- Triền miên từ nhiều năm nay, năm nào ngành giáo dục cũng loay hoay cải tiến tuyển sinh.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT vừa công bố những dự kiến thay đổi liên quan tới thi và tuyển sinh vào ĐH, CĐ năm 2016. Có thể nói đây là những dự kiến thay đổi khá căn bản trong công tác xét tuyển như tăng cường hơn nữa sự tự chủ của nhà trường với việc không cấp giấy báo điểm, thí sinh được tự do đăng ký tuyển sinh…
GS Nguyễn Minh Thuyết: Xã hội và báo chí đang “xả stress” vào giáo dục và y tế. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Bộ Giáo dục nên đứng ra giải thích
GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đưa ra quan điểm về vấn đề này.
- Loay hoay mãi việc tuyển sinh không phải là việc hay. Trong toàn bộ quá trình đào tạo đại học, tuyển sinh chỉ là một khâu và không phải khâu quan trọng nhất. Đổi mới nội dung, quy trình, phương thức đào tạo để nâng cao chất lượng mới là những vấn đề Bộ GD-ĐT và các trường phải tập trung.
Theo tôi, tổ chức thi tốt nghiếp THPT và tuyển sinh không phải là việc của Bộ mà là của cơ sở,. Việc thi tốt nghiệp THPT nên để các Sở GD-ĐT tổ chức, việc tuyển sinh giao cho các trường đại học, cao đẳng. Các trường có thể tổ chức thi tuyển riêng, liên kết thi tuyển theo cụm, theo học bạ là tùy mỗi trường.
Việc Bộ GD-ĐT nên tập trung bây giờ là có biện pháp để các trường kiểm định chất lượng, công bố kết quả kiểm định theo định kỳ.
Tất nhiên Bộ không thể ép các trường kiểm định được vì đây là quyền tự chủ của mỗi trường. Nhưng mỗi năm một lần, Bộ công bố danh sách các trường đã được kiểm định. Điều này sẽ gây sức ép lên các trường, bởi nếu không kiểm định, trường học cũng chỉ là một dạng công ty thôi, sẽ không tạo lập được uy tín với thí sinh và phụ huynh.
Khi ở trong nước chưa có một tổ chức kiểm định độc lập đủ uy tín, trường có thể mời các tổ chức trong khu vực vào kiểm định. Đây chính là cơ hội để giáo dục đại học Việt Nam đối chiếu mình với chuẩn khu vực. Những trường đạt kết quả kiểm định tốt sẽ khẳng định được vị trí của mình trong khu vực.
Ông có cho rằng có lệch lạc gì ở cả cơ quan quản lý lẫn dư luận hay không, khi mà cả Bộ GD-ĐT và dư luận đang quá tập trung vào khâu tuyển sinh?
- Trước hết, việc cải tiến tuyển sinh xuất phát từ ý thức trách nhiệm của Bộ GD-ĐT mong muốn giảm bớt cồng kềnh, tốn kém cho thí sinh và phụ huynh.
Dư luận cũng góp phần vào sự thay đổi liên tục này. Trước đây, các trường đã từng thi riêng. Sau khi báo chí phản ánh về sự căng thẳng tốn kém, thì “3 chung” ra đời. Rồi dư luận về sự căng thẳng, cồng kềnh của hai kỳ thi (tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ) đã dẫn tới phương án tổ chức kỳ thi “2 trong 1” (thi tốt nghiệp THPT quốc gia) như vừa qua.
Đứng ra tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ, Bộ GD-ĐT thể hiện tinh thần trách nhiệm của mình, nhưng điều đó không phù hợp với chức năng nhiệm vụ của một cơ quan quản lý nhà nước cấp trung ương. Công việc chính của cơ quan quản lý nhà nước cấp trung ương là xây dựng chiến lược, văn bản quy phạm pháp luật, thanh tra kiểm tra…, chứ không phải làm thay Ban giám đốc các sở, Ban giám hiệu các trường.
Cũng có thể Bộ không muốn làm nhưng lại chịu sức ép từ cơ quan cấp trên.
Còn nếu bảo rằng có lợi ích về tài chính ở đây không mà Bộ cứ “ôm” việc, tôi cho là không, hoặc nếu có thì rất ít, không đáng với những gánh nặng mà việc này mang lại.
Có lẽ, trước hết chính Bộ GD-ĐT nên đứng ra giải thích tại sao Bộ cứ phải “ôm” lấy việc này, rồi mới bàn vào chi tiết sửa đổi.
Có sửa gì cũng phải công bố sớm
Còn truyền thông góp phần như thế nào vào sự “loay hoay” sửa đổi cách thi cử, thưa ông?
- Báo chí đã rất nhạy cảm, phản ánh kịp thời những sự việc, hiện tượng bất hợp lý diễn ra trong quá trình thi cử.
Nhưng chắc chắn là báo chí cũng gây sức ép lên cơ quan quản lý. Như tôi đã nói, một phần do sức ép của báo chí mà trước đây Bộ GD-ĐT phải tìm phương án “3 chung”, cũng như vừa rồi kỳ thi THPT quốc gia ra đời.
Tôi muốn kể một ví dụ khác về sức ép của báo chí, là việc đào tạo đại học theo hai giai đoạn dưới thời Bộ trưởng Trần Hồng Quân. Tôi cho rằng đây là sự đổi mới tiến bộ, phù hợp với cơ chế thị trường, nhưng đã không duy trì được lâu dài.
Với cách chia giai đoạn để đào tạo như vậy, khi học xong giai đoạn đại cương, sinh viên có thêm một lần nữa lựa chọn chuyên ngành học thật sự phù hợp. Giai đoạn đại cương cũng để sàng lọc những sinh viên không đạt yêu cầu.
Cách đào tạo như vậy cũng cho phép sinh viên có nhu cầu hay hoàn cảnh riêng được tạm nghỉ học một thời gian, khi chứng chỉ ĐH đại cương được bảo lưu tới năm 38 tuổi…
Những cải tiến tiến bộ này sau đó bị dư luận, thông qua báo chí, gây sức ép khá dữ dội. Báo chí phản ánh có những phụ huynh than thở rằng khi con đỗ đại học mình đã bán trâu bán bò làm cỗ chiêu đãi hàng xóm. Vậy mà chỉ một năm rưỡi sau con đã xách balo về. Gia đình tốn kém và xấu hổ...
Lỗi xét ra là của gia đình và chính sinh viên, nhưng rồi chính những tiếng nói như vậy trên báo chí đã gây sức ép, khiến cải tiến này không duy trì được lâu.
Nếu chỉ xét riêng trong kỳ thi và tuyển sinh năm vừa qua thì sao, thưa ông?
-Tôi thấy rằng năm vừa rồi dư luận đánh giá hơi quá, khi đưa những ý kiến cho rằng những đổi mới thi cử, tuyển sinh là bỏ đi hết.
Nếu bình tĩnh nhìn nhận, thì giai đoạn đầu của kỳ thi THPT quốc gia cũng có những điểm tốt. Việc có nên tiếp tục thi chung như thế không, thì tôi cho rằng không. Có điều, cái gì tốt vẫn nên ghi nhận.
Tôi có cảm tưởng báo chí rất ít muốn khen giáo dục, mà hay chăm chú vào những chuyện, những chi tiết chưa tốt, làm cho ngành giáo dục lúng túng.
Có một vị lãnh đạo ngành trước đây từng tâm sự với tôi rằng: “Xã hội đối xử với giáo dục như với học sinh cá biệt. Quay phải không được, mà quay trái cũng không xong”.
Xã hội và báo chí đang “xả stress” vào giáo dục và y tế, dù có những ngành có thể tệ hơn.
Nhưng cũng phải nói rằng, nếu các lãnh đạo ngành có bản lĩnh thì việc mình mình cứ làm, có kết quả tốt xã hội sẽ thừa nhận thôi. Tuy nhiên, tôi cho rằng ít người có thể chịu sức ép dư luận.
Vậy thì những dự kiến thay đổi trong năm 2016 mà Bộ vừa đưa ra, theo ông nhìn nhận, chủ yếu là do những vướng mắc nội tại của phương thức thi – tuyển, hay do dư luận?
- Tuyển sinh năm vừa rồi có những lúng túng, có những cái sai, chủ yếu là do Bộ “ôm đồm”. Dư luận kêu, Bộ sửa là phải.
Lẽ ra, khi làm việc lớn như thế, cơ quan chức năng phải nghiên cứu kỹ, dự đoán hết các tình huống, lên phương án giải quyết chu đáo các tình huống có thể phát sinh, rồi mới làm. Trong quá trình thực hiện, Quy chế tuyển sinh quy định như thế nào phải giữ vững như thế, không giải quyết theo sự vụ phát sinh… Nhưng mọi việc đã không diễn ra như vậy, bởi vừa muốn ôm hết vừa muốn tốt đẹp hoàn hảo là rất khó.
Tuy nhiên, nếu đã nhận thấy phương án chưa hoàn thiện, thì dứt khoát phải sửa đổi. Không vì tự ái , vì giữ thể diện mà không làm.
Theo tôi, bây giờ, Bộ cần tập trung nghiên cứu, sửa đổi Quy chế một cách căn bản. Không sửa lắt nhắt, bởi nếu làm vậy sẽ chạy theo sự vụ suốt đời.
Và nếu có sửa gì cũng nên công bố sớm để thí sinh có điều kiện chuẩn bị. Những công bố thay đổi của năm vừa rồi, theo tôi, là muộn.
Xin cảm ơn ông.
Xem thêm:
Những điểm mới dự kiến của kì thi THPT quốc gia năm 2016