Phát biểu hôm 1/12 sau cuộc gặp với Đại diện cấp cao EU về chính sách đối ngoại và an ninh Kaja Kallas và Chủ tịch Hội đồng EU Antonio Costa, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết: "Lời mời Ukraine gia nhập NATO là điều cần thiết cho sự sống còn của chúng tôi".
Ông lập luận Ukraine cần ở "vị thế vững chắc" trước bất kỳ cuộc đàm phán nào với Nga. Ông kêu gọi NATO mời Ukraine gia nhập và cung cấp cho Kiev số lượng lớn vũ khí tầm xa để tự vệ.
"Chỉ khi chúng tôi có tất cả những thứ này và chúng tôi mạnh mẽ, thì sau đó, chúng tôi mới phải thực hiện một chương trình nghị sự rất quan trọng là gặp mặt họ (Nga)", Tổng thống Zelensky nói và cho biết thêm rằng EU và NATO nên tham gia vào bất kỳ cuộc đàm phán nào nhằm chấm dứt xung đột Nga - Ukraine.
Trước đó, hôm 29/11, trong một cuộc trả lời phỏng vấn Sky News, ông Zelensky bất ngờ tuyên bố, Ukraine có thể ký thỏa thuận ngừng bắn với Nga nếu các vùng lãnh thổ Ukraine hiện kiểm soát được đặt dưới sự bảo trợ của NATO, trong khi các vùng bị Nga kiểm soát sẽ khôi phục sau này thông qua con đường ngoại giao.
Đây là một trong những tín hiệu gần đây cho thấy sự điều chỉnh trong lập trường của Kiev về đàm phán với Moscow. Trước đây chính quyền của ông Zelensky khẳng định không nhượng bộ về lãnh thổ, và quyết theo đuổi chiến thắng trên chiến trường. Tuy nhiên, hiện giờ, Kiev phát tín hiệu ưu tiên các cam kết an ninh hơn để đảm bảo Nga không thể phát động một chiến dịch tấn công nào khác trong tương lai.
Tổng thống Zelensky nói, nếu Ukraine gia nhập NATO trong thời chiến, Điều 5 về phòng thủ tập thể của NATO, có thể không áp dụng cho toàn bộ lãnh thổ của nước này.
"Chúng tôi hiểu rằng nếu chúng tôi trở thành thành viên NATO, Điều 5 có thể không áp dụng cho toàn bộ lãnh thổ Ukraine bởi vì các nước thành viên phản đối nguy cơ bị kéo vào cuộc chiến", ông nói.
Về phần mình, ông Costa cho biết EU sẽ dành cho Ukraine sự hỗ trợ kiên định. "Chúng tôi đã sát cánh cùng các bạn kể từ ngày đầu tiên của cuộc chiến và các bạn có thể tin tưởng rằng chúng tôi sẽ tiếp tục sát cánh", ông nói.
Trong khi đó, bà Kallas nhấn mạnh, EU "không nên loại trừ bất cứ điều gì" liên quan đến kịch bản gửi quân đội châu Âu đến giúp thực thi bất kỳ lệnh ngừng bắn tiềm năng nào giữa Nga và Ukraine.
Bà Kallas cho biết, EU sẽ sử dụng "ngôn ngữ giao dịch" để cố gắng thuyết phục Tổng thống đắc cử Mỹ Trump rằng việc ủng hộ Kiev là vì lợi ích của Mỹ. "Viện trợ cho Ukraine không phải là từ thiện. Một chiến thắng dành cho Nga chắc chắn sẽ khuyến khích Trung Quốc, Iran, Triều Tiên", bà phân tích.
Theo dữ liệu của Viện Kiel, châu Âu đã chi khoảng 125 tỷ USD để hỗ trợ Ukraine kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra đầu năm 2022, trong khi riêng Mỹ viện trợ hơn 90 tỷ USD.
Theo AFP