- Chị nói: "Sau nhiều năm,ệntìnhcôgáivàchàngtraitậtnguyềnlàmnghềsửbóng đá net em với anh Hồng vẫn vui vẻ bên nhau mặc dù là sống lề đường. Anh Hồng là người tật nguyền nhưng em mãn nguyện khi sống với anh. Em đã tìm thấy được tình yêu chân thật nơi anh - thứ mà nhiều người có tiền của cũng không tìm được".
Di chứng chất độc da cam khiến anh Hà Văn Hồng bị teo cơ từ lúc nhỏ. Lớn lên, anh dựng một túp lều ven đường sửa xe kiếm sống qua ngày. Trong lần sửa xe cho cô gái nghèo, anh đã tìm được một nửa đích thực của mình.
Người đàn ông tật nguyền
Trời mưa lất phất. Một cậu bé khoảng 10 tuổi đẩy chiếc xe đạp bị thủng bánh một cách khó nhọc. Ngang quán sửa xe, nó chợt thấy có bàn tay vẫy: "Dẫn xe vô đi con, chú vá cho". Nó khựng lại: "Con không có tiền chú ơi ...".
Bên trong quán, một người đàn ông trung niên có mái tóc dài như tóc phụ nữ cột thành chùm mò mẫm lết ra nói: "Con cứ đẩy vào đi, chú không lấy tiền đâu".
Người đàn ông bắt đầu sửa. Anh không đứng được. Hai chân anh teo nhưng đôi tay rất linh hoạt. "Nhà cháu ở đâu?", anh hỏi thằng bé. Nó khép nép: "Con ở tận Bà Điểm. Ba con bị bệnh mà mua thuốc trên đó không có con phải xuống dưới này để mua."
Anh Hồng sửa xe |
Quán sửa xe này nằm trên đường Phan Văn Hớn (P. Tân Thới Nhất, Q.12, TP.HCM). Từ nơi đây về Bà Điểm còn chừng 5km nữa. Nghe thằng bé nói, anh trầm ngâm.
Anh vá xong bảo: "Chú không lấy tiền con đâu. Con về đi kẻo ba con trông...". Nó cúi đầu cám ơn. Đôi mắt nó đỏ hoe. Leo lên xe nó đạp đi trong cơn mưa nhẹ.
Dẹp đồ nghề, anh mò mẫm đi vào trong. Lắc nhẹ chiếc võng, trên võng là một đứa bé chừng vài tháng tuổi. Một đứa khác chừng hơn 2 tuổi đang ngồi chơi trong góc quán. Xa hơn một chút, một người phụ nữ có nét mặt hiền hòa đang chuẩn bị bữa ăn sáng.
Tôi trú mưa ở góc quán buột miệng hỏi: "Anh chị ở đây lâu chưa?". "Cũng gần được 20 năm rồi. Lúc tôi về đây ngồi sửa xe chưa có vợ và giờ đây đã 3 con rồi...", anh nói.
Chị Mận giúp chồng |
Trước mặt tôi là căn chòi được dùng làm quán sửa xe trống trải và chật hẹp nhưng ở đó đầy ắp tiếng cười. Bữa ăn được dọn lên. Thằng bé con ngồi giữa được lúc thì cha, khi thì mẹ gắp cho thức ăn. Chị cũng lựa những miếng ngon bỏ vào chén anh.
Đường mưu sinh gian nan
Nhìn ra ngoài trời, mây đen vần vũ, anh chép miệng: "Không biết thằng bé có bị mắc mưa không nhỉ?".
Anh lo cho thằng bé vá xe vừa rồi. Anh nói, nhìn nó anh nhớ lại quãng đời mình đã qua. Anh là Hà Văn Hồng, 39 tuổi, quê ở Tuyên Hóa, Quảng Bình. Hồng bị teo cơ 2 chân từ khi lọt lòng mẹ, di chứng của chất độc da cam. Chị là Âu Thị Mận, 36 tuổi, người Sơn Dương, Tuyên Quang. Chị là người dân tộc Cao Lan, một sắc dân thiểu số nghèo nhất vùng.
Nhà anh nghèo. Không thể trở thành gánh nặng của gia đình, 13 tuổi anh rời nhà vào Nam tìm kế sinh nhai. Anh lên Đak Nông tìm đến nhà người chú để làm rẫy.
Túp lều ở ven đường - nơi có một gia đình nhỏ ngập tràn hạnh phúc |
Chỉ mới vài năm anh và chú đã khai hoang được 4ha. Trong một dip tình cờ nghe qua đài phát thanh được biết ở Nghệ An có trường dây nghề đang chiêu sinh. Anh bán phần rẫy của mình được 10 triệu đồng làm chi phí đi đường và học tập.
Sau một năm học tập, năm 1995 anh quyết định quay vào Nam vì đôi chân anh không thể chịu đựng được với thời tiết lạnh. Anh được nhận vào làm tại một cửa hàng lắp ráp xe 2 bánh ở TP.HCM với mức lương 750 nghìn đồng/tháng.
Sau 2 năm làm việc tại đây anh đã tích cóp được ít vốn có thể mở được một tiệm sửa xe nho nhỏ. Anh dừng chân trên lề đường Phan Văn Hớn. Anh che tạm tấm bạt, để thùng đồ nghề và sửa xe tại đây. Rồi dần dần điểm sửa xe được gia cố thêm trở thành túp lều rồi tiếp tục khang trang hơn.
Cứ thế, năm tháng trôi qua, quán sửa xe này trở thành nhà anh lúc nào không hay. Anh ăn tại đây, ngủ tại đây.
Túp lều hạnh phúc
Anh nói: "2 chân tôi không đứng được nên rất khó khăn trong sinh hoạt. Công việc tương đối thuận lợi nhờ có nhiều khách nhưng đến bữa ăn, tắm rửa, giặt giũ vô cùng vất vả.
Một hôm, đang lúc đông khách có một cô gái ghé vào nhờ sửa xe. Cô ngồi chờ rất lâu mới đến lượt mình. Rồi sau đó cứ vài ba ngày xe hỏng cô lại tìm đến".
Nghe đến đây, chị Mận nói: "Ngay hôm đầu tiên trong lúc chờ đợi em quan sát chỗ ở của anh ấy. Nồi niêu, xoong chảo vứt lung tung. Đồ ăn thức uống vương vãi khắp nơi chứng tỏ không có bàn tay của phụ nữ. Qua trò chuyện được biết anh chưa có gia đình trong khi mình cũng chưa có nơi nào cả. Nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức độ quen biết chưa dám tính một điều gì...".
Anh tiếp tục chia sẻ: "Sau đó tôi thấy mình cũng có cảm tình với cô ấy nên đã nhiều lần bày tỏ nhưng cô ấy chỉ im lặng. Như vậy không có nghĩa là tuyệt vọng. Tôi tìm đến gặp để thêm một lần nữa khẳng định tình cảm của mình".
Chị Mận cười: "Lần này, thấy ảnh tội quá, em không nỡ nên đã nhận lời. Anh mừng lắm hối thúc em làm đám cưới..."
Chị Mận là dân tộc Cao Lan. Xa quê hương, gia đình nên khi anh Hồng ngỏ lời, chị nghĩ có người thương mình sao mình không đến với nhau?
Mối nhân duyên của họ không được gia đình chị bằng lòng nhưng người phụ nữ ấy vẫn quyết tâm để đến được với nhau.
Chị nói: "Sau nhiều năm, em với anh Hồng vẫn vui vẻ bên nhau mặc dù là sống lề đường. Anh Hồng là người tật nguyền nhưng em mãn nguyện khi sống với anh. Em đã tìm thấy được tình yêu chân thật nơi anh - thứ mà nhiều người có tiền của cũng không tìm được".
Trần Chánh Nghĩa