Charles Ponzi từng thụ án tù ở cả Canada và Mỹ trước khi thực hiện vụ lừa đảo khét tiếng. Ảnh: Thư viện Boston |
Năm 1920,àvụlừathếkỷtiềnđổitiềtylekeo tv Charles Ponzi đã lừa đảo của người dân Boston số tiền 15 triệu USD chỉ trong 8 tháng. Ponzi hứa hẹn trả lãi bằng 50% vốn cho các nhà đầu tư chỉ trong 45 ngày. Nhưng cuối cùng vụ lừa đảo đã bị vạch trần, đẩy Ponzi vào tù và tên hắn ta đi vào “biên niên sử” tội phạm. Đây không phải là lần đầu tiên Charles Ponzi bất tuân luật pháp, nhưng nó là thứ khiến tên tuổi hắn ta trở nên khét tiếng trong lịch sử.
Sinh ra ở Parma, Italy, vào năm 1883, Ponzi tuyên bố đã theo học Đại học Rome La Sapienza nhưng không bao giờ tốt nghiệp. “Trong những ngày học đại học, tôi được gọi là kẻ chi tiêu bạt mạng”, Ponzi từng nói với tờ New York Times. “Đó là lúc tôi rơi vào thời kỳ bấp bênh trong cuộc đời của một chàng trai trẻ khi tiêu tiền dường như là điều hấp dẫn nhất trên Trái Đất”.
Sau khi hết tiền, Ponzi lên đường di cư sang Mỹ vào năm 1903. Trong hành trình vượt Đại Tây Dương trên con tàu S.S Vancouver, Ponzi đã nướng vào sới bạc hầu hết số tiền còn lại của mình. “Tôi đã hạ cánh ở đất nước này với 2,5 USD tiền mặt và 1 triệu USD hy vọng”, Charles Ponzi nói.
Ở vùng đất của cơ hội, hắn ta làm đủ nghề, từ bán rong trái cây, rửa bát thuê, rồi tới Canada làm nhân viên ngân hàng và cuối cùng là một kẻ mưu mô như những gì cả thế giới chứng kiến.
Ponzi đã lừa được 40.000 người trong mô hình "lấy mỡ nó rán nó. Ảnh: Thư viện Boston |
Tất nhiên, Ponzi không phải là một tên tội phạm non nớt. Năm 1907, cảnh sát Canada đã bắt hắn ta vì tội làm giả mạo séc. Hắn thụ án 3 năm trong một nhà tù ở Quebec. Sau khi ra tù, Ponzi thử sức mình với một kế hoạch khác. Lần này, hắn ta đã buôn lậu 5 người nhập cư Ý qua biên giới Mỹ. Nhưng một lần nữa, Ponzi lại bị cảnh sát bắt và “bóc lịch” thêm 2 năm trong một nhà tù ở Atlanta.
Vào tháng 8/1919, nguồn “cảm hứng mới” ập đến khi Ponzi mở lá thư của một phóng viên về kinh doanh người Tây Ban Nha. Bên trong thư, hắn ta nhìn thấy một tờ giấy được gọi là phiếu hồi đáp quốc tế (IRC).
Dịch vụ bưu chính, vào thời điểm đó, đã sử dụng các phiếu hồi đáp quốc tế cho phép người gửi bưu chính thanh toán trước phí tem cho người nhận để gửi thư hồi đáp. Người nhận sẽ lấy phiếu đó đến một bưu điện địa phương và đổi lấy tem bưu chính bằng đường hàng không ưu tiên để gửi thư hồi âm.
Sau chiến tranh thế giới thứ I, Mỹ là nước duy nhất có giá trị tiền tệ ổn định so với vàng, trong khi các nước châu Âu khác thì tiền tệ mất giá rất nhiều do in tiền để chi tiêu quân sự. Theo đó, trên lý thuyết, IRC mua ở bên ngoài nước Mỹ, sử dụng đồng tiền châu Âu, có thể đổi ra nhiều tiền mặt hơn tại Mỹ: Một người mua phiếu IRC ở Tây Ban Nha, có thể bán ra ở Mỹ với lợi nhuận khoảng 10%. Ponzi quyết định khai thác điều này. Hắn ta thuê các đại lí mua phiếu hồi đáp quốc tế giá rẻ ở các quốc gia khác và gửi tới Mỹ. Sau đó, ông sẽ đổi lấy tem và bán lại để kiếm lời. Kiểu trao đổi này được coi là một khoản đầu cơ chênh lệch, không phải là hành vi bất hợp pháp. Nhưng rồi Ponzi trở nên tham lam và mở rộng động cơ của mình.
Một phiếu hồi đáp quốc tế do Anh phát hành. |
Dưới cái bóng công ty do mình điều hành - Công ty Giao dịch Chứng khoán, hắn ta cam kết trả lãi là 50% số tiền cho các nhà đầu tư trong vòng 45 ngày hoặc 100% trong 90 ngày. Do thành công trước đó ở mô hình tem bưu chính, các nhà đầu tư ngay lập tức bị thu hút. Nhưng thay vì thực sự đầu tư tiền, Ponzi chỉ dùng tiền của chính các nhà đầu tư để chi trả hoa hồng khổng lồ cho họ và nói với các nhà đầu tư rằng họ đã kiếm được lợi nhuân.
Cứ như vậy, trong vòng 6 tháng, Ponzi đã thuyết phục khoảng 20.000 người đầu tư cho hắn 10 triệu USD. Ponzi mở văn phòng tại New Jersey và Maine. Cuối cùng sau khi thu hút hơn 40.000 nhà đầu tư, Ponzi đã biến mình thành một triệu phú sau chưa đầy nửa năm.
Ngày 24/7/1920, tờ Bưu điện Boston đăng trên trang nhất bài báo về Charles Ponzi. Dòng tít tuyên bố: “Tiền đổi tiền trong 2 tháng; 50% tiền lãi trả trong 45 ngày - Hàng ngàn nhà đầu tư”. Trong bài báo, Ponzi miêu tả mình là một người đàn ông hào phóng, giàu có. “Tôi không có hứng thú gì với việc tiêu tiền cho bản thân. Sau khi kiếm được 1 triệu USD đầu tiên, tôi chi hơn cả 1 triệu để cố gắng làm điều tốt đẹp cho thế giới”. Bài báo ước tính Ponzi sở hữu tài sản hơn 8,5 triệu USD (thời đó).
Hai ngày sau, một loạt nhà đầu tư xuất hiện bên ngoài văn phòng của Ponzi. “Hy vọng và lòng tham có thể đọc được trên vẻ mặt tất cả mọi người”, sau này Ponzi viết trong cuốn tự truyện của mình. “Điên rồ, điên rồ tiền bạc, loại điên rồ tồi tệ nhất, phản chiếu trong đôi mắt họ!”.
Ponzi tự mô tả mình là “thầy phù thủy”, có thể biến một người ăn xin trở thành triệu phú chỉ sau một đêm! Y sở hữu một biệt thự 12 phòng, nhiều xe sang bao gồm một chiếc limo đặt riêng và cô vợ trẻ xinh đẹp đeo đầy trang sức kim cương.
Mặc dù nhiều người đã hoài nghi, nhưng ngay cả những kẻ lừa đảo khác cũng không thể hiểu chính xác mô hình kinh doanh của Ponzi là gì. William Miller, người từng lừa đảo hơn 1 triệu USD từ các nhà đầu tư vào năm 1899, nói với tờ Bưu điện Boston: “Tôi có thể khá đần độn, nhưng tôi không thể hiểu làm thế nào Ponzi kiếm được nhiều tiền như vậy trong một thời gian ngắn”.
Các nhà điều tra liên bang đã vào cuộc kiểm tra sổ sách của Ponzi, nhưng trong khi công việc của họ chưa đi đến kết quả nào thì chính nhà báo được Ponzi thuê để quảng bá cho công ty của hắn ta đã vạch trần vụ lừa đảo. Sau khi kiểm tra hồ sơ tài chính của Ponzi, nhà báo McMasters phát hiện ra rằng, số tiền duy nhất hắn ta có trong tay cho đến giờ là tiền lấy từ các nhà đầu tư. Những khoản lợi nhuận khổng lồ mà Ponzi đưa ra rõ ràng chỉ là “bánh vẽ”.
Ponzi trên đường đến tòa án ở Boston. Ảnh: Thư viện Boston |
Cùng tháng đó, các nhà quản lý liên bang đột kích vào văn phòng của Ponzi. Không có gì đáng ngạc nhiên, họ không tìm thấy số lượng lớn phiếu hồi đáp quốc tế cần thiết để thanh toán cho các nhà đầu tư một cách hợp pháp. Thay vào đó, cảnh sát tìm thấy bằng chứng gian lận qua thư. Vì Ponzi gửi thư những thông tin cập nhật đầu tư cho các nhà đầu tư của mình, các nhà chức trách sau đó buộc tội hắn ta 86 tội danh lừa đảo qua thư.
Kẻ lừa đảo đã phải thụ án 3 năm rưỡi trong nhà tù liên bang. Sau khi ra tù vào năm 1925, hắn ta lại bị kết án 9 năm tù vì các tội gian lận khác. Nhưng trong thời gian được tại ngoại, Ponzi trốn thoát đến một vùng hẻo lánh ở Florida và bắt đầu kinh doanh đất “ảo” với cái tên giả. Người đăng kí mua đất được Ponzi hứa sẽ trả 30 USD cho mỗi khoản đầu tư 10 USD sau 60 ngày, tức là mức lãi còn ấn tượng hơn so với vụ lừa thế kỷ trước đó.
Ponzi lại bị bắt, nhưng rồi chạy trốn được đến Texas trước khi bị tóm cổ ở New Orleans. Tới năm 1934, hắn ta mới ra tù và bị trục xuất về Italy.
Siêu lừa Bernie Madoff áp dụng "mô hình Ponzi" để lừa đảo hàng chục tỷ USD trước khi bị bắt năm 2008. |
Ở tuổi 42, hói đầu, thừa cân và không có việc làm ở quê nhà, Ponzi thấy cuộc đời quá bi đát. Vợ hắn đã bỏ đi và sau một cơn đột quỵ vào đầu năm 1948, Ponzi qua đời trong một bệnh viện từ thiện, với gia tài chỉ vỏn vẹn 75 USD.
Cái tên Charles Ponzi từ đó đã đồng nghĩa với lừa đảo. Đến tận năm 2008, siêu lừa Bernie Madoff đã sử dụng chính “mô hình Ponzi” để lừa đảo hàng chục tỉ USD của các nhà đầu tư.
Theo baotintuc.vn