Kín giường hồi sức tích cực
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho hơn 70 bệnh nhân Covid-19. 10 ngày gần đây đơn vị này tiếp nhận lượng bệnh nhân nặng gia tăng rõ rệt.
Riêng tại khoa Hồi sức tích cực – nơi điều trị các ca nặng và nguy kịch nhất,ốbệnhnhâket qua bong da anh dem qua chỉ trong 3 ngày cuối tuần qua tiếp nhận tới 21 bệnh nhân, trong khi trước đó con số chỉ dao động 4-6 ca. Hiện tại, khoa này trong tình trạng gần như kín giường.
Một nửa bệnh nhân nằm điều trị hồi sức phải can thiệp thở máy, số còn lại thở oxy mask, HFNC (thở oxy dòng cao). Ngày nào ở đây cũng có 2-4 ca phải lọc máu liên tục.
Lý giải nguyên nhân bệnh nhân nặng tăng, lãnh đạo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho rằng hiện các cơ sở điều trị Covid-19 ở bệnh viện tuyến tỉnh có xu hướng đóng cửa. Do đó, các bệnh nhân được chuyển trực tiếp lên bệnh viện này.
Việc gia tăng bệnh nhân Covid-19 phải nhập viện không chỉ diễn ra ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) một tháng nay cũng ghi nhận gia tăng lượng bệnh nhân Covid-19 khám, nhập viện, tăng nặng. Cao điểm có ngày, phòng khám của viện này tiếp nhận tới 20 ca.
“Không ít ca trong số đó đã mắc hoặc nghi mắc Covid-19 tới 3-4 lần dù họ đã tiêm 2 hoặc 3 mũi vắc xin”, bác sĩ Nguyễn Thu Hường, Phụ trách điều trị bệnh nhân Covid-19 của bệnh viện, cho hay.
Hiện cơ sở này điều trị khoảng 10 ca Covid-19, được chuyển đến từ nhiều cơ sở y tế khác tại Hà Nội. Một số bệnh nhân nặng, SpO2 giảm mạnh, sau khi được đặt ống nội khí quản phải chuyển Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Trước tình hình tăng lượng bệnh nhân nặng, trong cuộc họp sáng nay, bác sĩ Hường đã đề xuất tái lập đơn vị hồi sức để chủ động điều trị, giảm tải cho tuyến trên.
Tại Bệnh viện Điều trị Covid-19 Hoàng Mai, số bệnh nhân tăng so với đầu tháng. Hiện cơ sở này thường xuyên có 20-30 bệnh nhân Covid-19 được chuyển đến từ nhiều địa phương, chủ yếu là Hà Nội.
Đa số bệnh nhân “vô tình” phát hiện dương tính SARS-CoV-2 khi đi khám bệnh nền thay vì chủ động vào viện điều trị Covid-19. Trong số này, có không ít người tái nhiễm.
Tới sáng 28/7, có 2 ca đang phải thở máy, một số ca thở oxy. Đặc biệt, hôm 26/7, đơn vị tiếp nhận nam bệnh nhân mới 23 tuổi mắc Covid-19 chưa rõ bệnh lý nền, vào viện trong tình trạng nặng, phải thở máy. Sau một ngày, bệnh nhân ngừng tuần hoàn, phải chuyển lên cơ sở 1 của bệnh viện.
Cần thiết phải tiêm mũi 4 vắc xin, đặc biệt với người có nguy cơ cao
Các bác sĩ cho hay đa số các bệnh nhân phải nhập viện, diễn biến nặng đều là người cao tuổi, mắc các bệnh nền như tim mạch, tiểu đường, ung thư, suy giảm miễn dịch, phổi tắc nghẽn mạn tính... Khi mắc Covid-19, diễn biến bệnh nặng hơn. Một số đã tiêm 2-3 mũi vắc xin.
Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực Bênh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết do thời gian tiêm mũi 3 vắc xin Covid-19 của bệnh nhân cách đây ít nhất 6 tháng nên hiệu lực vắc xin, nồng độ kháng thể đã xuống thấp. Điều này khiến bệnh nhân dễ tái nhiễm, dễ tăng nặng.
“Tiêm mũi 4 vắc xin Covid-19 rất quan trọng với người có yếu tố nguy cơ cao”, bác sĩ Phúc nhấn mạnh.
Một tuần gần đây, Việt Nam ghi nhận khoảng 1.000 ca Covid-19 mới mỗi ngày, cao điểm ngày 26-27/7 ghi nhận khoảng 1.500 ca. Việc gia tăng bệnh nhân mắc và tăng nặng được nhận định do biến thể phụ BA.4, BA.5 có khả năng lây lan nhanh hơn các biến thể trước đó.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho hay, theo báo cáo của Viện Pasteur TP.HCM trong 2 tuần nay, qua giám sát trọng điểm phát hiện 70% trường hợp mắc biến thể phụ BA.4, BA.5.
Hiện tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi 3-4 vắc xin lần lượt là 72% và 50%. Một số tỉnh có tỷ lệ tiêm mũi 4 dưới 25%. Tổ chức Y tế Thế giới khẳng định tiêm vắc xin, đặc biệt là tiêm mũi 3-4 và tiêm cho trẻ em là biện pháp phòng chống BA.4 và BA.5 hay các biến thể mới.
Theo Hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, đối với người từ 18 tuổi trở lên, tiêm mũi 3 sau mũi 2 thời gian 3 tháng; tiêm mũi 4 sau mũi 3 thời gian 4 tháng; người đã mắc Covid-19 thì tiêm ngay sau khi khỏi bệnh.
Thanh Hiền