NSND Ngô Đặng Cường sinh năm 1948,ốSuniHạLinhquotNếuconbỏcaháttôisẵnsàngbánhếttàisảkq úc là tên tuổi gạo cội trong làng múa Việt Nam. Ông từng giữ chức hiệu trưởng Trường múa TPHCM, đoạt nhiều giải thưởng lớn trong và ngoài nước.
NSND Ngô Đặng Cường là bố ruột của ca sĩ Suni Hạ Linh. Vợ của ông và con gái lớn cũng từng là nghệ sĩ múa. Mới đây, cả gia đình đã bay sang Trung Quốc để cổ vũ Suni Hạ Linh vào chung kết Đạp gió 2024.
Nhân dịp này, phóng viên Dân trícó cuộc trò chuyện với NSND Ngô Đặng Cường về cuộc sống khi về hưu, nỗi lòng của bậc phụ huynh khi dõi theo chặng đường nghệ thuật của con.
"Tôi không thích con theo nghệ thuật vì quá vất vả"
NSND Ngô Đặng Cường và vợ gắn bó với múa từ thời trẻ, cống hiến gần như cả cuộc đời cho nghệ thuật. Có phải vì thế ông bà đã hướng con gái theo đuổi nghệ thuật từ khi con còn nhỏ?
- Tôi có 2 cô con gái. Con gái lớn thì thích múa từ nhỏ, có thể múa cả ngày, tự nghĩ động tác, tự tập luyện. Con gái út (Suni Hạ Linh - PV) lúc nhỏ lại không thích múa, không thích hát, không thích đàn.
Từ trước khi Suni Hạ Linh chào đời, tôi có mua chiếc đàn piano tặng con. Thời đó ở Hà Nội không nhiều người có chiếc đàn này. Thực ra khi ấy con còn nhỏ, tôi chỉ muốn con làm quen với môi trường nghệ thuật cho tâm hồn phong phú thêm chứ không nghĩ nhiều về nghề nghiệp tương lai của con.
Thời đó, vợ chồng tôi mời nhiều thầy cô giỏi đến dạy, nhưng con không chịu học. Học đánh đàn rất khó, tay con không lướt theo phím được.
5 tuổi, con đã tuyên bố: "Bố thích con học văn hóa giỏi hay nghệ thuật giỏi, bố chọn một thôi". Tất nhiên tôi nói con hãy tập trung học văn hóa, còn tôi đành phải bán cây đàn piano đi (cười).
Từ một cô bé không thích nghệ thuật, vì sao Suni Hạ Linh lại đổi ý, theo đuổi đam mê ca hát?
- Năm con học lớp 11, "gen nghệ thuật" của con tự nhiên trỗi dậy sau một cuộc thi hát tiếng Anh. Con tôi cũng liều lĩnh lắm. Ở cuộc thi đó, con quyết định hát một bài của Céline Dion, bố mẹ hỏi sao con chọn bài khó thế thì con nói "vì con thích". Và sau đó con đã giành chiến thắng, nhận được giải thưởng là một số tiền khá lớn thời đó.
Sau này, Suni đi học và ra làm ngân hàng. Được một thời gian, con tâm sự rằng mình không phù hợp với công việc này và quyết định theo đuổi âm nhạc một cách nghiêm túc. Nói thật, cả tôi và vợ đều không mong muốn con theo nghệ thuật. Đến bây giờ vẫn vậy. Nhưng chúng tôi vẫn luôn ủng hộ, ở phía sau hỗ trợ con.
Suni Hạ Linh không theo nghề múa như cha mẹ và chị gái có phải vì nghề này quá vất vả?
- Nghệ thuật nói chung đều rất khắc nghiệt. Riêng nghề múa có tính chất vất vả hơn nhiều ngành nghề nghệ thuật khác. Một ngôi sao ca nhạc có thể học 4 năm ở trường hoặc học thầy cô ở nhà, còn muốn thành ngôi sao ngành múa không thể nào tự học mà phải qua khổ luyện trong trường lớp.
Thời gian học từ trung cấp lên đại học của nghề múa kéo dài 16 năm, làm việc cũng không có giờ giấc điều độ, lúc nào xong việc mới được nghỉ ngơi. Tuổi "nghỉ hưu" của nghệ sĩ múa cũng thường ở mức 30-35 tuổi.
Vậy theo ông, theo nghề múa có phải là sự đánh đổi? Thu nhập của nghệ sĩ múa ngày nay có đủ sống với nghề?
- Theo tôi, tất cả đều là lựa chọn của mỗi người. Có người chọn sự an nhàn, ổn định. Có người chọn dấn thân vì đam mê. Còn về thu nhập, nếu nghệ sĩ chỉ sống dựa vào lương Nhà nước thì có lẽ không đủ sống, nhưng nếu diễn thêm trong các vũ đoàn ở ngoài thì thu nhập tương đối ổn.
NSND Ngô Đặng Cường góp ý như thế nào cho Suni Hạ Linh trong hành trình con gái theo nghề?
- Tôi và vợ cũng có góp ý cho con nhưng không phải lúc nào con cũng nghe. Suni tự lập từ nhỏ. Mọi việc con đều tự cân nhắc và quyết định, sau đó chia sẻ với bố mẹ. Tuy nhiên, một trong những điều tôi luôn khuyên con gái là hãy nghiên cứu âm nhạc, nghệ thuật truyền thống dân tộc và sáng tạo thêm trên nền tảng đó.
Vì sao lại là âm nhạc dân tộc, thưa ông?
- Việt Nam có 54 dân tộc trong khi Trung Quốc rộng lớn như thế cũng chỉ có 56 dân tộc.
Nếu dựa vào văn hóa dân tộc thì nghệ sĩ Việt Nam có thể "đứng trên vai người khổng lồ". Tôi lấy ví dụ, nếu làm những điều mới mẻ thì phải tự nghĩ ra, còn nét tinh hoa văn hóa của 54 dân tộc trên khắp Việt Nam đã được chắt lọc qua hàng ngàn năm, chỉ còn lại những điều tinh túy nhất.
Tôi nói thật, người trẻ hoàn toàn có thể sáng tạo nên nhiều thứ độc đáo, mang dấu ấn riêng dựa vào văn hóa dân tộc.
Trong sự nghiệp, nghệ sĩ tâm huyết với những điệu múa dân tộc như thế nào?
- Tôi từng là "vua" về múa hiện đại, ngày xưa được mời diễn khắp nơi. Thậm chí tôi cho rằng vũ đạo bài hát Nobodycủa Suni Hạ Linh diễn trong chương trìnhĐạp giócũng không hiện đại bằng một tiết mục của đoàn Việt Nam chúng tôi dựng năm 1988.
Vợ chồng tôi đều từng du học ở Liên Xô, múa hiện đại là những thứ chúng tôi học được từ nước ngoài. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng cứ bám vào hiện đại mãi như vậy giống như "mình kéo tóc của mình mãi thì đến lúc tóc cũng rụng".
Một ngày, tôi quyết định tìm hiểu, đào sâu về múa dân tộc. Tôi tìm về gốc rễ của văn hóa, chứ không chỉ tìm ngọn. Tôi học múa dân tộc từ bé nhưng khi nhỏ chỉ biết phần "xác", còn phần "hồn" phải đi tìm tòi, miệt mài tìm hiểu ở những vùng sâu vùng xa.
Tôi nhớ người dân Tày lúc đó bảo tôi là mới chỉ dựng điệu múa dân tộc Tày phong cách biên đạo múa Hà Nội. Phải dành thời gian sinh hoạt, hiểu tận cùng văn hóa của họ và lúc đó họ mới dành cho tôi lời khen "đã uống sữa bà mẹ Tày".
Nhiều người lo lắng múa dân tộc bị nhiều loại hình hiện đại khác lấn lướt, ông nghĩ sao?
- Tôi nghĩ rằng không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới đều khuyến khích lưu giữ các loại hình nghệ thuật dân tộc. Nghệ thuật là văn hóa, mất văn hóa là mất bản sắc dân tộc.
"Tôi chỉ muốn con làm người bình thường"
NSND Ngô Đặng Cường có vị trí, có mối quan hệ rộng trong nghề. Có bao giờ ông đứng phía sau âm thầm giúp đỡ con?
- Con tôi tự lập sớm, không ỷ lại vào bố mẹ. Chỉ có lúc nào con vấp ngã, cần tôi hỗ trợ thì tôi mới đứng ra giúp con.
Nghệ sĩ nghĩ sao về hành trình thi của Suni Hạ Linh tại "Đạp gió"?
- Tôi nghĩ chặng đường học hành, thi cử của con khá may mắn, lúc nào gương mặt của con cũng như vừa "trúng xổ số". Hồi con còn đi học cũng khá lười nhưng hôm trước ôn bài thì hôm sau thi lại "trúng tủ".
Nhưng đợt vừa rồi con thi Đạp gió, tôi nghĩ con đã được rèn luyện rất nhiều. Tôi nhắn tin cho con không bao giờ tôi nói con cố gắng hơn nữa đi. Tôi nói theo bố con vào được chung kết Đạp giólà rất giỏi rồi, còn bây giờ con phải giữ sức khỏe. Thứ hạng bao nhiêu không là vấn đề.
NSND Ngô Đặng Cường mong chờ gì ở tương lai của con gái?
- Nếu ngay ngày mai con bỏ nghề, tôi hoan hô ngay (cười). Thậm chí nếu con chịu bỏ nghề hát, tôi sẵn sàng bán hết tài sản giao cho con kiếm việc khác mà làm.
Tôi và vợ già rồi, chỉ muốn con làm người bình thường thay vì làm người nổi tiếng. Ngày xưa tôi đoạt nhiều huân chương, bằng khen, giải thưởng quốc gia. Những thứ người ta không có được, thì tôi có.
Nhưng đổi lại, làm nghệ thuật, tôi không có thời gian chăm sóc cho gia đình. Mọi chương trình, lễ hội, tôi đều tham gia nên phải đi suốt, còn vợ con có được hưởng gì đâu? Tôi chỉ lo được về mặt kinh tế gia đình thôi. Người ta thường nói "xay lúa" thì không "ẵm em" được.
Trước đây, con gái từng nghe theo gia đình đi làm nhân viên ngân hàng nhưng cảm thấy không phù hợp. Có những lúc tôi đi cấp cứu một mình, không có con ở nhà. Nếu con vẫn làm một nhân viên ngân hàng thì lúc 1h sáng tôi sẽ có con ở bên cạnh mình.
Nói thế thôi chứ tôi biết Suni Hạ Linh sẽ không bỏ nghề đâu! Sau chung kết Đạp gió, tôi khuyên con nếu con yêu nghề thì hãy cứ cố gắng. Tôi nhắn tin cho con rằng làm nghệ thuật mà làm đẹp, làm hay thì chưa đủ, mà phải làm được những gì độc đáo, những điều người ta không làm được thì mới có ý nghĩa. Đừng ngại thử sức, thay đổi được mình mới là cái khó.
Hiện tại khi đã về hưu, cuộc sống của ông và vợ như thế nào?
- Cuộc sống chúng tôi ổn định, nhàn hạ. Không có biệt thự nhưng cũng có căn nhà để dưỡng già. Lúc rảnh rỗi tôi thích tập thể dục, xem thể thao, nghe nhạc, chơi piano để thư giãn, theo dõi những cuộc tranh luận nghệ thuật trên mạng xã hội...
Vừa rồi tôi đi khám sức khỏe, bác sĩ nói tôi rối loạn nhịp tim nên không cho tập thể dục nữa. Sáng sớm dậy tôi dành 1 tiếng dắt chó đi dạo. Nhưng đến một lúc nào đó tôi cũng phải tập nhẹ nhàng lại vì nghệ sĩ múa mà chân tay không hoạt động thì... khó chịu lắm.
Vợ chồng ông có hối thúc Suni Hạ Linh "yên bề gia thất"?
- Hồi năm con hai mươi mấy tuổi, chúng tôi cũng có hỏi khi nào con muốn lấy chồng, còn bây giờ thì không hỏi nữa (cười). Con có nói rằng bây giờ chưa phải lúc lấy chồng nên tôi cũng tin con tự có kế hoạch cho mình khi nói vậy.
Cảm ơn nghệ sĩ vì những chia sẻ!
Suni Hạ Linh tên thật là Ngô Đặng Thu Giang, sinh năm 1990, xuất thân trong gia đình có truyền thống nghệ thuật. Bố của Suni Hạ Linh là NSND Ngô Đặng Cường - nguyên hiệu trưởng Trường Múa TPHCM. Mẹ và chị gái ca sĩ trước đây cũng đều là nghệ sĩ múa.
Cô có nhiều bài hit với lượt xem cao trên YouTube như Cứ chill thôi (106 triệu view), Không sao mà em đây rồi (84 triệu view), Cảm nắng (15 triệu view), Sự mập mờ(3,2 triệu view)…