TheảithưởngTạQuangBửukhôngtìmrangườiđạtgiảkq barcao thông tin từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (Quỹ), ban tổ chức Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2021 đã tiếp nhận 41 hồ sơ đăng ký từ các tổ chức Khoa học và Công nghệ và các nhà khoa học trên khắp cả nước. Các hồ sơ tiếp nhận được phân bố ở cả 8 ngành trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật, trong đó Vật lý và Khoa học Nông nghiệp có nhiều hồ sơ nhất (9 hồ sơ/ngành).
Quy trình đánh giá Giải thưởng năm 2021 được thực hiện theo quy định, bao gồm kiểm tra điều kiện hồ sơ; xin ý kiến chuyên gia phản biện; đánh giá tại Hội đồng Khoa học ngành của Quỹ (HĐKH) và Hội đồng Giải thưởng.
Ngày 29/4/2021, Hội đồng Giải thưởng năm 2021 đã họp đánh giá xét chọn hồ sơ. Tuy nhiên, sau hơn 4 tiếng thảo luận và bỏ phiếu, Hội đồng Giải thưởng quyết định không đề xuất tặng giải cho các hồ sơ đề cử.
Ngày 13/5/2021, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt đề xuất này.
Quá ít hồ sơ tốt?
GS Ngô Việt Trung, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng cho biết năm nay, mặc dù số lượng hồ sơ tham gia đánh giá xét chọn tương đương các năm trước nhưng sau khi xét duyệt ban đầu chỉ có 2 HĐKH ngành Khoa học Trái đất và Môi trường và Sinh học Nông nghiệp đề cử 2 hồ sơ cho Giải thưởng chính và 2 hồ sơ cho Giải thưởng trẻ để xem xét tại Hội đồng Giải thưởng.
Các hồ sơ đề cử năm nay đều thuộc lĩnh vực thực nghiệm, liên quan đến các vấn đề đang được các nhà khoa học thế giới quan tâm. Đó là công trình của PGS.TS. Ngô Đức Thành, TS. Bùi Minh Tuân về biến đổi khí hậu trong mưa, và công trình về sử dụng chất thay thế kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản của TS. Đỗ Hữu Hoàng, công trình về hệ thống kỹ thuật trồng hoa cúc với quy mô lớn của TS. Hoàng Thanh Tùng.
Các nhà khoa học trẻ sẽ có nhiều cơ hội hơn ở Giải thưởng Tạ Quang Bửu? |
GS Nguyễn Hữu Đức, Chủ tịch hội đồng ngành Vật lý, cho biết dù năm nay HĐKH ngành này cũng nhận được một số hồ sơ, trong đó có công trình xuất bản ở tạp chí có hệ số IF nhưng không đề cử công trình nào lên Hội đồng Giải thưởng.
Giải thích cho việc này, GS Đức cho biết lý do là hầu hết các công trình này mới được xuất bản chừng nửa năm trở lại đây trong khi hội đồng ngành Vật lý cho rằng cần đánh giá công trình ở bình diện quốc tế, thông qua số lượng trích dẫn.
“Vì vậy, các thành viên hội đồng Vật lý thống nhất để thêm một năm nữa để có đánh giá chuẩn xác hơn về chất lượng công bố với các công trình này”.
Ở HĐKH ngành Toán cũng có hai hồ sơ đề cử mà theo GS Ngô Việt Trung là đủ chất lượng. Tuy nhiên, đến lúc bỏ phiếu thì cả hai hồ sơ này đều không đạt được 2/3 số phiếu để đề cử lên Hội đồng Giải thưởng.
Điều này có thể đã gây ra dư âm không thật sự tốt lắm nếu như mọi người chưa hiểu rõ tình hình của năm nay” – GS Trung chia sẻ.
“Tuy nhiên, tôi khẳng định việc không có công trình nào được trao giải không phản ánh hết thực tế phát triển của khoa học công nghệ nước nhà”.
Theo GS Ngô Việt Trung, nhìn vào chất lượng công bố quốc tế của khoa học cơ bản hiện nay thì số lượng các bài báo trong các tạp chí hàng đầu đã tăng lên rõ rệt và chất lượng tốt hơn rất nhiều so với thời điểm có giải thưởng Tạ Quang Bửu.
“Thế nhưng, mỗi năm số lượng và chất lượng của hồ sơ đề nghị trao tặng Giải thưởng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như việc tự ứng cử của các nhà khoa học hay sự đề cử của các tổ chức nghiên cứu và đào tạo. Các nhà khoa học rất ngại tự ứng cử cho giải thưởng, trong lúc nhiều cơ quan không quan tâm đến việc đề cử các công trình xuất sắc. Ngoài ra, việc chỉ trao giải cho một cá nhân hay cho một công trình cũng hạn chế các đề cử vì các thành tựu khoa học thường được khẳng định qua một cụm công trình và thông qua sự hợp tác của nhiều nhà khoa học”.
GS Ngô Việt Trung cũng cho rằng điều quan trọng là chất lượng của giải thưởng phải được đảm bảo. “Một giải thưởng không tìm được người để trao cũng là chuyện bình thường. HĐGT đã làm việc rất nghiêm túc, không vì việc phải có giải mà tìm cách trao bằng được, sẽ ảnh hưởng tới uy tín của giải thưởng”.
Ông Trung nêu ví dụ, giải thưởng quốc gia cao nhất về khoa học và công nghệ của Trung Quốc (có giá trị khoảng 750.000 USD) đã hai lần không có giải thưởng. Đặc biệt năm 2015 không trao giải nhưng Trung Quốc có người được giải Nobel về Y học ngay trước khi xét giải quốc gia.
Cần quan tâm tới các nhà khoa học trẻ
Mùa giải năm 2021 đã qua, nhưng theo GS Ngô Việt Trung, có những nội dung mà Quỹ cần thảo luận để rút kinh nghiệm cho những năm sau, để giải thưởng đạt được mục đích thúc đẩy các nghiên cứu trong khoa học cơ bản và khuyến khích được nhà nghiên cứu trẻ.
Ông cũng bày tỏ quan điểm “cần quan tâm hơn đến các nhà khoa học trẻ”.
“Tôi và các thành viên khác đang cố gắng đề nghị với Bộ Khoa học và Công nghệ để mỗi ngành có một giải thưởng trẻ và người nhận được giải thưởng trẻ sẽ là nhà khoa học tiêu biểu cho chuyên ngành của mình”.
GS Nguyễn Hữu Đức cũng bày tỏ sự ủng hộ năm sau quy chế nên thay đổi một chút như tăng số lượng giải trẻ lên, một số tiêu chí giải thưởng chi tiết hóa hơn.
“Hiện nay, các tiêu chí của giải đang nặng về chỉ số cứng như ảnh hưởng của tạp chí, còn khả năng phân tích sâu giá trị của từng công trình vẫn còn một số bất cập. Vì vậy, theo tôi cần cân đối tiêu chí cứng với giá trị cụ thể và những điểm độc đáo của công trình, cộng với ý kiến chuyên gia, ý kiến cộng đồng bởi có những công trình đăng ở tạp chí bình thường nhưng lại rất xuất sắc”.
Giải thưởng Tạ Quang Bửu là Giải thưởng thường niên của Bộ Khoa học và Công nghệ nhằm khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học có vai trò chính trong các công trình khoa học xuất sắc, được thực hiện tại Việt Nam, công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Giải thưởng được triển khai từ năm 2013, trong 7 năm vừa qua đã tiếp nhận hơn 360 hồ sơ đăng ký tham dự, trao tặng 16 Giải thưởng chính và 4 Giải thưởng dành cho nhà khoa học trẻ. |
Ngân Anh
Công trình nghiên cứu về dự báo mưa kéo dài trong suốt 6 năm đã giúp TS Bùi Minh Tuân, Khoa Khí tượng và Hải dương học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên được đề cử cho giải thưởng trẻ Tạ Quang Bửu năm 2021.