Một buổi tối đầu tháng 11,égáiđượcminhoankhibểcábấtngờnứtvỡnướcđổậplênngườkèo chinh đang nấu cơm trong bếp, chị Lê Quỳnh (ở TPHCM) thấy nước tràn ra từ bể cá trong phòng khách. Bể cá tựa sát tường, được đặt trên bệ sắt, ngay dưới ti vi.
Bé Phương Linh (4 tuổi, con gái chị Quỳnh) ngồi chơi gần bể cá, bị nước đổ hắt lên người, vội hốt hoảng nhảy lên sofa gần đó. Người mẹ hét lớn, phản ứng nhanh gọi chồng ngắt điện, tránh nước tràn vào các thiết bị hay nguồn điện trong nhà.
"Ban đầu tôi tưởng con gõ mạnh vào thành bể khiến bể cá vỡ, vì trước đấy có nghe tiếng động lớn, lúc sau xem lại camera thì không phải", chị Quỳnh thông tin thêm, trong nhà có nhiều bể cá, không nhớ rõ kích thước từng bể.
Camera trong nhà ghi lại khoảnh khắc bé Linh ngồi chơi trên chiếc ghế nhựa giữa phòng khách. Tiếng động phát ra khi bé gái tinh nghịch khiến chiếc ghế đổ xuống sàn nhà. Cùng lúc đó, bể cá bất ngờ gặp sự cố hy hữu.
Sau khi kiểm tra, vợ chồng chị Quỳnh phát hiện bể cá bị nứt khiến nước trút ra ngoài. Bể không bị vỡ, không văng các mảnh thủy tinh hay kính. Vì vậy, bé gái may mắn không bị thương, không hoảng loạn tinh thần. Người mẹ sau khi kiểm tra, không thấy vết thương trên cơ thể con đã dỗ dành, thay quần áo cho bé.
"Chúng tôi chưa thể xác định nguyên nhân chính xác khiến bể bị vỡ, có thể nhiều lần bị tác động do nhà có hai em bé thường gõ vào thành bể", người phụ nữ phỏng đoán.
Chị cũng bày tỏ bất ngờ khi đoạn video của gia đình được cộng đồng mạng quan tâm, thu hút hơn gần 3 triệu lượt xem, hàng chục nghìn lượt tương tác và bình luận. Nhiều người hài hước cho rằng "camera đã minh oan cho bé gái".
"May mắn bé không sao, chỉ sợ bể vỡ khiến kính văng trúng người, nguy hiểm cho em bé. Nếu được hãy chọn loại bể cường lực, kính dày 10mm cho an toàn. Đặc biệt là nhà có con nhỏ thì các gia đình càng nên chú ý hơn để tránh tai nạn đáng tiếc", độc giả Nguyễn Cúc bình luận.
"Làm bể cá nên làm kính cường lực chứ kính thường, áp lực nước lên mặt kính có thể gây nổ vỡ, nguy hiểm, nhất là nhà có trẻ nhỏ", người dùng Đỗ Trâm viết.
Sau sự cố, vợ chồng chị Quỳnh rút kinh nghiệm, thay bể cá mới bằng vật liệu cứng gấp đôi so với bể trước, đặt ở vị trí an toàn. Người lớn thay phiên trông trẻ, dặn hai con không lại gần bể cá.
Chị nói đây là bài học cho gia đình, khuyên những người nuôi cá nên chọn vật liệu tốt, sắp xếp bể tránh xa tầm tay trẻ nhỏ.
Thực tế, tai nạn thương tích với trẻ em ngay trong nhà có thể đến từ rất nhiều nguồn. Ý thức và kiến thức phòng ngừa, kiểm soát rủi ro của người lớn rất quan trọng, cần thiết để hạn chế nguy cơ tai nạn, thương tích cho trẻ.