinh, tắm rửa cho con. Xong xuôi các phần việc, cả nhà cùng nhau dạo mát một vòng quanh gần khu nhà trọ để tránh cái nóng ngột ngạt nơi phòng trọ, tìm chút không gian tươi mát...
Ước mơ về tương lai tươi sáng
Chị Liên chia sẻ, anh chị quê ở TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang, đến Bình Dương lập nghiệp cũng đã hơn 10 năm nay. Đời sống kinh tế khó khăn, nên chuyện chi tiêu, ăn uống, gia đình cũng tiết kiệm nhất có thể; đồng thời cố gắng bảo đảm dinh dưỡng cho con đang độ tuổi ăn học. Nhìn con trẻ háo hức chờ đợi được ăn tối, chị Liên, anh Hồ lại có thêm động lực để làm việc, để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho gia đình.
Mâm cơm của gia đình chị Liên cũng như bao gia đình công nhân khác thường giản dị, bình dân. Tuy đơn sơ, nhưng từng món ăn đều được nấu nướng cẩn thận, chan chứa tình cảm của người vợ, người mẹ dành cho chồng, con. Nó chứa đựng những giá trị tinh thần to lớn, là nơi vun đắp tình yêu thương, là nguồn động lực giúp họ vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Những câu chuyện đời thường, những chia sẻ về công việc, về gia đình được ríu rít bên mâm cơm. Tiếng cười nói rôm rả át đi tiếng ồn ào của phố thị, xua tan đi mọi mệt mỏi sau một ngày dài.
Cuộc sống của người công nhân hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều gia đình công nhân phải chật vật lo toan từng bữa cơm, từng đồng bạc. Giá cả leo thang, thu nhập bấp bênh khiến họ phải tiết kiệm trong chi tiêu, nhưng nhìn vào nụ cười rạng rỡ trên môi những đứa trẻ, ánh mắt trìu mến của người vợ, người chồng, chúng tôi cảm nhận được niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn, về tinh thần lạc quan, về ý chí vượt khó của những người lao động, hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai…
Mâm cơm của gia đình chị Liên cũng như bao gia đình công nhân khác thường giản dị, bình dân. Tuy đơn sơ, nhưng từng món ăn đều được nấu nướng cẩn thận, chan chứa tình cảm của người vợ, người mẹ dành cho chồng, con. Nó chứa đựng những giá trị tinh thần to lớn, là nơi vun đắp tình yêu thương, là nguồn động lực giúp họ vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống… |
NGỌC NHƯ