Giá vàng lùi về sát 2.500 USD
Kết phiên tuần giao dịch vừa rồi (26/8-31/8), các doanh nghiệp lớn niêm yết giá vàng miếng SJC tại 79-81 triệu đồng/lượng (mua - bán), không thay đổi sau 12 phiên. Chênh lệch giữa 2 chiều mua - bán là 2 triệu đồng/lượng.
Vàng nhẫn loại 1-5 chỉ được giao dịch tại 77,4-78,65 triệu đồng/lượng (mua - bán). Riêng loại 0,3-0,5 chỉ được bán ra với giá 78,75 triệu đồng/lượng, vẫn ở mức kỷ lục của mặt hàng này từ trước tới nay. Với mức điều chỉnh liên tiếp qua nhiều phiên, mỗi lượng vàng nhẫn trơn tăng hơn 1,3 triệu đồng trong tháng 8.
Tại Bảo Tín Mạnh Hải, giá vàng miếng chốt tuần vừa rồi được niêm yết tại 79-81 triệu đồng/lượng (mua - bán), còn vàng nhẫn tại đây được niêm yết tại 77,46-78,66 triệu đồng/lượng (mua - bán).
Thị trường vàng trong nước sẽ giữ nguyên vùng giá hiện tại cho đến khi hết kỳ nghỉ lễ. Ngày 4/9, giá vàng sẽ tiếp tục được doanh nghiệp điều chỉnh.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng hôm nay đạt 2.503 USD/ounce. Tuần trước, giá vàng có thời điểm rơi xuống sát 2.490 USD/ounce, mất mốc 2.500 USD.
Kim loại quý mất giá do USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng, sau khi nước này công bố báo cáo lạm phát. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) - tăng 0,2% trong tháng 7. Tốc độ này khớp với dự báo của các nhà kinh tế học. Dù vậy, tính chung cả tháng 8, giá vàng vẫn tăng 2%. Tháng 8 vừa rồi, kim loại quý lập đỉnh lịch sử tại 2.531 USD/ounce, phiên ngày 20/8.
Tuần này, theo khảo sát dự báo giá vàng của Kitco News, 15 chuyên gia kinh tế tại Phố Wall cho cả 3 nhận định trái ngược nhau gồm tăng giá, giảm giá và đi ngang với mỗi bên có 5 ý kiến.
Trong khi đó, 199 nhà đầu tư cá nhân tham gia cuộc khảo sát trực tuyến thì đa số đều nghĩ rằng vàng sẽ tăng. Cụ thể, 112 người (chiếm 56%) dự báo giá vàng sẽ tăng. Ngược lại có 47 người (chiếm 24%) nghĩ rằng vàng giảm giá và có 40 người (chiếm 20%) nhận định kim loại quý đi ngang.
Tuần này, những nhà đầu tư tham gia thị trường sẽ tập trung vào các chỉ số việc làm. Vào thứ 3 (ngày 3/9), thị trường sẽ nhận được thông tin về chỉ số PMI, chỉ số sản xuất ISM của Mỹ cho tháng 8. Thứ 4 (ngày 4/9) sẽ có quyết định về chính sách tiền tệ của Ngân hàng Canada và Cơ hội việc làm JOLTS của Mỹ.
Sau đó, vào thứ 5 (ngày 5/9) các nhà giao dịch sẽ theo dõi chỉ số việc làm ADP cho tháng 8, báo cáo yêu cầu trợ cấp thất nghiệp hàng tuần và chỉ số PMI dịch vụ ISM của Mỹ.
Tuy nhiên, nhận được sự chú ý nhất vào tuần tới là báo cáo bảng lương phi nông nghiệp tháng 8 của Mỹ được công bố vào sáng thứ 6 (ngày 6/9). Một số chuyên gia thị trường tin rằng báo cáo này có khả năng làm tăng mức cắt giảm lãi suất dự kiến của Fed vào tháng 9 từ 25 điểm cơ bản (0,25%) lên 50 điểm cơ bản (0,5%).
Chuyên gia phân tích thị trường Han Tan của Exinity cho rằng, nếu tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 4,2%, điều này sẽ làm giảm bớt lo ngại về suy thoái. Kịch bản đó có thể sẽ khiến giá vàng giao ngay giảm xuống dưới mức 2.500 USD/ounce khi kỳ vọng về mức cắt giảm 50 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 9 tiêu tan.
USD-Index tăng nhẹ
Trên thị trường quốc tế, USD-Index - thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh với rổ tiền tệ lớn - hiện đạt 101,74 điểm, tăng 0,4% so với trước đó.
Ngân hàng Nhà nước kết thúc tuần qua qua niêm yết tỷ giá trung tâm tại 24.224 đồng, tăng 3 đồng so với trước đó. Với biên độ 5% so với tỷ giá trung tâm, các ngân hàng được phép mua bán USD trong vùng giá từ 23.012-25.435 đồng.
Ngân hàng lớn mua bán USD tại 24.660-25.030 đồng (mua - bán). Ngân hàng cổ phần cho phép giao dịch USD tại 24.670-25.030 đồng (mua - bán).
Các điểm thu đổi ngoại tệ trên thị trường tự do giao dịch quanh 25.110-25.200 đồng/USD (mua - bán), giữ nguyên so với trước đó.