40 năm công tác trong ngành giáo dục ở cả vai trò giáo viên và nhà quản lý,ựuhiệutrưởngtrườngTHPTBỏkỳthitốtnghiệpTHPTsẽíchnướclợinhàxep hang đuc trong đó có nhiều năm làm hiệu trưởng trường trung học phổ thông, TS Nguyễn Hoàng Chương - nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Lộc Phát, Lâm Đồng - khẳng định đến thời điểm này cần bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT để dồn nguồn lực cho hành trình đổi mới giáo dục.
VietNamNet xin được giới thiệu ý kiến của TS Chương về vấn đề giữ hay bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT quy mô toàn quốc (bài viết thể hiện quan điểm của tác giả).
“Háo hức” giải đề môn Vật lý để xem thi cử năm nay ra sao, chắc nhiều đồng nghiệp của tôi có chung nhận định: 30 câu đầu (trong tổng số 40 câu của đề thi) gần như thuộc vùng nhận biết, 10 câu còn lại ở mức thông hiểu, vận dụng (không lạ). Chắc là Bộ GD-ĐT theo hướng một kỳ thi không căng thẳng, áp lực cho học sinh, gia đình các em và cả cho các trường có học sinh lớp 12 dự thi.
Đồng thời đến nay, một số đại học, trường đại học công bố tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực khá rầm rộ. Tính đến thời điểm này có 11 kỳ thi tuyển sinh riêng xét tuyển đại học, có lẽ con số này còn tăng. Tiếng là kỳ thi riêng nhưng được nhiều trường đại học sử dụng chung kết quả để tuyển sinh cho cơ sở của mình.
Chẳng hạn, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội có 60 trường sử dụng kết quả, kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội có gần 30 trường sử dụng kết quả, kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM có hơn 80 trường sử dụng kết quả….
ĐH Quốc gia TP.HCM vừa thông báo đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023 của trường đã có 91.445 thí sinh đăng ký dự thi - đông nhất từ trước đến nay.
Trước tình hình trên, không ít người trong (cả ngoài) ngành giáo dục đặt lại vấn đề, nên giữ hay bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT ở giai đoạn này?
Đề thi tham khảo năm nay, hầu hết các môn, giáo viên đều nhận xét, học sinh chỉ cần học - ôn kiến thức cơ bản thì hoàn toàn có thể đạt điểm 8. Vậy, theo đúng tên gọi - kỳ thi tốt nghiệp THPT - với yêu cầu của đề thi (nhìn từ đề thi tham khảo) thì có cần phải tổ chức kỳ thi cấp quốc gia, vừa cồng kềnh, tốn kém mà chỉ tìm ra một số rất ít các em trượt?
Địa phương tôi - tỉnh Lâm Đồng, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, có 8 trường THPT trên địa bàn có học sinh dự thi thì... 1 em hỏng!
Có ý kiến cho rằng, nếu không thi, trò không học, thầy cô vơi động lực, quản lý trường “chạy thành tích” nên công tác dạy học thiếu chặt chẽ, thậm chí có nơi buông lỏng… Nhận định đó, theo tôi, không còn phù hợp.
Thực tế hiện nay, sự cạnh tranh (tích cực) giữa các trường THPT, Trung tâm Giáo dục thường xuyên, giữa trường công lập với tư thục để trường tồn tại, phát triển - không cho phép có bất kỳ sơ sẩy nào đối với quản lý dạy học, giáo dục.
Bên cạnh đó còn có công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra của ngành giáo dục, của cấp ủy, chính quyền địa phương, của học sinh, phụ huynh và thầy cô giáo. “Vạn bất đắc” là xử lý rốt ráo, nghiêm khắc, chứ còn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp làm gì cho hao phí tiền của Nhà nước, phụ huynh?
Tôi cho rằng với đề tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, có thể nói, tới đây, kỳ thi chính thức, kết quả tốt nghiệp rồi sẽ… “4 số 9”.
Cũng có ý kiến một số đại học, trường đại học lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT xét tuyển sinh cho đơn vị mình. Thực tế cho thấy, các cơ sở giáo dục đại học có nhiều phương thức xét tuyển, có xu hướng nghiêng về kỳ thi đánh giá năng lực, ngày càng nhiều học sinh 12 đăng ký dự thi. Điều này đòi hỏi Bộ GD-ĐT với tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, cần nhanh chóng thay đổi phương thức đánh giá đầu ra đối với học sinh lớp 12: Tinh gọn để nâng chất đánh giá, theo hướng, các cơ sở giáo dục (phổ thông) công nhận tốt nghiệp THPT (có sự giám sát chặt chẽ từ Sở GD-ĐT, cộng đồng và giữa các nhà trường với nhau). Nếu thực hiện, thực chất là giao quyền tự chủ, trên cơ sở đó, dạy - học phù hợp với từng học sinh, giúp các em vững vàng khởi nghiệp.
Nên bỏ đi một kỳ thi (tốt nghiệp THPT) “hình thức”, thêm nguồn lực cho hành trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Tự chủ tuyển sinh là một nội dung trong tự chủ đại học. Hãy để các đại học, trường đại học chủ động, tích cực xây dựng phương thức tuyển sinh không dựa dẫm “hai trong một”, hay chứ, tại sao không?
Chúng ta nói nhiều và luôn mong mỏi đánh giá quá trình học tập ở THPT diễn ra công bằng, khách quan, trung thực. Muốn vậy, hãy bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT phủ bóng “thành tích”, lãnh đạo các trường phổ thông “quẳng gánh lo đi” để dạy thật, học thật, kiểm tra thật và nhân văn hơn. Trong quá trình này, không một học sinh nào bị bỏ rơi vì các em được đánh giá đúng, trúng với năng lực bản thân.
Quản lý nhà trường theo quỹ đạo đó, thầy cô xây dựng kế hoạch giáo dục theo mục tiêu đó - sẽ là những viên gạch quan trọng xây ngôi trường hạnh phúc. Bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, đó là phương án tối ưu trong giai đoạn hiện nay và cả cho giai đoạn từ 2025 trở đi.
Đồng thời, khi rũ bỏ được việc lo liệu cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, học trò thêm thời gian hoạt động trải nghiệm, đầu tư có trọng tâm nhằm hiện thực mong ước tương lai, thêm cơ hội thành công phía trước. Gia đình học sinh bớt đi lo lắng, cả những bức xúc khi không còn phải theo guồng quay kỳ thi tốt nghiệp THPT. Phụ huynh thoải mái hơn khi chăm lo cho con em, vì thế, thực chất và hiệu quả hơn - “lợi nhà” rồi! Còn “ích nước” ư - niềm tin của phụ huynh nhân lên, nguồn lực nào cho giáo dục sánh bằng?
Các trường không còn phải chạy theo kỳ thi tốt nghiệp THPT, tâm và lực dồn cho thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và các hoạt động giáo dục khác, góp thêm niềm vui mỗi ngày đến trường.
Bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, tôi mong lắm!
Nguyễn Hoàng Chương
Kỳ 4: Trong 7 năm, một địa phương 4 lần xin tự chủ xét và công nhận tốt nghiệp