Sự kiện nằm trong khuôn khổ hội thảo thường niên về phát triển bền vững, nhằm chia sẻ kinh nghiệm thực tế trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh bền vững, qua đó lan tỏa nguồn cảm hứng đổi mới sáng tạo để phát triển xanh hơn, bền vững hơn trong các lĩnh vực trọng tâm của nền kinh tế.
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư nhấn mạnh: Đối với Việt Nam, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo là yêu cầu khách quan, là lựa chọn chiến lược và là ưu tiên hàng đầu để phát triển nhanh, bền vững, chuyển đổi nền kinh tế từ nâu sang xanh.
Đồng hành với Chính phủ trong hành trình đó, không thể thiếu vai trò đắc lực của cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam.
Trong thực tế, các doanh nghiệp đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ với nhiều hành động thiết thực, hiệu quả trong các hoạt động đầu tư kinh doanh ở tất cả các lĩnh vực, các phân ngành của nền kinh tế theo hai xu hướng chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
Theo ông Lê Trọng Minh, xu hướng chuyển đổi kép, bao gồm chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đang mở ra cơ hội to lớn, tạo động lực mạnh mẽ cho Việt Nam tiến hành chuyển đổi sang mô hình kinh doanh mang tính bền vững. Nhưng quá trình này cũng tạo ra nhiều thách thức về thể chế, tài chính, công nghệ...
Không ít giải pháp đã được thực hiện trong thời gian qua, đem lại những kết quả tốt đẹp cho doanh nghiệp, cho cộng đồng và cho cả đất nước. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi kép cũng đặt ra những bài toán hóc búa cần giải quyết, nhất là vấn đề huy động nguồn lực.
Vì vậy, đây chính là thời điểm quan trọng và cần thiết để nhìn nhận, đánh giá lại những lợi thế cạnh tranh và tiềm năng của Việt Nam cũng như các cơ chế, chính sách đã và đang được thực hiện, những mặt được và chưa được, để từ đó tìm ra lời giải nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi kép, hướng tới phát triển bền vững.
Tại hội thảo, ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đối với Việt Nam, chuyển đổi số đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động của cả khu vực nhà nước và khu vực tư nhân.
Năm 2020, tỷ lệ đóng góp của kinh tế số trong GDP là 12%, đến năm 2023, kinh tế số đã đóng góp 16,5% GDP, với tốc độ tăng trưởng hơn 20%/năm.
Tuy nhiên, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh chưa thực sự là quá trình song hành. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2023 về xu hướng chuyển đổi kép đã chỉ ra sự liên hệ giữa công nghệ số và công nghệ xanh.
Trong giai đoạn 2017-2021, Việt Nam nắm giữ 15% trong tổng số 493 bằng sáng chế xanh tại các thị trường mới nổi, xếp sau Malaysia (51%) và Thái Lan (20%).
Hầu hết các bằng sáng chế về công nghệ chuyển đổi xanh của Việt Nam liên quan đến các lĩnh vực năng lượng gió, quản lý chất thải, giảm ô nhiễm không khí và nguồn nước, công trình xanh.
Trong khi đó, xét về các công nghệ chuyển đổi số, Việt Nam chỉ chiếm 8% trong tổng số 537 bằng sáng chế của các nền kinh tế đang phát triển, xếp sau Malaysia (58%), Philippines (16%) và Thái Lan (11%).
Phân tích từ Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho thấy, chuyển đổi số chính là động lực quan trọng để thúc đẩy sự thành công của chuyển đổi xanh và xu hướng chuyển đổi kép.
Đây cũng chính là xu hướng tất yếu mà cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt để tận dụng các cơ hội kinh doanh mới cũng như mang lại lợi ích bền vững cho xã hội và môi trường.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về các vấn đề đang đặt ra cho quá trình chuyển đổi kép ở Việt Nam hiện nay, nhất là tại các doanh nghiệp.
Đó là việc ưu tiên đầu tư cho khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nguyên tắc bảo đảm công bằng, bình đẳng và lộ trình giảm thiểu các tác động tới các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Việc triển khai chuyển đổi kép cần có sự phối hợp chặt chẽ, toàn diện của tất cả các bên liên quan. Trong đó, nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, tạo lập khung khổ thể chế chính sách, hỗ trợ ban đầu và cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò tiên phong, cốt lõi trong quá trình này, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn.
Tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin nhằm nắm bắt kịp xu thế tiến bộ của thế giới, nhất là các tiến bộ về khoa học, kỹ thuật, đổi mới sáng tạo cũng là yếu tố rất cần thiết để chuyển đổi kép.
Trong quá trình này, các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cần phát huy vai trò dẫn dắt, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam để thực hiện chuyển đổi kép.
TheoTÔ HÀ(Báo Nhân Dân)