"Căn bệnh chạy theo thành tích và kèm theo nó là bệnh hình thức đã vắt kiệt sinh lực các thầy cô giáo,ệnhthànhtíchđangvắtkiệtsinhlựccảthầylẫntròđội hình al-nassr gặp al-hazm khiến nhiều người bất lực vì khó lòng làm khác được".
Đó là một trong những nhận định của PGS Trần Hữu Quang và nhóm nghiên cứu sau khi thực hiện đề tài "Từ phụ huynh đến nhà giáo: Những vấn đề kinh tế - xã hội trong nền giáo dục phổ thông" vào cuối năm 2007 và vừa được xuất bản vào tháng 11-2018 bởi Nxb Văn hóa Văn nghệ và Viện Social Life.
PGS Trần Hữu Quang |
Trao đổi với VietNamNet, PGS Trần Hữu Quang cho biết: Qua nội dung các cuộc phỏng vấn nhóm đối với giáo viên tại 5 tỉnh thành phía Nam được khảo sát vào cuối năm 2007, các áp lực công việc cũng như áp lực tâm lý xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: Chương trình, SGK "nặng", không thích hợp với từng lứa tuổi học sinh; thi cử áp đặt; áp lực hoàn thành chỉ tiêu phổ cập giáo dục ở địa phương, áp lực của các phong trào thi đua, áp lực của các đợt thanh tra, kiểm tra và dự giờ…
Tựu trung, đấy đều là những áp lực từ “bên trên” (Ban giám hiệu, Phòng, Sở và Bộ Giáo dục) áp đặt xuống người gánh chịu cuối cùng là giáo viên.
Hệ quả là ràng buộc và trói tay người giáo viên, không cho phép và không tạo điều kiện cho giáo viên phát huy tính chủ động của mình trong lớp học, ảnh hưởng nặng nề tới mối quan hệ sư phạm giữa nhà giáo và học trò…
Từ kết quả thu thập được, nhóm nghiên cứu kiến nghị “bãi bỏ các chỉ tiêu thi đua và khôi phục quyền tự chủ sư phạm cho nhà giáo”.
Hiện tượng "xuất huyết nội"
Phóng viên: Tại sao lại phải bỏ các chỉ tiêu thi đua, thưa ông?
PGS Trần Hữu Quang: Xu hướng chạy theo thành tích thực sự đã trở thành một hiện tượng đang làm tê liệt cả người thầy lẫn người trò.
Lâu nay, người giáo viên luôn phải làm việc dưới một sức ép tâm lý nặng nề làm làm sao đạt cho bằng được nhiều thứ “chỉ tiêu” mà các cấp quản lý giáo dục ấn xuống… để đem lại thành tích cao cho trường, nếu không sẽ bị trừ điểm thi đua.
Áp lực này dẫn tới hệ quả là người thầy chỉ còn có cách lo nhồi nhét kiến thức, còn học sinh thì buộc phải học vẹt, dạy cũng khổ mà học cũng khổ.
Một giáo viên trong mẫu điều tra ở Vĩnh Long cuối năm 2007 đề đạt nguyện vọng như sau: “Nếu có thể được, tôi mong ngành giáo dục mạnh dạn bỏ các cuộc thi giáo viên giỏi cấp huyện, tỉnh”. Một giáo viên khác nói “Các cấp quản lý giáo dục nên thiết thực hơn, tránh hô hào, phát động hết phong trào này, phong trào nọ để chúng tôi lại “chạy” theo thành tích”.
Căn bệnh chạy theo thành tích và kèm theo nó là bệnh hình thức đã vắt kiệt sinh lực các thầy cô giáo, đến mức người có tâm huyết với nghề giáo đến đâu cũng đành bó tay vì khó lòng làm khác được.
Do bị bão hòa cả về thời gian lẫn khối lượng công việc, khả năng sư phạm và năng lực sáng tạo của người giáo viên không còn chỗ để thi thố.
Và đáng lo ngại hơn là trong không ít trường hợp, lương tâm và đạo đức nghề nghiệp dần dà bị bào mòn khi, chẳng hạn, buộc phải cho điểm 5 khi bài làm của học sinh chỉ đáng điểm 2, hoặc ép học sinh phải học thêm một cách quá đáng để mong đạt được thành tích thi đua.
Khả năng phát triển tư duy và tính trung thực của cả thầy lẫn trò đang bị thử thách nghiêm trọng.
Có thể nói những hiện tượng trên chính là những dấu hiệu bộc lộ tình trạng chảy máu chất xám trong giới nhà giáo, không phải cháy máu ra bên ngoài (như bỏ nghề chẳng hạn), mà là một thứ xuất huyết nội đáng ngại ngay ở bên trong lớp học và nhà trường.
Cùng đó, áp lực nặng nề không phải chỉ xảy ra đối với giáo viên mà kể cả với học sinh...
Lớp 6.2, Trường THCD Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình - nơi xảy ra vụ việc "231 cái tát" |
Nhưng bỏ tiêu chí thi đua có phải là chuyển từ trạng thái cực đoan này sang trạng thái cực đoan khác? Liệu có trường học ở đâu không bị áp lực thành tích? Và nếu không hướng đến thành tích, các trường phổ thông và đại học tinh hoa trên thế giới liệu có còn được ngưỡng mộ?
PGS Trần Hữu Quang: Một câu hỏi có thể được đặt ra ở đây: Có đúng thi đua là “động lực” trong giáo dục như nhiều nhà lãnh đạo giáo dục thường khẳng định?
Có thể định nghĩa vắn tắt “động lực” là cái lực thúc đẩy người ta đi đến một hành động hay một ứng xử nào đó. Người ta thường phân biệt hai loại động lực – ngoại lai và nội tại.
Động lực ngoại lai (hay “ngoại trị”) là loại động lực đến từ bên ngoài: Đó là khi người ta làm một việc gì đó nhằm đạt được một điều nằm bên ngoài nội dung công việc này, chẳng hạn như để được phần thưởng, để khỏi bị chê trách, hay để được người khác khen ngợi.
Đối với học sinh, đó là học để đạt điểm cao, đạt danh hiệu học sinh giỏi, để được thầy cô và cha mẹ khen, hoặc để bị khỏi la mắng…
Đối với giáo viên, đó là dạy sao cho đạt “chỉ tiêu” số học sinh lên lớp, để được tuyên dương, hoặc chỉ để tránh bị phê bình…
Còn với những động lực nội tại (hay “tự trị”), người ta làm một việc gì đó vì quan tâm đến chính công việc này (do động cơ đạo đức, do lương tâm chức nghiệp…), hay vì sự hứng thú mà người ta tìm thấy ngay trong bản thân công việc, chứ không trông chờ một phần thưởng nào đó từ bên ngoài công việc, và cũng không quan tâm đến lời chê trách của người khác, nếu có.
Đối với học sinh, đó chẳng hạn là việc học môn Văn hay môn Toán vì thấy yêu thích những môn này.
Đối với giáo viên, đó là dạy học vì sự thôi thúc của lương tâm giáo chức hay nghĩa vụ sư phạm của mình, hoặc vì sự say mê với môn mà mình dạy, hoặc vì một thứ tình cảm tự nhiên đối với những mái đầu xanh.
Nếu hiểu động lực theo ý nghĩa như trên, tức là chú trọng tới chiều kích “tự quyết” hay “tự trị” của những động lực nội tại (chứ không phải những động lực “ngoại trị”), thì chủ trương coi thi đua là động lực trong giáo dục, theo thiển ý của chúng tôi, là một quan điểm sai lầm.
“Thi đua” thực chất chỉ là một trong những biện pháp hay đòn bẩy nhằm mục tiêu góp phần động viên tinh thần trong lao động, học tập… Do đó, không thể coi nó như yếu tố duy nhất hay quyết định đối với động lực lao động và học tập của con người. Đây càng không phải là yếu tố có thể làm khôi phục hay giúp nâng cao chất lượng giáo dục vốn đang xuống cấp nghiêm trọng.
Coi thi đua là động lực để giáo viên và học sinh hoàn thành tốt nghiệm vụ thì cũng không khác gì đặt lộn đầu ý nghĩa của động lực, đó là quan niệm chỉ coi trọng những động lực bên ngoài (chỉ tiêu, thành tích, khen thưởng…) hơn là các động lực thực chất bên trong, tức là các động lực tinh thần và đạo đức.
Mặt khác, biến những biện pháp thi đua thành những điều áp đặt, vô hình trung ngay từ đầu đã là mầm mống triệt tiêu những hứng thú có thể có nơi giáo viên và học sinh.
Chính vì đảo lộn thang bậc giá trị như vậy nên mới ngày càng sinh sôi nảy nở các tệ học vẹt, dạy chay, chạy theo thành tích và báo cáo thành tích ảo, mua bằng bán điểm, chạy trường…
Theo lời một nhà giáo, chính vì “thi nhau chạy theo các chỉ tiêu duy ý chí” do cấp trên ấn định, mà điều này lại “phù hợp với ý muốn và lợi ích của lãnh đạo trường và các cấp trên trong ngành, có khi của cả chính quyền và cấp ủy địa phương”, cho nên “vô tình sự gian dối được cả trên và dưới đồng tình chấp nhận”.
Ông có cho rằng vấn đề chính không phải do áp lực thành tích, mà là cách thức đặt ra mục tiêu và hiện thực hóa thành tích? Doanh nghiệp giờ còn ứng dụng chỉ số KPI, các đơn vị sự nghiệp công, phục vụ dân cũng có những chỉ số đánh giá công việc. Vậy cách cần làm ở đây là gì?
PGS Trần Hữu Quang: Suy cho cùng, quan điểm coi thi đua là động lực thực chất phản ánh thái độ “tầm thường hóa” hoạt động giáo dục, và không thực sự tôn trọng nhân cách của nhà giáo cũng như học sinh.
Ở Liên Xô, vốn là nơi xuất xứ của chuyện thi đua, người ta đã bãi bỏ thi đua trong giáo dục từ thập niên 1930.
Các nhà quản lý hay đổ lỗi cho giáo viên, nhưng suy cho cùng giáo viên thực ra cũng chỉ là “nạn nhân” của bộ máy. Trên bảo sao thì các thầy cô phải làm như vậy, không thể làm khác hơn được.
Ngoài việc dạy trong lớp học, giáo viên còn phải làm vô số công việc khác trong nhà trường như làm đủ loại sổ sách, họp hành và rất nhiều thứ việc không thuộc chức trách của mình (như thu tiền ủng hộ nhà trường, tiền học thêm, tiền bảo hiểm…), trong khi có những phần việc thuộc về trách nhiệm của mình như ra đề thi học kỳ thì lại không được làm.
Người thầy vừa bị trói tay, vừa chịu quá nhiều áp lực do những quy định quá chi li từ các cấp quản lý Nhà nước về giáo dục.
Vì vậy, chúng tôi kiến nghị Nhà nước cần sớm bãi bỏ các chỉ tiêu thi đua buộc giáo viên phải hoàn thành, cũng như bãi bỏ nhiều phong trào vô bổ, hình thức và cải tổ để trao trả quyền tự chủ sư phạm cho nhà giáo và nhà trường.
(còn tiếp)
Ngân Anh Thực hiện
Thực tế giáo dục của nước ta cho thấy tính sáng tạo trong dạy học chưa được khuyến khích, thậm chí còn bị cản trở do những quan niệm và cách hành xử không phù hợp với bản chất của hoạt động dạy học.