Lo lắng 4 đứa cháu của mình mệt mỏi sau những ngày bán vé số,ốphậnbấthạnhcủađứatrẻbánvésốbịchamẹchốibỏkq bong y bà Hồng cho chúng nghỉ ở nhà. (Ảnh: Nguyễn Sơn). |
Ước mơ đến trường của các em cũng xa vời như hy vọng có được tình yêu thương từ cha, mẹ.
Bị cha mẹ chối bỏ
Sài Gòn mưa nhiều. Sợ mấy đứa cháu đổ bệnh, bà Lê Mỹ Hồng (59 tuổi, ngụ ấp 1, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM) cho chúng tạm nghỉ bán vé số dạo. Trong căn phòng trọ trống trước hở sau, 4 đứa trẻ hồn nhiên ngồi xoay tới xoay lui cuốn vở tập viết rồi cười tít mắt.
Mọi thứ đều quá đỗi lạ lẫm với chúng. Bởi, các em chưa bao giờ được đến trường, cầm trên tay cây viết, cuốn vở. Và, mới đây thôi, vào giờ này, 4 đứa còn thay phiên nhau lang thang trên đường để bán vé số.
Bà Hồng giọng chua chát cho biết: “Chúng là cháu nội, cháu ngoại của tôi. Các cháu đều có hoàn cảnh rất đáng thương. Đứa thì bị mẹ bỏ rơi, đứa thì cha lấy vợ khác rồi không chịu nuôi. Thương cháu, tôi gồng gánh chăm lo chúng nó từ lúc mới lọt lòng”.
Hướng mắt về phía bé trai có nụ cười trong veo, bà Hồng cho biết, đó là cháu nội của bà tên Lê Quang Vinh. Dù mới 11 tuổi, Vinh đã được bà nội xem như một lao động chính trong nhà.
Bà Hồng kể: “Lúc được 2 tuổi, mẹ nó bồng con bỏ nhà theo người khác. Cha nó đau đớn nhưng chẳng thể làm gì. Ở bên ngoại được 3-4 năm, mẹ nó đi lấy chồng khác, nó ở với bà ngoại. Không lâu sau, ngoại nó vì cờ bạc mà khánh kiệt, nó càng chịu nhiều cay đắng”.
Không muốn đứa cháu ngoại vướng chân, người phụ nữ ấy đem đứa bé đến gặp bà Hồng hỏi xem “cha nó tính thế nào”. Không thể nghỉ việc để chăm con, cha Vinh cắn răng giao con cho bà ngoại và hứa sẽ gửi tiền cấp dưỡng.
Nghe vậy, bà Hồng không đồng tình. “Tôi thấy gia đình bên ấy có nhiều điều không tốt nên tôi nhận cháu nội về nuôi. Tôi nói với con rằng, bà cháu tôi có gì ăn nấy, tới đâu hay tới đó, khổ cũng đã khổ rồi. Thế là tôi nuôi nó từ đó đến giờ”.
Bà Hồng không thể toàn tâm bán vé số nuôi cháu vì chồng bị tai biến nằm liệt giường. (Ảnh: Nguyễn Sơn). |
Cháu nội đã bất hạnh, hoàn cảnh 3 đứa cháu ngoại của bà gồm: Tú Uyên (10 tuổi), Mỹ Ngọc (8 tuổi) và Mỹ Ánh (5 tuổi) càng nghiệt ngã hơn. Cả 3 bé đều bị cha mẹ chối bỏ, phải nương tựa vào nhau dưới sự chở che của bà ngoại và người ông tật nguyền.
Bà kể, cô con gái của bà sinh con được mấy năm vì đói khổ đành đoạn gửi con cho bà nuôi rồi bỏ đi biệt xứ. “Trước khi đi, nó chỉ nói: “Con gửi con cho má. Má nuôi tụi nó dùm con. Con đi làm rồi gửi tiền về”.Mà nó có gửi tiền về đâu. Nhiều khi về, thấy nó không có đồng bạc lẻ, trong túi còn đôi ba trăm, tôi cũng móc đưa ngược lại cho nó”, bà Hồng chua chát.
Đã cao tuổi, chồng bệnh tật triền miên lại phải gồng gánh nuôi thêm 4 đứa cháu nội, ngoại, bà Hồng quanh năm vất vả mà chẳng đủ ăn. Mấy đứa trẻ vì thế cũng thất học. Bây giờ, niềm vui lớn nhất của chúng là được ăn bữa cơm no.
Lăn lóc vào đời
Dù còn rất nhỏ, Mỹ Ánh đã phải theo anh đi bán vé số mưu sinh. (Ảnh: Nguyễn Sơn). |
Để nuôi đàn cháu, thuốc thang cho chồng bị tai biến nằm liệt giường, bà Hồng nhận vé số về bán dạo. Hàng ngày, bà cùng đàn cháu đỡ ông già 62 tuổi lên chiếc xe lăn để bà đẩy ra đường Mai Bá Hương bán vé số.
Thương chồng gặp bạo bệnh, không thể chịu nắng mưa, bán được 2-3 tiếng đồng hồ, bà lại phải đẩy chồng về phòng trọ. Thu nhập bấp bênh, bà nghĩ cách giao vé số cho cháu nội đi bán giúp. Và, Vinh là người đảm nhận trọng trách này.
Vào đời sớm khiến Vinh già dặn hơn cái tuổi của em rất nhiều. Cậu bé sớm nhận thức được hoàn cảnh éo le của mình và rất mực thương yêu ông bà nội. Khi được giao vé số, em nhận ngay và dắt theo bé Mỹ Ánh lội bộ đi bán.
Vẫn cái cười trong veo, Vinh kể: “Con cứ cầm vé đi trên đường mà bán. Đi hoài, đi hoài. Ánh mệt thì em cõng em đi. Chừng nào đi hết nổi, con gọi bà nội đến đón. Đi bán không cực mà vui lắm. Con chỉ sợ nắng chút thôi. Nghĩ bán được vé số là có tiền giúp bà nội mua thuốc cho ông nội là con hết sợ liền hà”.
Trong khi đó, bé Mỹ Ngọc được bà Hồng phân công ở nhà chăm sóc Tú Quyên bị xuất huyết não. Bà Hồng chia sẻ, khi mới 4 tháng tuổi, mẹ Quyên đã bỏ con đi. Thương núm ruột của con, bà lại cắn răng làm lụng nuôi cháu.
Trong khi đó, Mỹ Ngọc dù mới 8 tuổi đã biết chăm chị bệnh, thay ngoại nấu cơm, quét nhà, rửa chén. (Ảnh: Nguyễn Sơn). |
Trong một lần gửi Quyên cho nhóm trẻ, bé bị tai nạn dẫn đến xuất huyết não. Bây giờ, dù đã 10 tuổi, bé gái chẳng thể nói chuyện rõ ràng, lâu lâu lại lên cơn co giật bất ngờ. Những lúc như thế, chân tay bé co quắp, gào khóc gọi ngoại.
Chẳng thể theo anh bán vé số, Tú Quyên lại phải có người trông nom. Mỹ Ngọc được ngoại giao nhiệm vụ chăm sóc chị. “Nhỏ tuổi là thế nhưng Mỹ Ngọc đã biết chăm chị bệnh, nấu cơm, quét nhà, lau nhà, rửa chén... Vì hoàn cảnh nên phải tập hết. Khi nào Ngọc mệt quá thì đổi ca cho Ánh”, bà Hồng nói với giọng tự hào.
Nói xong, bà lại đưa ánh mắt buồn bã về phía đứa cháu ngoại nhỏ tuổi nhất đang cầm cây bút chì vẽ nguệch ngoạc lên cuốn vở vừa được một mạnh thường quân mua tặng. Bà cho biết, bọn trẻ thèm học lắm nhưng ước mơ ấy vẫn đang rất xa vời, mông lung.
"Nếu có thể thì Mỹ Ngọc và Mỹ Ánh được đi học thôi. Hai cháu có giấy tờ cần thiết để làm hồ sơ xin nhập học. Chỉ tội thằng Vinh. Nó không có giấy khai sinh. Hiện nay, tôi đang liên hệ bệnh viện nơi mẹ nó sinh để trích lục giấy chứng sinh cho nó. Tuy vậy, xem chừng cũng rất khó khăn”, bà nói.
Nghe bà nội nhắc đến việc học, vẻ mặt cậu bé đen nhẻm vì nắng bừng sáng. Em cho biết, em chưa từng đến lớp nhưng rất muốn được đi học. “Con thích đi học lắm. Đi học có nhiều bạn, biết đọc, biết viết. Đi học để lớn lên con làm công an bắt cướp”, cậu bé nói, biểu lộ ước mơ của mình bằng nụ cười và đôi mắt sáng ngời.
Quang Vinh mới 11 tuổi nhưng được ngoại xem là lao động chính trong nhà. (Ảnh: Nguyễn Sơn). |
Bà Nguyễn Thị Kim Mai, Phó Chủ tịch UBND xã Lê Minh Xuân cho biết: “Chúng tôi cũng nhận được phản ánh về trường hợp hoàn cảnh khó khăn của cô Hồng và đã nắm thông tin. Hiện tại, cô vẫn đang thường trú ở quận 11 , TP.HCM chứ chưa có tạm trú ở xã Lê Minh Xuân. Tại đây, cô chỉ thuê nhà trọ”.
“UBND xã đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan, xem xét để giải quyết vấn đề về tạm trú, tạm vắng cho gia đình cô. Đối với vấn đề liên quan đến pháp lý, chính quyền cũng đang từng bước xác minh. Nói chung, phía UBND rất quan tâm đến hoàn cảnh của gia đình cô Hồng. Sắp tới, chính quyền xã sẽ xem xét các quy định liên quan để hỗ trợ cho gia đình cô”.
Nguyễn Sơn
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: 1. Gửi trực tiếp: Bà Lê Mỹ Hồng, ấp 1, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM. SĐT 0367.857.459 2. Ủng hộ qua Báo VietNamNet: Ghi rõ ủng hộ MS 2020.238(các cháu bà Hồng) Chuyển khoản: Báo VIETNAMNET |
Những ngày đầu, thấy chị Nguyệt xăng xái chạy xe máy xuống nhà dân chở rác về, bà con bảo: “Trời ơi, chủ tịch hội phụ nữ gì mà như bà bán ve chai!”.