Giữa tháng 4 năm nay,êngiatiếtlộnguycơxâmhạitìnhdụctrẻemgiađìnhnàocũngcầnbiếcartagines câu chuyện bé gái 12 tuổi ở Thanh Trì, Hà Nội bị xâm hại dẫn đến có thai và sinh con ở độ tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới" đã khiến dư luận dậy sóng.
Thông tin cho biết, bé L. sống cùng bố - người còn bận rộn với những nỗi lo cơm áo mà không có thời gian để mắt đến con gái tuổi dậy thì. Mẹ bỏ đi từ khi bé mới 1 tuổi, nên L. thiếu vắng sự chăm sóc của người phụ nữ trong gia đình.
Một cô bé khác, 15 tuổi ở huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau cũng gặp thảm kịch tương tự. Bé sống cùng ông bà nội, cô và dượng sau khi cha mẹ ly hôn. Đau lòng hơn, theo lời khai của em và sự thú nhận của thủ phạm, em đã bị tất cả 7 người xâm hại tình dục nhiều lần từ năm 7 tuổi.
Những vụ việc đau lòng vẫn liên tục xảy ra, cả ở nông thôn, miền núi lẫn thành thị. Điểm chung của những trường hợp này là bản thân đứa trẻ không biết cách bảo vệ bản thân, không biết hành vi của thủ phạm với mình là không được phép.
Chia sẻ về chủ đề này, bác sĩ, chuyên gia giáo dục giới tính Nguyễn Lan Hải cho biết, theo thống kê, 86% những đứa trẻ thoát được khỏi những vụ bắt giữ với ý đồ xấu đều là do các bé đã được huấn luyện để tự cứu mình trước khi nhận được trợ giúp.
Trong rất nhiều bài giảng về chủ đề phòng tránh xâm hại tình dục ở trẻ em, bác sĩ Hải luôn nói đến 5 dấu hiệu báo động nguy cơ bị xâm hại tình dục dễ nhận biết nhất, gồm có: Báo động nhìn, báo động nói, báo động chạm, báo động một mình và báo động ôm.
“Khi trẻ mới 3-4 tuổi, chúng ta đã có thể dạy trẻ một kỹ năng, đó là không nên để người khác nhìn chằm chằm vào vùng đồ lót của mình. Nếu một người nhìn chằm chằm vào các bộ phận trên cơ thể, khiến bé cảm thấy khác lạ, không thoải mái thì nên tức khắc rời đi, chạy đến chỗ mình cảm thấy an toàn”.
“Thứ hai là báo động nói. Chúng ta hãy dạy trẻ cảnh giác với những người chọn bộ phận cơ thể của trẻ để khen. Là người lớn, chúng ta cũng chỉ nên khen những phẩm chất của một đứa trẻ, thay vì khen những bộ phận cơ thể của bé. Ví dụ như nên khen trẻ siêng năng, ngoan ngoãn, tự giác, biết giúp đỡ… thay vì khen mông, đùi múp rụp, chân dài, môi đỏ…”.
Báo động chạm hay còn gọi là báo động cấp 3, tức là khi người khác có những hành động chạm đến cơ thể của trẻ như: Bẹo má, vuốt tay, kéo vào lòng, phát vào mông, thậm chí là giúp chỉnh sửa trang phục của bé để có cơ hội chạm vào cơ thể bé dù ở trong hay ngoài.
Bác sĩ Hải khuyên, khi kẻ đối diện đã có những hành vi ở cấp độ này, trẻ nên thực hiện nguyên tắc 3 bước “No – Go – Tell” – tức là "Nói không, Chạy ra chỗ khác và Kể cho người lớn nghe".
Báo động thứ tư là báo động một mình – tức là khi kẻ xấu tìm cách để ở một mình với trẻ. “Thường thì kẻ xấu sẽ không dám làm gì ‘con mồi’ khi ở chỗ đông người, có ánh sáng, mà thường dụ dỗ ‘con mồi’ rời đi đến chỗ vắng, tối.
Cũng có những kẻ rất tinh vi, tỏ ra phớt lờ và không đưa ra lời gợi ý nào cả, nhưng lại cố tình đưa ra tình huống khiến trẻ tự nguyện cùng với mình đến những chỗ không có bố mẹ, người thân.
Không hề khó để làm được điều này với trẻ nếu các con chưa được dạy các kỹ năng bảo vệ bản thân. Nếu một đứa trẻ đã được trang bị kỹ năng, sẽ biết đặt câu hỏi ‘tại sao không phải một nhóm, mà lại là chỉ có một mình mình?”.
Báo động cuối cùng là báo động ôm. Báo động ôm không chỉ là hành vi ôm trẻ vào người, mà bao gồm cả những hành vi níu kéo, bắt giữ, khóa cửa, kéo vào lòng, ép vào tường… Báo động ôm thường xảy ra khi đã trải qua 4 loại báo động kia.
Bác sĩ Lan Hải cho rằng, thực ra khi đã xảy ra báo động ôm thì những kỹ năng phòng vệ thông thường mà trẻ hay được học sẽ ít có tác dụng trong việc thoát thân, ngược lại dễ gây ra phản ứng bị kiểm soát chặt hơn.
Bà cho rằng, những kỹ năng thoát hiểm nên được dạy riêng 1-1 cho trẻ, tránh phổ biến rộng rãi trên truyền thông vì thủ phạm cũng sẽ biết để đối phó.
Bác sĩ Hải cho rằng, mỗi đứa trẻ nên được dạy 5 dấu hiệu nhận biết nguy cơ xâm hại tình dục này, vừa để tự bảo vệ bản thân, vừa là để không vô tình trở thành thủ phạm khi vui chơi, trêu đùa bạn bè.