Phiên đấu giá biển số ô tô hôm 15/9 vừa qua đã ghi nhận bước đầu thành công khi tổng số tiền đấu 11 biển số lên đến hơn 82 tỷ đồng,ạiđẩygiáảobùngđơnkhigiáđấubiểnsốôtôquáoxbet. trong đó biển số 51K-88888 trúng đấu giá cao nhất, hơn 32 tỷ đồng.
Đây là tín hiệu rất đáng mừng bởi phiên đấu giá đầu tiên không gặp phải sự cố, số tiền trúng đấu giá lớn. Việc này cũng cho thấy sự công khai, minh bạch, công bằng và sau khi các cá nhân trúng đấu giá nộp tiền sẽ mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước.
Theo quy định, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có thông báo kết quả đấu giá, người trúng đấu giá phải nộp toàn bộ tiền trúng đấu giá sau khi đã trừ số tiền đặt trước vào tài khoản chuyên thu của Bộ Công an.
Tuy nhiên, vì mức ràng buộc tiền cọc 40 triệu đồng quá thấp so với giá trúng khiến nhiều người lo lắng sẽ xảy ra tình trạng bùng hay bỏ cọc giống như một số phiên đấu giá đất đai. Thậm chí nhiều ý kiến nghi ngại rằng, có người cố tình tham gia, đẩy giá ảo để trục lợi.
Anh Phạm Thanh Tùng (Hà Nội) là người có kinh nghiệm lâu năm trong việc sưu tầm, săn mua biển số đẹp, cũng tham gia vào phiên đấu tấm biển 30K-55555 nhưng không thành công. Anh chia sẻ: "Mọi người đều thấy giá trúng đấu 11 biển số VIP vừa rồi là rất cao. Tôi cho rằng số tiền đấu giá cao càng tốt, vì nguồn tiền này sẽ được chuyển về ngân sách nhà nước để phục vụ đầu tư công, có ích cho toàn xã hội. Biển số không được phép mua bán chuyển nhượng tự do, vì vậy khả năng bơm thổi giá không nhiều, vì bản thân người bơm thổi giá lên cũng không thu được lợi ích gì".
Riêng việc "bùng đơn" cũng là vấn đề anh Tùng lo ngại nhất. "Thực tế có thể thấy những biển VIP có giá trúng đều ở mức đến vài chục tỷ đồng. Mà hiện tại giá cọc ban đầu chỉ có 40 triệu, mức ràng buộc này quá thấp so với giá trúng, nên việc người đấu trúng bỏ cọc là có thể xảy ra. Nếu người trúng bỏ cọc thì theo quy định hiện tại sẽ phải đấu giá lại, việc này tốn khá nhiều nguồn lực, công sức của cả ban tổ chức lẫn người đấu.
Và nếu cứ đấu giá lại nhiều thì vô hình sẽ làm giảm uy tín của các cuộc đấu giá, người dân trở nên kém hào hứng hơn, dẫn đến giá biển số sẽ có xu hướng giảm. Đồng nghĩa với việc thất thu ngân sách. Nên ban tổ chức cần phải nghiên cứu rất kỹ để ngăn chặn việc đấu bừa rồi bỏ cọc. Có thể tăng mức cọc với những biển số đặc biệt, hoặc ra quy định cấm đấu giá vĩnh viễn với những cá nhân bỏ cọc", anh Tùng nhìn nhận.
Đánh giá về kết quả phiên đấu giá biển ô tô lần 1, anh Nguyễn Thành (Hà Nội) cho biết: "Như tôi được biết, đơn vị tổ chức đấu giá sẽ được hưởng % giá trúng đấu giá mỗi biển số. Chính thế, không ngoại trừ trường hợp họ sẵn sàng đầu tư vài tài khoản, nộp cọc 40 triệu đồng vào để tham gia đấu và đẩy giá lên cao đầu cơ. Nếu vậy, người dân phải đấu giá với giá trị cao hơn nhiều lần giá trị thực tế trên một biển số".
Đồng quan điểm với anh Thành, anh Trần Hữu (Quảng Ninh) cũng cho rằng, quy định người trúng đấu giá không nộp tiền thắng và chỉ mất cọc 40 triệu đồng là rất bất cập. Bởi sẽ xảy ra tình trạng thao túng giá, và thực tế có thể thấy giá một số biển số bị đẩy lên quá cao mà nhiều người ví von là "ảo quá ảo".
Anh Hữu phân tích, ví dụ 1 biển số giá trị thực chỉ khoảng 1 tỷ đồng. Người muốn thao túng giá (tốt xanh tốt đỏ), họ thổi giá lên 7-8 tỷ đồng thì người dân đấu giá thật nếu muốn đấu, cũng sẽ bị cuốn theo ở mức giá cao hơn giá trị thật rất nhiều. Trường hợp không có người dân đấu giá, thì tốt xanh tốt đỏ chỉ mất 40 triệu đồng.
"Theo tôi, nếu không có biện pháp phù hợp thì đây lại là cuộc chơi của thao túng giá và mất công bằng. Và chúng ta nên nhớ rằng, đơn vị đấu giá hưởng % giá trúng đấu giá. Nên việc cài người đẩy giá lên cao là điều có thể xảy ra.
Cần có quy định chế tài mạnh xử lý đối với cá nhân khi bùng cọc. Chẳng hạn ngoài việc phạt mất tiền cọc, tăng mức cọc tiền, có thể thêm cơ chế xử phạt số tiền 5-10% của tổng số tiền trúng đấu giá, cấm tham gia các cuộc đấu giá khác...", anh Hữu nói.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có thông báo kết quả đấu giá, người trúng đấu giá phải nộp toàn bộ tiền trúng đấu giá sau khi đã trừ số tiền đặt trước vào tài khoản chuyên thu của Bộ Công an. Ngay sau khi nhận đủ số tiền trúng đấu giá, Bộ Công an cấp hóa đơn điện tử bán tài sản công và văn bản điện tử xác nhận biển số ô tô trúng đấu giá gửi vào thư điện tử cho người trúng đấu giá để làm thủ tục đăng ký xe.
Trong trường hợp quá 15 ngày mà người trúng đấu giá không hoặc chưa nộp tiền vào tài khoản chuyên thu của Bộ Công an, thì thông báo kết quả trúng đấu giá, văn bản xác nhận biển số xe ô tô trúng đấu giá sẽ bị huỷ theo quy định tại Điều 16 Nghị định 39/2023/NĐ-CP. Bên cạnh đó, biển số xe ô tô đã trúng đấu giá sẽ được đưa ra đấu giá lại.
Số tiền đặt trước (đặt cọc 40 triệu đồng/1 biển số) mà người trúng đấu giá đã nộp sẽ không được hoàn trả lại và được nộp vào ngân sách nhà nước trong trường hợp không hoàn tất thủ tục tài chính như đã nêu ở trên.