Thực hiện phương châm: “Đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, hình thành chính quyền số để thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, xây dựng đô thị thông minh”, thời gian qua, thị trấn Phong Sơn (Cẩm Thủy) đã từng bước thực hiện dựa trên 4 trụ cột chính: chính quyền số; kinh tế số; xã hội số và nền tảng công nghệ số, tạo bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tạo động lực thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS) trong mọi hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân...
Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phong Sơn Nguyễn Công Hoan chia sẻ: Thị trấn Phong Sơn đã hoàn thành 37 tiêu chí CĐS năm 2022. Trên cơ sở hoàn thành các tiêu chí CĐS của tỉnh, thị trấn đang tiếp tục phấn đấu thực hiện 54 chỉ tiêu CĐS do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành.
Đến nay, 100% cán bộ, công chức thị trấn đã thực hiện thành thạo làm việc trên môi trường điện tử; 100% văn bản tạo lập, hồ sơ công việc, ban hành văn bản và ký số; hệ thống thông tin một cửa điện tử hoạt động hiệu quả, tỷ lệ tiếp nhận và giải quyết TTHC đạt 100%; công tác tuyên truyền, phổ biến các ứng dụng nền tảng công nghệ thông tin (CNTT), CĐS đến với người dân hiệu quả...
Đặc biệt, thị trấn Phong Sơn đã thực hiện tốt và vượt chỉ tiêu nhiều tiêu chí khó như: hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến kết nối thông suốt từ Trung ương, tỉnh, huyện, thị trấn đến tất cả 28 điểm cầu tại các đơn vị, tổ dân phố trên địa bàn; hệ thống camera an ninh được tổ chức thực hiện bài bản, xây dựng đề án, thực hiện có lộ trình, mô hình hiệu quả và huy động được sự chung tay, đồng lòng tích cực tham gia ủng hộ của Nhân dân trong công tác xã hội hóa; tỷ lệ người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 99,6% (trong đó có 54,2% đã đăng ký dịch vụ online, khám chữa bệnh từ xa); tỷ lệ hộ gia đình thanh toán tiền điện hàng tháng bằng hình thức không dùng tiền mặt đạt 98%; tỷ lệ người dân 15 tuổi trở lên có các tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt” đạt trên 86,9%...
Để thích ứng với tình hình mới và tận dụng cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư mang lại, Ban Chấp hành Đảng ủy xã Trung Hạ (Quan Sơn) cũng đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/ĐU về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó, nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình CĐS tại địa phương.
Để thực hiện, xã đã đầu tư hệ thống truyền thanh thông minh, hệ thống camera an ninh trật tự... góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, kịp thời nhắc nhở các hành vi, hiện tượng đổ rác sai quy định, tình trạng tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm... Qua đó, hạn chế các hành vi trộm cắp vặt, đánh nhau gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Xã Trung Hạ đã tập trung đầu tư nâng cấp hệ thống máy tính, đường truyền Internet; bộ phận một cửa được trang bị đầy đủ thiết bị phục vụ cho giải quyết thủ tục hành chính; hạ tầng mạng băng thông rộng cố định đã phủ đến 100% khu vực dân cư; các ứng dụng phục vụ xây dựng chính quyền số được triển khai hiệu quả: 100% cán bộ, công chức sử dụng chữ ký số; 100% văn bản đi, đến được xử lý qua môi trường mạng; 100% ký số văn bản được duyệt chuyển phát hành trên phần mềm văn phòng điện tử văn bản điều hành; 100% cán bộ, công chức xã có tài khoản phần mềm văn bản điều hành tác nghiệp phục vụ công việc...
Là địa phương miền núi có nhiều lợi thế về các sản phẩm đặc trưng vùng miền, nhờ ứng dụng công nghệ, các hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn xã đã đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng như: kiệu muối chua ống luồng của hộ kinh doanh Ngân Thị Đoàn; mật ong rừng Mường Chự của hộ kinh doanh Hà Văn Tú... trên các sàn thương mại điện tử, zalo, facebook... góp phần quảng bá hình ảnh, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trên môi trường mạng.
Giai đoạn 2022-2025, huyện Quan Sơn có 7 xã, thị trấn được giao hoàn thành các tiêu chí CĐS cấp xã, hiện đã có 3 địa phương là: thị trấn Sơn Lư, xã Trung Hạ, xã Mường Mìn hoàn thành nhiệm vụ.
Hạ tầng kỹ thuật CNTT trên địa bàn huyện được đầu tư đồng bộ, hiện đại, đáp ứng việc ứng dụng CNTT, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành trên môi trường mạng của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn huyện, đảm bảo cung cấp dịch vụ, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Bên cạnh đó, 100% cán bộ, công chức, viên chức từ cấp huyện đến cấp xã được trang bị máy tính làm việc; 100% các cơ quan, đơn vị cấp huyện và cấp xã đã có mạng LAN nội bộ và kết nối mạng Internet tốc độ cao phục vụ công tác.
Việc khai thác có hiệu quả các hệ thống thông tin, ứng dụng dùng chung đều đã mang lại những lợi ích thiết thực và được các doanh nghiệp, người dân đánh giá cao, góp phần thúc đẩy quá trình CĐS của huyện.
Quan Sơn cũng đã cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến toàn trình và cập nhật đầy đủ các TTHC của huyện; công khai toàn bộ quy trình giải quyết TTHC, kết quả giải quyết TTHC, trong đó cấp huyện có 124/254 dịch vụ công toàn trình/một phần, cấp xã có 56/202 dịch vụ công toàn trình/một phần...
Với những nỗ lực thực hiện nhiệm vụ CĐS tại các huyện miền núi của tỉnh đã góp phần hiện đại hóa nền hành chính công, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc thay đổi phương thức sống và làm việc, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động, từng bước xây dựng xã hội số với những thói quen, văn hóa mới...
Tuy nhiên, việc tiếp cận và thực hành những ứng dụng, nền tảng CNTT mới, kỹ năng của một số cán bộ, công chức còn lúng túng; hệ thống cơ sở hạ tầng CNTT, nhân sự chuyên trách CNTT chưa được đào tạo; một số lãnh đạo, cán bộ, công chức các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng, tính cấp bách của CĐS; tư duy trong CĐS chậm đổi mới; CĐS trong các ngành, lĩnh vực còn chậm, có những lĩnh vực chưa thực hiện, đặc biệt đối với các ngành, lĩnh vực có lợi thế như nông nghiệp, du lịch, y tế...; kinh phí dành cho hoạt động CĐS hạn hẹp... còn là những “rào cản”, cần sớm có cơ chế, chính sách tháo gỡ.
Theo LINH HƯƠNG(Báo Thanh Hóa)