Theo SCMP, các nhà khoa học Trung Quốc đã phát triển thành công loại súng trường tự động được thiết kế riêng cho máy bay không người lái. Loại súng này sử dụng cùng loại đạn cỡ 7,62 mm, với vận tốc khi rời nòng 10 mét đạt 740 đến 900 mm, mạnh tương đương AK-47.
Nhưng cải tiến chính khiến vũ khí này trở nên khác biệt là độ giật gần như không tồn tại. Độ giật của nó được miêu tả là "nhẹ như gõ bàn phím". Như thế có nghĩa là ngay cả một máy bay không người lái dân dụng – hoặc một chú chó robot đồ chơi – cũng có thể sử dụng khẩu súng này và bắn theo ý muốn, các nhà khoa học và kỹ sư tham gia vào dự án cho hay.
Trước đây, viễn cảnh như vậy chỉ giới hạn trong phim ảnh. Trên chiến trường thực tế, chẳng hạn như ở Ukraine, máy bay không người lái nhỏ chỉ có thể thả lựu đạn hoặc đạn cối.
Ngay cả các bệ vũ khí không người lái chuyên dụng hoặc UAV được cải tiến mạnh cũng gặp khó với độ giật của súng máy, làm giảm độ chính xác và tính linh hoạt khi bắn. Giờ đây, loại súng trường mới do nhóm do Giáo sư Liu Pengzhan đứng đầu thuộc Khoa kỹ thuật cơ khí và điện tại Đại học Bắc Trung Quốc phát triển đã đưa ra giải pháp cho những thách thức này.
Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng việc khoan một lỗ được bố trí có tính toán ở phía sau nòng súng giúp thoát sóng xung kích khí do vụ nổ thuốc súng tạo ra. Sau đó, để duy trì sơ tốc đầu nòng của viên đạn, Giáo sư Liu và các đồng nghiệp đã thiết kế một loại đạn mới có màng cường lực bịt kín ở phía sau và một chip cảm ứng điện từ bên trong.
Khi nhận được lệnh bắn, chip sẽ đốt cháy chất nổ, đẩy viên đạn về phía trước. Chỉ khi áp suất đạt đến mức tới hạn, khí áp mới phá vỡ màng và thoát ra qua lỗ thông, loại bỏ độ giật trong khi vẫn đảm bảo sơ tốc đầu nòng cao.
Cấu trúc của súng rất đơn giản và chi phí sản xuất thấp. Theo các nhà nghiên cứu, chỉ cần lắp một cuộn dây vào nòng súng để kích nổ chip và bảo vệ nó bằng một lớp gốm chịu nhiệt độ, áp suất cao.
Đại học Bắc Trung Quốc là một tổ chức nghiên cứu quan trọng tại Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, được thành lập bởi Cục Quản lý Khoa học, Công nghệ và Công nghiệp Quốc phòng Nhà nước Trung Quốc. Các kỹ sư của một số doanh nghiệp công nghiệp quân sự cũng tham gia vào quá trình nghiên cứu và thử nghiệm vũ khí này.
“Nhiều cuộc thử nghiệm đã xác nhận tính hiệu quả của thiết kế này”, nhóm của Giáo sư Liu viết trong bài báo khoa học.
Trong các cuộc thử nghiệm, khẩu súng trường được treo lơ lửng trên không và bắn, và biên độ vung từ trước ra sau chỉ ở mức 1,8 cm, cho thấy độ giật không đáng kể.
Năm 2016, Trung Quốc đã đưa ra đề xuất lên Liên hợp quốc về việc cấm chuyển đổi UAV thành vũ khí sát thương, trở thành quốc gia đầu tiên trong số 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đưa ra đề xuất như vậy.
Năm 2021, Trung Quốc cùng với hơn 100 quốc gia đã đề xuất lại động thái này nhưng bị Mỹ và Nga phủ quyết. Kể từ đó, Trung Quốc đã phát triển mạnh mẽ các loại vũ khí trên UAV và đạt được lợi thế đáng kể thông qua năng lực công nghiệp.
Gần đây, Bắc Kinh đã đưa các sản phẩm và công nghệ máy bay không người lái lưỡng dụng vào danh sách kiểm soát xuất khẩu.