Bài 2: Chung tay xây dựng quê hương giàu đẹp
Được trui rèn qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp,ànhTuyênhuấnThủDầuMộnha cai 5 Mỹ, đội ngũ những người làm công tác Tuyên giáo đã trưởng thành vượt bậc. Sau khi đất nước thống nhất, bước vào giai đoạn kiến thiết và xây dựng quê hương, những người làm công tác tuyên giáo Thủ Dầu Một - Bình Dương tiếp tục thể hiện vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng, đoàn kết, nhất trí, ra sức phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng phát triển giàu đẹp, văn minh.
Phát huy tính tiên phong
Từ sau năm 1975 đến nay, trước yêu cầu mới khi cả nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hoạt động tuyên giáo của tỉnh đã có sự thay đổi mạnh mẽ về nội dung và phương thức hoạt động. Trong điều kiện cả nước phát triển kinh tế - xã hội, có lúc phải đương đầu với các cuộc chiến tranh biên giới và chiến tranh phá hoại toàn diện cũng như diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch, công tác tuyên giáo trong thời kỳ này đã thể hiện rõ vai trò đi trước, mở đường trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, nhiệm vụ chính trị nặng nề nhất là phải bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, làm cho hệ thống tư tưởng Đảng, của giai cấp công nhân, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, những giá trị tốt đẹp trong truyền thống văn hóa dân tộc, những tinh hoa văn hóa thế giới chiếm vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội.
Để thực hiện nhiệm vụ nặng nề đó, trong thời kỳ này, công tác tuyên giáo được xác định là nhiệm vụ của toàn Đảng, của tất cả đảng viên, trước hết là cấp ủy các cấp, của cả hệ thống chính trị với sự tham gia, đóng góp của nhân dân, trong đó lực lượng nòng cốt là đội ngũ chuyên trách làm công tác tuyên giáo. Lợi ích chính đáng của người dân và công chúng trở thành ưu tiên hàng đầu của xã hội. Mặt khác, trong thời kỳ này, việc bùng nổ thông tin vừa là cơ hội, vừa là thách thức của công tác tuyên giáo. Tất cả đòi hỏi một đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác tuyên giáo tinh nhuệ hơn, phương thức công tác khoa học hiện đại và phù hợp hơn.
Tại Thủ Dầu Một - Bình Dương, ngành tuyên giáo đã đi trước một bước trong nhiệm vụ tuyên truyền, động viên cán bộ, đảng viên và quần chúng ổn định và xây dựng cuộc sống mới, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ biên giới trong cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam, động viên hàng ngàn con em nhân dân lên đường bảo vệ Tổ quốc, đánh bại kẻ thù hùng mạnh trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc và cuộc chiến tranh phá hoại toàn diện và lâu dài của các thế lực thù địch. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng một lần nữa lại được khơi dậy và phát huy. Nhiều anh hùng lao động và anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của địa phương đã xuất hiện như là kết quả tất yếu của hoạt động tuyên truyền cách mạng. Không khí lạc quan, hào hùng luôn sống động trong lớp lớp thanh niên xung phong, bộ đội, dân quân và nhân dân trên toàn tuyến biên giới nhiều chông gai, lửa đạn. Nhân dân các địa phương hăng hái thực hiện các chủ trương đường lối phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước, xây dựng hậu phương vững mạnh cho vùng biên giới. Công lao to lớn của ngành tuyên giáo là đã giúp cho Đảng tạo được một tiềm lực về tinh thần, tư tưởng vững mạnh trong nội bộ Đảng và nhân dân. Chính nhân tố quan trọng này là ngọn nguồn sức mạnh để sau đó Đảng phát động và lãnh đạo thành công công cuộc đổi mới.
Tất cả những thành tựu của công cuộc đổi mới đã dẫn đến các bước phát triển mạnh mẽ cả về kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh, cả về đời sống vật chất và tinh thần, dẫn đến một bước ngoặt mới, thúc đẩy sự phát triển đi lên của địa phương. Đó là sự kiện tái lập tỉnh Bình Dương vào cuối năm 1996, đầu năm 1997. Từ đây, ngành tuyên giáo Bình Dương bước vào một giai đoạn lịch sử mới. Trong không gian và điều kiện cụ thể, ngành tuyên giáo đã một lần nữa dấn bước đi đầu trong công tác tuyên truyền. Nội dung hoạt động quan trọng nhất là vận động toàn Đảng bộ và quần chúng nhân dân phát huy tính năng động sáng tạo, tận dụng các cơ hội, luôn khơi dậy, tập hợp và phát huy các nguồn lực phát triển để đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà. Mục tiêu chung là nhanh chóng đưa công nghiệp, dịch vụ và đô thị ngày càng chiếm tỷ trọng tuyệt đối trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; quyết tâm đưa Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2020. Bên cạnh đó, các nội dung công tác khác thuộc phạm trù tư tưởng, lý luận và đường lối cũng được ngành tập trung thực hiện nhằm chống đa nguyên, đa đảng, bảo vệ đoàn kết, kỷ cương, dân chủ trong nội bộ Đảng, từng bước xây dựng nếp sống văn hóa tinh thần chung của toàn xã hội dựa trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa Mác - Lênin.
Hướng đến những mục tiêu cao hơn
Hiện tại, Bình Dương đã nhanh chóng trở thành một địa phương năng động và phát triển sinh động về công nghiệp, đô thị. Các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa từng bước chuyển thành các xã nông thôn mới. Cuộc sống văn minh, no ấm, dân chủ, lạc quan ngày càng lan tỏa đến khắp mọi nhà, mọi người. Những thành tựu sinh động và hiện thực, cả về vật chất và tinh thần kể trên có phần đóng góp không nhỏ của ngành tuyên giáo tỉnh. Với những đóng góp to lớn đó, ngành tuyên giáo tỉnh nhà đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng nhất và Huân chương Độc lập hạng ba, cùng nhiều bằng khen, cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh.
Phát huy truyền thống quý báu của ngành tuyên huấn Thủ Dầu Một, hiện nay, những cán bộ làm công tác tuyên giáo Bình Dương tiếp tục không ngừng phấn đấu, rèn luyện, vững vàng về bản lĩnh chính trị, lập trường quan điểm, có phẩm chất đạo đức tốt, trình độ năng lực chuyên môn giỏi cùng với kinh nghiệm dồi dào; nắm vững quan điểm, đường lối, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, bám sát thực tiễn cuộc sống, giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng để nhân dân tin cậy, yêu mến. Qua đó, làm tốt công tác tuyên giáo, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian tới là tiếp tục tạo sự đồng thuận, thống nhất về tư tưởng, ý chí, hành động trong toàn Đảng, toàn dân, quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội đã đề ra. Đây chính là chìa khóa vàng cho sự phát triển bền vững của tỉnh trong tương lai.
Lịch sử ngành tuyên giáo Bình Dương vẫn đang được viết tiếp, hứa hẹn nhiều nỗ lực năng động, sáng tạo mới và nhiều thành tựu mới. Trong lịch sử hoạt động, mọi thành tựu của ngành đều có sự ủng hộ, hưởng ứng của nhân dân và sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng địa phương. Đó là đặc điểm có tính quyết định của ngành. Do vậy, trong tương lai, việc tăng cường và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và tiếp tục có nhiều phương thức để gắn bó chặt chẽ với nhân dân là những nội dung lớn trong phương hướng hoạt động của ngành tuyên giáo. Cùng với những ngành công tác khác, ngành tuyên giáo tỉnh Bình Dương đang tiếp tục góp phần quan trọng vào việc xây dựng một thành phố Bình Dương giàu đẹp, văn minh trong tương lai.
Khi đất nước bước vào cuộc vận động vĩ đại do Đảng lãnh đạo, tiến hành đổi mới toàn diện vào năm 1986, ngành tuyên giáo tỉnh đã cùng với cả nước phát huy vai trò xung kích trong việc tổ chức, giáo dục, bồi dưỡng tuyên truyền cho cán bộ đảng viên và nhân dân tiến hành nhận thức lại và nhận thức mới các vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước và chủ nghĩa xã hội. Công sức của quá trình này đã nhanh chóng ra hoa kết trái với nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế, nhất là sự hình thành hàng loạt các doanh nghiệp của nhiều thành phần kinh tế và sự xuất hiện của hàng trăm trang trại, nhanh chóng phủ xanh đất trống, đồi trọc từ đó tỉnh có nguồn lương thực dồi dào. Với sự góp sức của ngành tuyên giáo, quê hương Thủ Dầu Một, Sông Bé, Bình Dương thay da đổi thịt từng ngày. Đời sống văn hóa tinh thần của người dân ngày càng nâng cao, tin tưởng vào Đảng, vào cách mạng, vào tiền đồ của đất nước.