Cách nay 19 năm, vào 2004, có hai văn bản quan trọng ảnh hưởng lớn đến việc hoạch định chính sách phát triển cho ngành Xuất bản Việt Nam nói chung, cũng như đến việc xã hội hóa các nguồn lực trong xuất bản, mà chúng ta vẫn quen gọi qua khái niệm cụ thể là liên kết xuất bản, nói riêng. Đó chính là Chỉ thị số 42 của Ban Bí thư, ban hành vào ngày 25/8/2004, và cùng với đó, là Luật Xuất bản ban hành ngày 3/12/2004.
Các điều khoản của Chỉ thị 42 như sau: Điều 2, khoản 4:
2.4- Huy động các nguồn lực xã hội cho xuất bản và phát hành sách phục vụ đông đảo nhân dân. Xây dựng, ban hành cơ chế quản lý phù hợp, có hiệu quả đối với lực lượng tham gia hoạt động xuất bản, in và phát hành ngoài quốc doanh.
Điều 2 khoản 5:
2.5- Xây dựng kế hoạch dài hạn đào tạo, bồi dưỡng và phát triển lực lượng, đội ngũ của ngành xuất bản [...] trong cả ba khâu xuất bản, in và phát hành ngoài quốc doanh.
Điều 3 khoản 3:
3.3- Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực để phát triển sự nghiệp xuất bản, in và phát hành:
Khai thác các nguồn lực, tiến hành hợp tác, liên doanh, liên kết (trong và ngoài nước) để tăng cường nguồn lực cho xuất bản, in và phát hành. Xây dựng quy chế quan hệ giữa xuất bản, phát hành xuất bản phẩm và hệ thống thư viện: Nhà nước có chính sách tăng nguồn kinh phí mua sách cho các thư viện, đảm bảo thư viện trở thành trung tâm bồi dưỡng và phát triển nhu cầu văn hóa đọc của quần chúng, góp phần tăng lượng bản in cho các nhà xuất bản.
Đẩy mạnh các hoạt động thông tin, triển lãm, hội chợ sách, xây dựng tủ sách gia đình, phong trào đọc sách trong nhân dân, huy động các phương tiện thông tin đại chúng tham gia tuyên truyền và giới thiệu xuất bản phẩm.
Luật Xuất bản 2004 có thêm một điều khoản mới:
Điều 20. Liên kết trong lĩnh vực xuất bản
1. Nhà xuất bản được liên kết với tác giả, chủ sở hữu tác phẩm, cá nhân có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về in hoặc phát hành xuất bản phẩm và tổ chức có tư cách pháp nhân để tổ chức bản thảo, in và phát hành từng xuất bản phẩm.
2. Giám đốc nhà xuất bản tổ chức biên tập hoàn chỉnh và ký duyệt bản thảo trước khi đưa in, ký duyệt xuất bản phẩm liên kết trước khi phát hành.
3. Tổ chức, cá nhân liên kết với nhà xuất bản quy định tại khoản 1 Điều này được đứng tên trên xuất bản phẩm và liên đới chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với xuất bản phẩm liên kết
Hai tài liệu có tính định hướng, pháp quy này, đã tạo ra một hành lang pháp lý cho chủ trương xã hội hóa trong xuất bản, in và phát hành, đã khuyến khích sự ra đời và phát triển của hàng loạt công ty xuất bản tư nhân, các nhà sách liên kết, chính thức kết thúc thân phận “đầu nậu”, bị coi thường, của giới làm sách tư nhân, góp phần to lớn để hình thành một thị trường xuất bản khá phát triển, như thị trường xuất bản Việt Nam của hôm nay.
Theo báo cáo gần nhất của Cục Xuất bản, In và Phát hành, tổng số xuất bản phẩm nộp lưu chiểu trong năm 2022 là 38.000 đầu xuất bản phẩm, với số bản là gần 600 triệu bản. Tổng doanh thu toàn ngành xuất bản đạt gần 4.000 tỷ đồng. Và lần đầu tiên, ngành xuất bản đạt mục tiêu đặt ra từ lâu là 6 bản sách/người/năm. Mặc dù số bản sách 6 bản/người bao gồm cả sách giáo khoa (chiếm một nửa), thì đây cũng là một thành tựu đáng kể của ngành.
Mặc dù không có con số thống kê chính thức của mảng liên kết xuất bản, về số lượng các đơn vị làm liên kết xuất bản, số bản sách liên kết, chắc chắn rằng, hàng trăm công ty xuất bản, các nhà sách liên kết đã đóng góp một phần không nhỏ trong thành tích nói trên của toàn ngành. Các đơn vị này hàng năm đã tạo ra hàng vạn đầu sách mới, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của thị trường sách.
1. Chuyên môn hóa, đa dạng hóa thị trường xuất bản
Hiện nay, ngoài một số nhà xuất bản nhà nước dẫn đầu trong các mảng sách của mình, theo đúng tôn chỉ mục đích, gồm: Kim Đồng, Trẻ, Phụ nữ Việt Nam, Chính trị Quốc gia Sự thật, Tài nguyên Môi trường và Bản đồ Việt Nam... thì các công ty sách tư nhân nhiều năm nay cũng chọn lựa đầu tư vào những mảng sách thế mạnh, qua đó đã dần dần có được vị thế trên thị trường xuất bản, tạo được tín nhiệm đối với bạn đọc.
Ví dụ Alpha books chuyên sách kinh doanh, First News chuyên sách self- help, Thái Hà làm sách thiền, sách tu tập Phật giáo, Đinh Tị làm nhiều sách thiếu nhi, Đông A tập trung làm sách có hình thức đẹp, IPM làm sách manga, light novel Nhật Bản, Comicola chuyên về truyện tranh trong nước... còn Nhã Nam, mặc dù gần đây chúng tôi đã mở rộng mảng sách văn hóa, lịch sử, triết học, nhưng văn học vẫn là mảng cốt lõi.
Hàng năm, chúng tôi vẫn theo dõi đều đặn các giải thưởng văn chương lớn trên thế giới, như giải Nobel, giải Booker ở Anh, giải Goncourt ở Pháp, giải Akutagawa của Nhật Bản, để nếu có thể, sẽ tiến hành mua bản quyền và dịch sang tiếng Việt, phục vụ công chúng trong nước. Công việc này, ngay từ khi công ty được thành lập cách nay 18 năm, đã được đều đặn thực hiện.
Chưa hết, thậm chí, không chỉ tham khảo các giải thưởng lớn, đội ngũ biên tập viên Nhã Nam còn tập trung tìm kiếm các gương mặt sáng giá trong văn học thế giới, để giúp công chúng có cái nhìn sâu hơn, chuyên môn hơn nữa. Sự đầu tư theo chiều sâu này, cũng khiến Nhã Nam có được một số thành công nhất định. Ví dụ với văn học Pháp, chúng tôi đã mua bản quyền và ấn hành các tác phẩm của Patrick Modiano trước khi ông được giải Nobel văn chương năm 2014. Gần đây, tháng 10 năm 2022, khi Viện Hàn lâm Thụy Điển công bố nữ văn sĩ Pháp Annie Ernaux được giải thưởng Nobel văn học, chúng tôi cũng rất vui, vì trước đó, các cuốn sách như Một chỗ trong đời, hay Hồi ức thiếu nữ, đều đã được Nhã Nam mua bản quyền, tổ chức dịch thuật và ấn hành phục vụ độc giả trong nước từ trước. Thế nên, khi tin tức báo chí đăng tải các ứng cử viên sáng giá của giải Nobel văn học, các độc giả yêu thích văn chương cũng ít nhiều mường tượng ra phong vị của các tác giả như thế nào.
Chúng tôi cho rằng, qua việc đầu tư vào làm sách chuyên môn có chiều sâu như vậy, Nhã Nam cũng như các đơn vị xuất bản khác, ngoài việc tự nâng cao được trình độ chuyên môn của mình nói riêng, còn góp phần nhất định làm đa dạng, phong phú thêm thị trường xuất bản nói chung. Thị trường xuất bản cả nước, đặc biệt, trong vài năm gần đây, đã phát triển toàn diện thêm một bước, khi có thêm các đơn vị tư nhân trẻ trung, năng động, hoạt động trong các lĩnh vực chuyên biệt, từ kinh doanh bản quyền như công ty Con Sóc, đến sản xuất sách nói, sách điện tử, như Fonos, Voiz FM, Waka...
Ngoài việc được sự tín nhiệm của độc giả, sự đầu tư chuyên sâu vào chất lượng xuất bản phẩm của các công ty sách tư nhân, cũng khiến mảng sách này có được sự công nhận cao nhất về chuyên môn, chính là các giải thưởng như Giải thưởng Sách Quốc gia của Hội Xuất bản Việt Nam, giải thưởng văn học từ Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội, hay giải Bùi Xuân Phái của thành phố Hà Nội, giải Dế mèn của Báo Thể thao Văn hóa, giải Sách Hay của Viện Giáo dục IRED... Đội ngũ làm sách Nhã Nam cũng rất vinh dự khi nhiều năm liền có sách đoạt các giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội, và đặc biệt đã bắt đầu tham dự và có xuất bản phẩm đoạt Giải thưởng Sách Quốc gia, ở một số hạng mục, cùng với các đơn vị làm sách tư nhân khác, như Alpha books, Thái Hà Books, Sài Gòn Books...
2. Tăng cường truyền thông để nối kết cộng đồng, đẩy mạnh văn hóa đọc
Một điều khá rõ ràng là các đơn vị làm sách tư nhân trong nhiều năm qua cũng đóng góp rất nhiều công sức để thực hiện các chương trình truyền thông, tổ chức vô số các sự kiện để quảng bá sách, giao lưu giữa tác giả với độc giả, cũng như các hoạt động khuyến khích việc đọc sách. Với Nhã Nam chẳng hạn, công ty từng phối hợp với Quỹ Giao lưu văn hoá Nhật Bản, để tổ chức Tuần văn học Nhật Bản vào năm 2014; đồng thời, suốt 10 năm gần đây, Nhã Nam luôn đồng hành cùng các đối tác lâu năm là Viện Pháp, Viện Goethe, Phái đoàn Bỉ, Hội đồng Anh, ĐSQ Italy… ở Việt Nam để cùng tổ chức “Những ngày văn học châu Âu” tại Hà Nội… Chưa hết, với sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế, trong nhiều năm qua, Nhã Nam cũng đã tổ chức đón tiếp các tác giả nổi tiếng thế giới như Marc Levy, Eric Emmanuel Schmitt, Susie Morgenstein (Pháp), Paolo Giordano, Alexandro Barrico (Italy), Nicolas Ancion (Bỉ), Takahashi Genichiro (Nhật Bản), Hwang Sun-mi, Kim Young-ha (Hàn Quốc)… tới thăm và giao lưu với độc giả Việt Nam.
Năm 2022, ngay sau dịch Covid-19, Nhã Nam cùng Viện Pháp đã phối hợp mời Michel Bussi, nhà văn trinh thám nổi tiếng của Pháp, tới Việt Nam giao lưu với độc giả Hà Nội, phối hợp với Viện IDECAF lại mời Marc Levy tới giao lưu với độc giả TP.HCM... Việc đưa các tác giả nổi tiếng thế giới đến giao lưu với độc giả Việt Nam, của Nhã Nam cũng như của các đồng nghiệp trong làng sách, theo đánh giá của báo chí, đã góp phần không nhỏ trong việc quảng bá xuất bản, thúc đẩy mạnh mẽ văn hóa đọc, và khiến thị trường xuất bản hội nhập sâu rộng hơn với thế giới và khu vực.
Hình ảnh tại hiệu sách Nhã Nam Books N' Coffee. Ảnh: NN. |
3. Nâng cao chất lượng hội nhập của thị trường xuất bản Việt Nam
Cùng các nhà xuất bản hàng đầu như Kim Đồng, Trẻ, Phụ nữ Việt Nam, các công ty sách tư nhân cũng góp phần đáng kể trong việc nâng cao chất lượng hội nhập của thị trường xuất bản Việt Nam. Nếu như trước khi Việt Nam tham gia Công ước Berne mà vào tháng 10 năm 2004, việc giao dịch bản quyền khá khó khăn, dẫu mức phí chỉ là vài ba trăm đôla Mỹ, và là rào cản căn bản ngăn trở các đơn vị xuất bản hội nhập với xuất bản thế giới, thì sau đó, với sự ra đời của hàng loạt đơn vị làm sách tư nhân mới, việc mua bán bản quyền đã trở thành “việc thường ngày ở huyện”.
Hiện nay, với sự xuất hiện khá nhiều hãng bản quyền (Literary agency) trong khu vực tích cực môi giới bản quyền vào Việt Nam, đầu tư vào thị trường xuất bản Việt Nam như một thị trường mới nổi, việc giao dịch bản quyền đã được đẩy lên một mức mới. Việc các nhà xuất bản, công ty sách cùng nhau đấu giá một cuốn sách “hot” càng ngày càng diễn ra thường xuyên hơn. Cách nay vài năm, số tiền mà một đơn vị xuất bản phải bỏ ra để đấu thắng một đầu sách của Dan Brown đã là 5 con số (một vài chục nghìn USD) rồi! Cùng sự phát triển của kinh tế cả nước nói chung, của ngành xuất bản nói riêng, có lẽ trong một tương lai không quá xa, khi xuất bản Việt Nam cán mốc số đầu sách bình quân gấp rưỡi, gấp đôi lượng bản sách đặt ra, như 10 đầu sách/người/năm, thì tiền giao dịch bản quyền trên một tác phẩm ở Việt Nam sẽ đạt 6 con số chăng!?
Cách đây vài năm, đại diện hãng bản quyền Tuttle Mori Nhật Bản khi làm việc với chúng tôi, đã xác nhận rằng, về mức giá bản quyền, thị trường xuất bản Việt Nam đang ngang ngửa với thị trường Thái Lan, và vẫn đang tăng lên không ngừng. Chúng tôi hy vọng rằng, về sức cạnh tranh của thị trường trong lĩnh vực bản quyền, ngành Xuất bản Việt Nam sẽ sớm đứng ở vị trí hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á.
Ngoài giá cả, còn có một số tiêu chí khác, để đánh giá mức độ hội nhập của xuất bản Việt Nam. Như phát hành đồng thời, hay đồng xuất bản (co- edition)... Trên thị trường xuất bản thế giới, hàng năm vẫn có nhiều dự án sách được xuất bản đồng thời ở nhiều nước. Trong thực tế, đã có và sẽ càng ngày càng có nhiều dự án sách, mà bản tiếng Việt sẽ đồng thời được phát hành cùng với các bản sách viết bằng ngôn ngữ khác trên thế giới. Việc này, sẽ chủ yếu do tác giả và chủ sở hữu tác quyền tiến hành.
Bên cạnh đó, việc một số đơn vị xuất bản Việt Nam, cùng tham gia một dự án đồng xuất bản (co-edition), bằng cách cùng đặt in ấn bản của mình với các đối tác quốc tế khác, tại một nhà in ở Trung Quốc, hay Thái Lan, hay thậm chí ở Việt Nam, để tiết kiệm chi phí in ấn, rồi nhập khẩu bản tiếng Việt để phát hành trong nước, như chúng tôi đã chứng kiến, đã diễn ra ngày càng thường xuyên hơn.
Với việc Hội Xuất bản Việt Nam đang giao lưu rất tích cực với Hội xuất bản của các nước trong khu vực, cũng như đang luân phiên đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội xuất bản Đông Nam Á, các nhà xuất bản, các đơn vị làm sách tư nhân, sẽ càng có cơ hội hơn nữa tham dự vào các sự kiện xuất bản quốc tế, các hội chợ sách chuyên đề, thì mức độ hội nhập của xuất bản Việt Nam, trong đó chủ đạo là hoạt động phát triển và mua bán nội dung, cũng sẽ được đẩy lên một mức nữa.
Tuy đạt được nhiều thành tựu trong việc phát triển thị trường xuất bản, mảng sách liên kết xuất bản vẫn không tránh khỏi một số điểm hạn chế, thậm chí tiêu cực. Một số nhà sách tư nhân ít nhiều vẫn còn tư duy làm ăn chộp giật, chỉ coi sách là loại sản phẩm để buôn bán có lời, sẵn sàng làm ra một số cuốn sách chất lượng không cao, thậm chí coi là sách hạng hai, sách giá trị thấp miễn là bán được.
Ví dụ rõ ràng cho việc này là cách đây vài năm, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã ra một văn bản đề nghị các nhà xuất bản hạn chế cấp phép cho trào lưu sách ngôn tình rẻ tiền. Điều đáng nói là nhiều cuốn trong số sách này vì chất lượng thấp nên thậm chí ở Trung Quốc cũng không được in thành sách, mà chỉ lưu hành trên môi trường đọc online, song lại được mua bản quyền về xuất bản thành sách giấy ở Việt Nam. Tuy vậy, về việc này, thị trường sách cũng sẽ như bất kỳ thị trường nào sẽ phản ứng và điều chỉnh về lâu dài. Nếu một nhà sách cứ mãi đưa các sản phẩm chất lượng thấp, đưa sách “rác” vào thị trường, sớm muộn cũng sẽ bị độc giả nhận ra, thậm chí nếu sách quá tệ, sẽ bị cộng đồng khu biệt, tẩy chay.
Một điểm hạn chế dễ nhận thấy nữa trong mảng xuất bản liên kết là đại đa số các đơn vị làm sách tư nhân đều là doanh nghiệp nhỏ, thậm chí rất nhỏ, đều thiếu và yếu về cả vốn liếng, nguồn lực, lẫn đội ngũ làm nghề có chất lượng. Điều này trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, chiều sâu về nội dung của xuất bản phẩm.
Hiện tại, hầu như không có đơn vị nào có đủ tiềm lực để trở thành các nhà sản xuất nội dung, có thể đầu tư lâu dài cho một dòng sản phẩm. Vốn mỏng, nhân sự yếu và thiếu, khiến hầu hết công ty sách đều rất dễ tổn thương trước những biến động của nền kinh tế. Do đại dịch Covid-19, công ty Nhã Nam đã lần lượt đóng cửa một số cửa hàng sách ở Vũng Tàu, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hà Nội vì không đủ nguồn lực để duy trì. Chúng tôi nghĩ rằng rất nhiều các đơn vị bạn cũng gặp phải tình trạng tương tự. Hiện nay, các đơn vị làm sách đang vật lộn để trở lại được thời kì trước dịch, thì suy thoái kinh tế trước mắt, với vốn vay tăng cao, và sức mua suy giảm, vẫn đang là một trở ngại rất lớn.
Để đẩy mạnh xu hướng “xã hội hóa, huy động các nguồn lực để phát triển ngành xuất bản, in, phát hành”, như Chỉ thị 42 đã chỉ ra, nói chung, và để hỗ trợ cho các công ty sách đang thiếu vốn và nguồn lực, yếu về đội ngũ nhân sự nói riêng, chúng tôi xin kiến nghị như sau:
- Đảng, Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông sớm xây dựng chính sách ưu đãi về vốn, về thuế, về bảo hiểm xã hội cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành xuất bản, in và phát hành. Cụ thể là giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 20% xuống 10% trong vòng từ 3-5 năm, để hỗ trợ các công ty xuất bản, phát hành sách. Đây là một kiến nghị đã được các doanh nghiệp trong ngành đề đạt từ rất lâu, rất mong được các cấp lãnh đạo quan tâm, giải quyết.
- Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch sớm hiện thực hóa chủ trương tăng nguồn lực cho hệ thống thư viện, để các thư viện có thêm kinh phí mua sách, một mặt nâng cao văn hóa đọc, phục vụ nhu cầu học tập suốt đời của nhân dân, một mặt giúp nâng cao số bản in cho ngành sách, gián tiếp tăng thêm nguồn lực cho các đơn vị xuất bản.
- Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam sớm nghiên cứu, xây dựng chính sách một giá để bảo hộ giá sách, giá xuất bản phẩm, tránh tình trạng giảm giá tràn lan, không những giảm 50, 70% giá bìa mà còn bán sách theo cân, theo ký, cạnh tranh không công bằng về giá trong thị trường xuất bản, dẫn tới việc bào mòn nguồn lực của các Nhà xuất bản, công ty sách, doanh nghiệp phát hành như hiện nay. Kiến nghị lãnh đạo Bộ Thông tin Truyền thông, Cục Xuất bản, In và Phát hành, Hội Xuất bản Việt Nam cử cán bộ sang Pháp, Hàn Quốc... để tìm hiểu chính sách một giá đối với sách, đang được thực hiện rất thành công ở những nước này.
- Cuối cùng, để hỗ trợ các đơn vị làm sách tư nhân nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, như thể hiện trong điều 2 khoản 5 của Chỉ thị 42, đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Xuất bản, In và Phát hành mở rộng các khóa đào tạo chuyên môn, và sớm cấp giấy chứng nhận hành nghề cho các biên tập viên khối liên kết xuất bản của các công ty sách tư nhân. Mục b, khoản 2, điều 11 Nghị định 195 ban hành năm 2013 của Chính phủ cũng quy định các công ty sách liên kết phải ít nhất có 3 biên tập viên có chứng chỉ hành nghề, khi thực hiện việc biên tập sơ bộ bản thảo. Hiện nay, chắc cũng ít có công ty sách hoàn thành được điều khoản này.
Sự hỗ trợ về chính sách của cơ quan quản lý nhà nước là quan trọng. Chúng tôi đã có kinh nghiệm sâu sắc trong việc này. Trong đại dịch Covid-19 vừa qua, khi ngành phát hành sách đang “ngộp thở”, “đóng băng”, một số nhà sách ở trong tình trạng “chết lâm sàng”, với tác động từ Bộ Thông tin Truyền thông, từ Cục Xuất bản, một số địa phương như Hà Nội, TP.HCM đã đưa sách vào danh sách các hàng hóa thiết yếu, và báo chí đưa tin rộng rãi về việc này, lúc ấy, các doanh nghiệp trong ngành như đã có một sự hồi sinh, như được sống lại. Trong đại dịch khó khăn vô vàn, đó thật sự là một tháo gỡ rất lớn, một sự hỗ trợ kịp thời từ Bộ Thông tin Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam, Cục Xuất bản, In và Phát hành. Nhã Nam và các doanh nghiệp của Ngành đều cùng ghi nhận và trân trọng.