Lão hóa da là quá trình suy giảm chất lượng,ênnhângâylãohóbongdanet. mật độ da, kết cấu collagen và elastin dưới da dần lỏng lẻo. Hàng rào bảo vệ da yếu đi và dễ bị tổn thương bởi các yếu tố môi trường.
Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích, Trưởng chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết da bắt đầu lão hóa từ 25 tuổi trở đi do tốc độ thay thế các tế bào da chết chậm lại, giảm dần tốc độ sản xuất collagen. Da ở độ tuổi 30-40 giảm tổng hợp collagen, bắt đầu xuất hiện các nếp nhăn li ti. Ở tuổi 40-50, các sợi elastin, hyaluronic axit (chất có vai trò làm đầy và ẩm da) giảm khiến da khô, tóc cũng rụng nhiều hơn và bạc. Từ 50-60 tuổi, da xuất hiện các nếp nhăn sâu, khô, tóc thưa và bạc màu. Da khô sạm, có xu hướng chảy xệ, kém săn chắc, xuất hiện đốm nám, đồi mồi, nếp nhăn... trước 35 tuổi thì đây là dấu hiệu của tình trạng lão hóa sớm.
Lão hóa da là một trong những triệu chứng của lão hóa toàn cơ thể. Các nguyên nhân khác có thể đến từ nhiều yếu tố.
Di truyền
Tế bào chết đi sau 40-60 chu kỳ sao chép. Telomere ở các đầu nhiễm sắc thể có nhiệm vụ bảo đảm sự bền vững của nhiễm sắc thể, chống lại thoái hóa có hại, sự tái tổ hợp sai lệch và điều hòa gene. Mỗi lần phân chia, tái tổ hợp gene, các nhiễm sắc thể đều mất một số lượng nhỏ DNA của telomere. Khi các telomere trở nên quá ngắn, các nhiễm sắc thể kém bền vững, hậu quả là các tế bào không thể phân chia được nữa, dẫn đến lão hóa.
Gốc tự do
Gốc tự do sinh ra do chính hoạt động sống của mỗi tế bào và do tác động của môi trường sống (tia phóng xạ, các bức xạ có năng lượng cao, tia tử ngoại, bụi, các chất độc). Gốc tự do có khả năng tương tác với tất cả các phân tử của những tế bào bên cạnh nó, gây xáo trộn hoạt động của các ty lạp thể, phá vỡ hoàn toàn màng tế bào, làm hư hại gene di truyền hoặc hủy hoại toàn bộ tế bào.
Hormone
Hormone tăng trưởng (GH) được sản xuất ở tuyến yên, liên quan mật thiết với tuổi già. Lượng hormone GH phóng thích vào hệ tuần hoàn đạt tối đa lúc 20 tuổi và sau đó giảm dần. Đến tuổi 60, lượng hormone GH chỉ bằng khoảng 15-20% so với lúc trẻ. Hormone GH được phóng thích từ tuyến yên vào máu trong khi ngủ, kích thích sự tổng hợp collagen. Khi có tuổi, cơ thể giảm hormone GH làm giảm tổng hợp collagen dẫn đến nhăn da, yếu cơ xương khớp.
Môi trường
Ô nhiễm môi trường, lối sống, tâm lý, chế độ ăn... cũng tác động lên quá trình lão hóa. Căng thẳng, ngủ không đủ giấc, chất lượng giấc ngủ kém, ít vận động làm chậm quá trình trao đổi chất, giảm sức đề kháng. Ô nhiễm môi trường, môi trường có nhiều bức xạ, hút thuốc lá (chủ động và thụ động) khiến cơ thể lão hóa nhanh hơn. Dùng nhiều bia rượu, ăn thực phẩm nhiều đường, nhiều chất béo đều có thể là nguyên nhân.
Theo bác sĩ Bích, có nhiều phương pháp cải thiện lão hóa da. Tùy vào dấu hiệu và mức độ, bác sĩ có thể tư vấn các phương pháp điều trị bằng dược mỹ phẩm hoặc thẩm mỹ nội khoa. Người bị da khô, xuất hiện đốm nám, sạm da nên thoa kem dưỡng ẩm và các tinh chất chuyên biệt giúp dưỡng da, duy trì độ ẩm, hạn chế khô và ngứa. Ngoài ra, còn có các phương pháp điều trị nám bằng thuốc thoa, thuốc uống, chiếu laser, peel da...