- Ở chương trình phổ thông mới,ươngtrìnhmônToánsẽgiảmnhẹyêucầuvềgiảibàitậpbỏcácbàimẹovàlắtlékết quả giải vô địch argentina khoảng 21% tổng thời lượng chương trình môn Toán được dành cho các nội dung về ứng dụng Toán học. Sẽ giảm nhẹ yêu cầu về giải bài tập, cương quyết không đưa vào các dạng bài tập mẹo mực, lắt léo.
Đó là một trong những nội dung được GS Đỗ Đức Thái, Chủ biên chương trình môn Toán – chương trình phổ thông mới chia sẻ với VietNamNet:
- Thưa ông, ông có thể cho biết chương trình môn Toán trong chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng trên quan điểm nào?
- Chương trình môn Toán được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của người học, đặc biệt năng lực giải quyết các vấn đề trong thực tiễn cuộc sống, nhằm phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh.
GS Đỗ Đức Thái, Chủ biên chương trình môn Toán – chương trình phổ thông mới. Ảnh: Thanh Hùng. |
Để đạt được mục tiêu trên, chương trình môn Toán mới được ban soạn thảo xây dựng trên các phương châm: Tinh giản, thiết thực, hiện đại và khơi nguồn sáng tạo.
Nội dung phải tinh giản, phản ánh những giá trị cốt lõi, nền tảng của văn hóa toán học. Đây là nội dung nhất thiết phải được đề cập trong nhà trường phổ thông, phản ánh nhu cầu hiểu biết thế giới cũng như hứng thú, sở thích của người học.
Chương trình chú trọng tính ứng dụng thiết thực, gắn kết với đời sống thực tế và các môn học khác, gắn với xu hướng phát triển hiện đại của kinh tế, khoa học, đời sống xã hội và những vấn đề cấp thiết có tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, giáo dục tài chính...
Tính hiện đại của chương trình môn Toán sẽ giúp học sinh Việt Nam sau giai đoạn giáo dục phổ thông có thể hội nhập quốc tế, tham gia được vào thị trường lao động toàn cầu.
Chúng ta muốn đưa đất nước đi lên, muốn xây dựng một quốc gia khởi nghiệp thì phải có những con người sáng tạo. Do đó, giáo dục Toán học phổ thông cần khơi gợi sự sáng tạo ấy ở mỗi người học sinh.
Ngoài ra, chương trình mới sẽ kế thừa và phát huy những ưu điểm của chương trình hiện hành, có sự phân hóa để đáp ứng nhu cầu học Toán của học sinh. Quán triệt tinh thần “Toán học cho mọi người”, ai cũng được học Toán nhưng mỗi người có thể học Toán theo cách phù hợp với sở thích và năng lực cá nhân. Bên cạnh đó, chương trình có tính mở để thực hiện chủ trương “một chương trình nhiều bộ SGK”, dành không gian sáng tạo cho tác giả SGK và giáo viên khi dạy học.
- Ông vừa đề cập đến tính ứng dụng thiết thực của chương trình môn Toán mới. Vậy ông có thể chia sẻ rõ hơn về nội dung này?
- Chương trình mới thống nhất từ lớp 1 đến 12, có cấu trúc xoay quanh và tích hợp ba mạch kiến thức: Số và Đại số; Hình học và Đo lường; Thống kê và Xác suất.
Những nội dung về ứng dụng Toán học, những mạch kiến thức gắn liền với cuộc sống rất được chú trọng trong chương trình môn Toán mới, được dành thời lượng thích đáng trong tổng thời lượng chương trình môn Toán của cả 12 năm.
Cụ thể, chúng tôi dành khoảng 21% tổng thời lượng chương trình môn Toán của cả 12 năm cho nội dung về ứng dụng Toán học. Trong đó, khoảng 12% tổng thời lượng dành cho Thống kê và Xác suất và sẽ được dạy xuyên suốt từ lớp 2 đến lớp 12. Các giờ thực hành và hoạt động trải nghiệm môn Toán chiếm khoảng 9%, có trong tất cả lớp, cấp học.
Đối với những mạch kiến thức vốn có tính chất “hàn lâm” như Số học, Đại số hay Hình học, chúng tôi cũng tăng cường đòi hỏi tính ứng dụng trong yêu cầu cần đạt của từng chủ đề. Ví dụ khi học sinh học về diện tích hình chữ nhật… giáo viên phải giúp các em biết vận dụng kiến thức đó sẽ giải quyết những vấn đề của thực tế cuộc sống xung quanh. Hay chuyên đề học tập giới thiệu cho học sinh lớp 11 về đồ họa, vẽ kỹ thuật, giúp các em đọc được những bản vẽ cơ bản.
Một ví dụ khác, ở lớp 12, chương trình thiết kế chuyên đề ứng dụng Toán học trong các vấn đề liên quan đến tài chính, giúp học sinh biết vận dụng kiến thức toán học trong việc giải quyết một số vấn đề về lãi suất và vay nợ của các tổ chức tín dụng; biết vận dụng kiến thức toán học trong việc giải quyết một số vấn đề về đầu tư...
Với thời lượng lớn dành cho nội dung ứng dụng Toán học, chúng tôi tự tin học sinh sẽ rất thích thú với môn Toán vì thấy gần gũi với cuộc sống.
Ảnh minh họa: Thanh Hùng. |
Một điểm nhấn trong chương trình môn Toán mới là tăng cường mạch kiến thức về Thống kê và Xác suất và sẽ được dạy xuyên suốt từ lớp 2 đến lớp 12. Lần đầu tiên chương trình dành thời gian thích đáng để tiến hành các hoạt động trải nghiệm toán học cho học sinh ở từng lớp.
Những hoạt động đó sẽ giúp học sinh vận dụng những tri thức, kiến thức, kỹ năng, thái độ đã được tích luỹ từ giáo dục toán học và những kinh nghiệm của bản thân vào thực tiễn cuộc sống một cách sáng tạo; phát triển cho học sinh năng lực tổ chức và quản lý hoạt động, năng lực tự nhận thức và tích cực hoá bản thân; giúp học sinh bước đầu xác định được năng lực, sở trường của bản thân nhằm định hướng và lựa chọn nghề nghiệp; tạo dựng một số năng lực cơ bản cho người lao động tương lai và người công dân có trách nhiệm.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng muốn lưu ý thêm rằng nội dung môn Toán thường mang tính trừu tượng, khái quát. Do đó, để hiểu và học được Toán, chương trình Toán ở trường phổ thông cần bảo đảm sự cân đối giữa “học” kiến thức và “áp dụng” kiến thức vào giải quyết vấn đề cụ thể.
- Thưa ông, chương trình chung nhắc nhiều đến sự tích hợp liên môn, với môn Toán điều này sẽ được thể hiện như thế nào?
- Môn Toán ở trường phổ thông góp phần hình thành và phát triển phẩm chất, nhân cách học sinh; phát triển kiến thức, kỹ năng then chốt và tạo cơ hội để học sinh được trải nghiệm, áp dụng toán học vào đời sống thực tiễn; tạo dựng sự kết nối giữa các ý tưởng toán học, giữa Toán học với thực tiễn, giữa Toán học với các môn học khác, đặc biệt với các môn học thuộc lĩnh vực giáo dục STEM.
Chương trình có các nội dung, chủ đề liên quan hoặc các kiến thức toán học được khai thác, sử dụng trong các môn học khác như Vật lý, Hoá học, Sinh học, Địa lý, Tin học, Công nghệ,... Khai thác tốt những yếu tố liên môn nêu trên vừa mang lại hiệu quả với các bộ môn, vừa góp phần củng cố kiến thức môn Toán, cũng như góp phần rèn luyện cho học sinh năng lực vận dụng toán học vào thực tiễn.
Ví dụ, khi học về thống kê học sinh lớp 6 có thể thực hiện thu thập nhiệt độ của địa phương tại mốc thời gian nhất định trong một tuần lễ; tính trung bình cộng của nhiệt độ, từ đó đưa ra những nhận xét về biến đổi thời tiết của địa phương trong tuần. Như vậy, học sinh vừa được học về Toán, vừa nắm được kiến thức Địa lý và có ý thức giải quyết vấn đề của thực tiễn. Thông qua tiết học này, ta có thể dạy học sinh về biến đổi khí hậu, để các em có ý thức hơn về việc bảo vệ môi trường sống của mình. Vậy là, một tiết học của môn Toán đã thực hiện được đa mục đích, đây là điều môn Toán trước đây còn ít làm được.
Một ví dụ khác, các em học sinh phải biết sử dụng các kiến thức toán học về ba đường cônic vào giải thích một số hiện tượng, quy luật trong Quang học.
- Với những thay đổi của chương trình môn Toán mới, theo ông, phương pháp giáo dục cần thay đổi thế nào?
Chương trình môn Toán mới đòi hỏi giáo viên phải thay đổi thực sự phương pháp giáo dục. Mục tiêu, nội dung chương trình được xây dựng theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực, vì thế phương pháp dạy học cũng phải thay đổi cho phù hợp: phải đi từ cụ thể đến trừu tượng, từ dễ đến khó.
Ảnh minh họa: Thanh Hùng. |
Các giáo viên phải quán triệt tinh thần "lấy người học làm trung tâm", phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh và chú ý nhu cầu, năng lực nhận thức, cách thức học tập của từng cá nhân. Yêu cầu mới khiến người thầy cần tổ chức quá trình dạy học theo hướng kiến tạo, trong đó học sinh được tham gia tìm tòi, phát hiện, suy luận giải quyết vấn đề; linh hoạt trong việc vận dụng phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực…
Tuỳ theo mục tiêu, nội dung, đối tượng và điều kiện cụ thể mà có những hình thức tổ chức dạy học thích hợp như học cá nhân, học nhóm; học trong lớp, học ngoài lớp, tránh rập khuôn, máy móc. Kết hợp các hoạt động dạy học trong lớp học với hoạt động thực hành trải nghiệm, vận dụng kiến thức toán học vào thực tiễn. Thái độ học tập của học sinh có ảnh hưởng đáng kể đến cách mà họ tiếp cận giải quyết vấn đề và đạt hiệu quả trong học Toán. Giáo viên cần giúp học sinh phát triển niềm tin về vị trí, vai trò tích cực của Toán học đối với đời sống con người trong xã hội hiện đại, cần khuyến khích học sinh phát triển hứng thú, sự sẵn sàng học hỏi, tìm tòi, khám phá để có thể trở thành con người thành công trong học tập bộ môn Toán.
Tinh thần chung của chương trình môn Toán mới là giảm nhẹ yêu cầu về giải bài tập, cương quyết không đưa vào các dạng bài tập mẹo mực, lắt léo. Những bài tập như thế về cơ bản chỉ để phục vụ việc thi cử chứ không giúp hình thành và phát triển năng lực cho người học. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan hiện nay và phản ứng của dư luận xã hội về việc con em học toán vô cùng vất vả mà không biết để làm gì.
Xin cảm ơn ông!
Thanh Hùng(thực hiện)
Nội dung chương trình môn Toán ở chương trình phổ thông mới sẽ tinh giản nhiều so với chương trình hiện hành, chú trọng tính ứng dụng thiết thực, gắn kết với đời sống thực tế.