Tuy nhiên,Đạihọcnênsiếtđầty le keo ma lay sự thay đổi liên tục về thủ tục tuyển sinh thời gian qua gây cảm tưởng nhiều trường đại học bối rối như đang tuyển sinh năm đầu. Trong khi đó các trường, dù mong muốn, lại không có khả năng giữ một chính sách tuyển sinh ổn định.
Các đại học thuộc những nền giáo dục khác nhau có phong cách tuyển sinh riêng. Trong khi các trường ở châu Âu thường dùng điểm trung bình phổ thông và điểm thi tuyển sinh vào đại học để xét tuyển, thì các đại học Mỹ áp dụng đồng thời nhiều tiêu chí sàng lọc như điểm trung bình học bạ (GPA), điểm kỳ thi chuẩn hóa (ACT, SAT), điểm kỳ thi nâng cao (AP), bài luận cá nhân, thư giới thiệu, hồ sơ hoạt động ngoại khóa, phỏng vấn...
Đại học ở Việt Nam hiện áp dụng một số phương thức xét tuyển như điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thi đánh giá năng lực, điểm các kỳ thi quốc tế, học bạ, xét tuyển thẳng... Điều này làm dấy lên quan ngại về việc liệu một phương thức này có mức độ sàng lọc tương đương một phương thức khác không, và có công bằng giữa các thí sinh?
Khi tuyển sinh, các trường thường có những mục tiêu cụ thể. Thứ nhất là thu hút được càng nhiều thí sinh nộp đơn càng tốt vì nguồn vào rộng hơn sẽ làm tăng cơ hội có nhiều ứng viên chất lượng. Thứ hai là thu hút được những thí sinh giỏi nhất vì sinh viên giỏi làm tăng thành tích cho trường. Thứ ba là tuyển đủ chỉ tiêu để trường đạt hiệu quả vận hành tối đa.
Còn thí sinh sẽ có xu hướng cân bằng giữa các trường tốt nhất có thể vào được với mức học phí trong khả năng chi trả. Điểm "chạm" giữa những gì trường học và người học có khả năng cung cấp cũng như có nhu cầu chính là lựa chọn cuối cùng của người học. Cơ chế này vận hành như một lần "khớp lệnh" giữa hai bên mà cần rất ít sự can thiệp từ bên ngoài. Theo đúng quy luật cung cầu, sẽ có một "bàn tay vô hình" giúp "nồi nào úp vung nấy" trong các kỳ tuyển sinh: tức là các trường chất lượng tốt, học phí mềm sẽ thu hút các thí sinh ưu tú nhất, và ngược lại. Đây cũng là quy luật buộc các đại học phải liên tục nâng cao chất lượng mới mong thu hút sinh viên giỏi. Do vậy, trường sẽ phải tìm ra phương thức tuyển sinh phù hợp với mình nhất.
Sự thực thì lâu nay các đại học ở Việt Nam vẫn tập trung rất nhiều nỗ lực vào việc chắt lọc đầu vào, thay vì đầu ra. Tương tự, cơ quan quản lý cũng tập trung quản lý đầu vào, đặt ra nhiều giới hạn trong tuyển sinh nên đã tạo ra nhiều rào cản không cần thiết đối với quyền tự chủ của các trường. Những quy định như "hạn ngạch" tuyển sinh sớm, "hạn ngạch" với mỗi phương thức làm cho trường học mất đi tính linh hoạt và chủ động.
Điểm giống nhau của các nền giáo dục tiên tiến là việc tin tưởng rằng tuyển sinh là công việc của nhà trường, còn cơ quan quản lý giáo dục đại học sẽ chỉ cần đặt ra các tiêu chuẩn về kiểm định chất lượng, đặc biệt là kiểm soát đầu ra.
Hệ thống đại học công lập bang Florida (Mỹ) có 12 trường. Để quản lý các trường, chính quyền bang Florida thiết lập một hệ thống tiêu chuẩn như: tỷ lệ sinh viên học tiếp sau năm nhất, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau một năm tốt nghiệp, mức lương trung bình sau một năm tốt nghiệp, chi phí trung bình cho một sinh viên, tỉ lệ tốt nghiệp của sinh viên lần đầu học đại học trong gia đình (first time in college), tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đúng hạn... Các chỉ số đo lường này tập trung nhiều vào kết quả đầu ra so với chi phí mà người học phải trang trải. Cách tiếp cận này cũng cho thấy bước chuyển biến mới trong đánh giá trường đại học: một đại học tốt không phản ánh qua "đầu vào" kén chọn, mà ở việc giúp sinh viên đạt kết quả cao nhất từ khởi đầu có thể khiêm tốn. Xu hướng đánh giá này cũng bắt đầu được phản ánh trong bước chuyển của các bảng xếp hạng.
Trở lại với tuyển sinh đầu vào. Mục đích quan trọng của tuyển sinh là khả năng so sánh các thí sinh để tiến hành lựa chọn.
Một số nền giáo dục dùng kỳ thi chuẩn hóa để so sánh thí sinh trên cùng một bài thi hoặc loại bài thi.
Môt số nền giáo dục dùng điểm trung bình học bạ. Nhưng điểm học bạ có độ lệch rất lớn giữa các trường. Để khắc phục, một cách giải quyết là quy ra điểm percentile xem thí sinh đứng trên bao nhiêu người và dưới bao nhiêu người trong cộng đồng của mình. Cộng đồng ở đây có thể là một trường (như ở Mỹ), một quận (ở Canada), hay một bang (ở Australia). Ví dụ, học sinh top 1% (percentile: 99) của bang Victoria ở Australia có thể so sánh với học sinh top 1% của bang New South Wales chẳng hạn.
Nếu dùng điểm học bạ mà không xét đến các yếu tố bối cảnh, việc đánh giá có thể sai lệch. Ví dụ, năm 2019, một trường (giáo dục thường xuyên) ở Quảng Ngãi từng không có học sinh nào đậu tốt nghiệp. Nếu chỉ nhìn vào học bạ, trường vẫn có học sinh giỏi, khá, trung bình. Vậy điểm học bạ có đáng tin cậy?
Một số nền giáo dục lại dùng các yếu có sự cảm tính như bài luận, thư giới thiệu, phỏng vấn, hồ sơ ngoại khóa... Nghe qua thì những cách này có phần may rủi, nhưng thực tế lại là cách thức tốt để xác nhận một thí sinh có phù hợp với trường hay không, bên cạnh những yếu tố "cứng" như điểm số. Khi các trường có quyền tự chủ và thực hiện ổn định, họ sẽ có kinh nghiệm chọn ra thí sinh phù hợp.
Có nhiều ví dụ cho thấy khi quản lý kết quả đầu ra, trường học sẽ bị ràng buộc vào trách nhiệm đào tạo và tuyển sinh, chứ không chỉ tuyển sinh. Để có đầu ra tốt, các trường đều phải tự mình chăm lo ngay từ khâu "lựa hạt giống". Nếu họ không làm được điều này, chất lượng đầu ra sẽ có vấn đề, và rất nhanh chóng họ sẽ nhận lại phản hồi tiêu cực của thị trường lao động. Hậu quả tiếp theo là sẽ ít sinh viên ghi danh vào trường.
Minh bạch thông tin về kết quả đầu ra là cách thức kiểm soát chất lượng giáo dục đại học hiệu quả, bên cạnh việc kiểm định chất lượng. Tuyển sinh đầu vào không cần quá nhiều sự chi phối, và quyền tự chủ đó nên được trả lại cho chính các trường.
Bùi Khánh Nguyên