Sau 12 năm từ bỏ nghề lập trình viên, quyết tâm trở về làm "người nông dân nuôi chim", anh Nguyễn Văn Phúc (SN 1987, ở thôn Hiệu Chân, xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) đã sở hữu cơ ngơi trang trại với 9.000 đôi chim bồ câu Pháp, mỗi năm trừ các chi phí thu khoảng 3 tỷ đồng.
Cuộc gặp gỡ của nhóm phóng viên và anh Phúc liên tục bị gián đoạn bởi những cuộc điện thoại đặt hàng từ khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Anh hài hước bảo: "Đây là thời điểm "hồi sinh" sau dịch Covid-19 nên nghe điện thoại đến cháy cả máy vẫn vui".
Đứng lên sau thất bại
Ngày chàng trai sinh năm 1987 - Nguyễn Văn Phúc bày tỏ dự định mở trang trại nuôi chim bồ câu tại quê nhà, cha mẹ anh hết sức ngạc nhiên. Với mong ước cậu con trai duy nhất có thể "bước ra khỏi lũy tre làng", ông bà đã quyết định để anh sang Cộng hòa Liên bang Nga du học ngành công nghệ thông tin nhiều năm.
Ông bà ấp ủ hy vọng, sau này anh trở thành một kĩ sư, thoát khỏi công việc nhà nông quanh năm đầu tắt mặt tối, "bán mặt cho đất bán lưng cho trời".
Năm 2008, sau khi du học ở Nga trở về, anh Phúc làm một lập trình viên máy tính tại Hà Nội với khoản thu nhập 7 triệu/tháng. Anh nhớ lại, thời điểm đó, lương của công nhân chỉ từ 2 - 3 triệu đồng nên mức lương của chàng thanh niên 21 - 22 tuổi như anh không phải thấp. Vậy mà số tiền đó vẫn không đủ cho anh trang trải cuộc sống ở nơi thành thị đắt đỏ.
Chỉ 5 tháng sau, anh quyết định bỏ nghề về quê Sóc Sơn mở phòng game, đồng thời mở dịch vụ bảo trì máy móc, máy in cho các cơ quan tại địa phương.
Những lúc rảnh việc, anh tranh thủ giúp bố mẹ chăm sóc đàn bồ câu mà bố anh nuôi nhằm tăng gia thêm cho gia đình. Với vốn kiến thức về công nghệ thông tin, anh chụp ảnh đưa hình chim bồ câu lên một số website, diễn đàn rao vặt thời điểm đó để bán.
Nhận thấy nhiều người quan tâm đến sản phẩm này, anh bắt đầu tìm hiểu thông tin, nảy sinh ý nghĩ gắn bó với nghề nuôi chim.
Nghĩ là làm, cuối năm 2008, anh Phúc dồn toàn bộ số tiền tích cóp từ nghề lập trình viên để mua 100 cặp chim bồ câu Pháp về nuôi. Do chưa có kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc, cách phòng chống dịch bệnh nên chỉ 3 tháng, đàn chim mắc bệnh và chết hàng loạt.
Chàng thanh niên "mất trắng" 40 triệu đồng, một số tiền không hề nhỏ lúc bầy giờ. "Từ 100 cặp chim khỏe mạnh, tôi chỉ còn vỏn vẹn 20 cặp”, anh Phúc nhớ lại.
Đối với chàng thanh niên ít tuổi, lần thất bại đầu đời cũng khiến anh chán nản, mất ăn mất ngủ một thời gian. Nhưng được sự động viên của gia đình và tiếc công xây dựng chuông trại, anh quyết định làm lại lần hai.
"Nếu lần này còn thất bại thì tôi cũng không còn gì hối hận hay tiếc nuối. Nghĩ vậy nên tôi tạm gác công việc gia đình, đi tham quan 1 số mô hình chăn nuôi chim bồ câu Pháp để học hỏi kinh nghiệm chăm sóc, cách phòng chống dịch bệnh. Tôi cũng vay thêm gia đình để mua thêm 30 cặp bồ câu, cộng với 20 cặp sẵn có.
May mắn thay, lần này, nhờ tích lũy kinh nghiệm, 50 cặp bồ câu sinh trưởng nhanh, ít dịch bệnh. Sau 6 tháng, chim cái vào thời kỳ đẻ trứng, tôi quyết định mua máy ấp trứng để nhân rộng số lượng đàn. Từ đó, số lượng đàn chim cứ tăng lên theo từng năm", anh chia sẻ.
Sau 12 năm, hiện tại anh Phúc đang sở hữu 3 trang trại nuôi chim bồ câu Pháp với 9.000 cặp.
Anh nông dân thu nhập tiền tỷ
Anh Phúc chia sẻ, trung bình một con chim bồ câu cái sẽ đẻ 9 lứa trứng/năm. Mỗi lứa 2 quả. Sau khi trứng nở thành con, anh Phúc bán với giá 200.000 đồng/cặp đối với chim giống 2 tháng tuổi; 400.000 đồng/cặp đối với chim từ 4 – 5 tháng tuổi, chim bắt đầu vào sinh sản thì có giá 450.000/cặp. Với chim bồ câu thương phẩm, anh bán với giá 130.000 đồng/cặp.
Sau 12 năm làm nghề, anh Phúc đã tạo được uy tín với thương hiệu riêng nên nguồn tiêu thụ chim giống lẫn chim thương phẩm của anh đều ổn định. Hàng tháng, cả chim giống và chim thương phẩm được anh Phúc xuất bán là khoảng 7.000 cặp.
Trang trại tạo công ăn việc làm cho từ 10 - 15 lao động với mức thu nhập 7 - 10 triệu đồng/tháng.
Mỗi năm, sau khi trừ tất cả các khoản chi phí, anh thu lãi gần 3 tỷ đồng.
"Tất nhiên không có con đường nào là bằng phẳng, cũng có những thời điểm khó khăn, làm chỉ cố gắng để không lỗ", anh Phúc chia sẻ về giai đoạn 2014 - 2015 khi dịch bệnh H7N9 bùng phát.
Anh Phúc thật thà chia sẻ, so với nuôi các loại chim hay gia súc gia cầm khác, nuôi chim bồ câu "nhàn" hơn: một ngày chỉ cho ăn 2 bữa, sáng từ 8 – 11h, chiều từ 15 – 18h. Thức ăn chủ yếu là cám viên. Thế nhưng cái khổ là ở việc chăm sóc sức khỏe cho chim.
Để bồ câu có sức đề kháng tốt, ngay từ khi mới nở, anh đã phòng chống dịch bệnh bằng cách cho chim uống thuốc, tiêm phòng định kỳ, "chăm sóc chim như chăm con mọn".
Cụ thể, chim bồ câu Pháp hay bị bệnh theo mùa, tháng 1, 2 chim hay bị bệnh đậu, bệnh newcastle; mùa đông chim hay bị bệnh thở, đường hô hấp, nên quá trình nuôi người dân phải chú ý tiêm phòng cho chim. Bởi, nếu không tiêm tỉ lệ hao hụt đàn rất lớn.
Ngoài ra, người chăn nuôi phải cực kì chú trọng khâu tổng vệ sinh (dọn phân chim, vãi vôi bột khử trùng…).
Với quy mô lớn, mô hình nuôi chim của anh Phúc đang sử dụng máy ấp trứng. Nói về ưu điểm, anh cho hay: Sử dụng máy ấp trứng hiệu quả cao hơn, tỷ lệ trứng ấp nở gần như 95%.
Khi lấy trứng ra máy ấp, thì phải cho trứng giả vào cho chim ấp. Bởi, nếu không cho trứng giả vào sau này chim sẽ không nuôi con.
Ấp trong máy thì nhiệt độ ổn định, chim nở đạt tỷ lệ cao hơn. Trường hợp ấp tự nhiên trứng nở đạt 70- 80%, người chăn nuôi khó có lãi.
Hiện tại, ngoài tập trung cho trang trại, anh Phúc cũng tận dụng vốn hiểu biết về công nghệ thông tin để mở fanpage, Youtube, website chia sẻ kiến thức nuôi chim bồ câu cho mọi người. Dịp cuối tuần, hàng chục người tìm đến anh để học và nghe chia sẻ về mô hình nuôi chim bồ câu.
"Mình không giấu nghề hay bí quyết làm nghề mà sẵn sàng chia sẻ cho mọi người. Đó cũng là niềm vui của mình", anh cho hay.
Từ một ngôi nhà cũ, với nhiều hạng mục xuống cấp, công trình lột xác trở nên hiện đại, đáp ứng đủ công năng sử dụng cho các thành viên trong gia đình.