Ở tuổi 85,ởcửavàogiảiphóngSàiGòkqbd áo Thượng tướng Nguyễn Trọng Xuyên, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Quốc phòng vẫn khỏe khoắn và minh mẫn đến lạ thường. Cái chất mộc mạc của ông khiến chúng tôi xúc động. Lời kể của ông như những thước phim chân thực về cuộc chiến đấu mở cửa tiến vào giải phóng Sài Gòn mùa xuân năm 1975. Lúc đó ông là Tư lệnh Quân khu 6 kiêm Tư lệnh Sở chỉ huy Hậu phương (tại Phan Rang) trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Chuẩn bị cho “thời cơ lớn có thể đến”
Sau hơn chục năm, tôi mới có dịp gặp lại Thượng tướng Nguyễn Trọng Xuyên và thật bất ngờ, ông nhớ họ, tên và cả những lần tôi phỏng vấn ông tại kỳ họp Quốc hội khóa IX. Căn nhà ông ở mang dấu ấn từ thời bao cấp, cả về đường nét kiến trúc và những đồ dùng trong nhà. Giọng nói vang trầm ấm, ông đã lôi cuốn tôi hồi tưởng lại lịch sử 35 năm trước, khi đó ông là Tư lệnh Quân khu 6 (nay là vùng đất thuộc các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng và Đắc Nông-PV) .
Đồng chí Lê Đức Thọ, đại diện Bộ Chính trị gặp gỡ các đồng chí Khu ủy Khu 6. Ảnh tư liệu
Theo Thượng tướng Nguyễn Trọng Xuyên, Quân khu 6 có vị trí trọng yếu về mặt quân sự. Đây là địa bàn nằm giữa và nối liền miền Đông Nam Bộ với Tây Nguyên và miền Trung Trung Bộ. Quân khu 6 cũng là cửa ngõ hướng tiến công chính của ta vào Sài Gòn (sào huyệt cuối cùng của địch) từ phía đông và đông bắc. Vì vậy, cả địch và ta đều quyết tâm giữ vị trí chủ động trên chiến trường này.Thượng tướng Nguyễn Trọng Xuyên kể rằng, thực tế việc chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 của Quân khu 6 (ông quen gọi là Khu 6 – PV) được bắt đầu từ tháng 8 năm 1974. Tại cuộc họp Khu ủy mở rộng, sau khi nghiên cứu tình hình thực tế, kết hợp với sự chỉ đạo của cấp trên, Hội nghị Khu ủy nhận định: “Tình hình hết sức khẩn trương, thời cơ lớn có thể đến”. Do đó, mặc dù tình hình trong Khu có nhiều khó khăn, nhưng Hội nghị vẫn quyết tâm: “Phấn đấu trong những tháng cuối năm 1974 và đầu năm 1975 sẽ đánh bị về cơ bản kế hoạch bình định lấn chiếm của địch, giành cho được một bước thắng lợi mới, toàn diện cả phía trước lẫn phía sau, cả tiến công và xây dựng, làm thay đổi so sánh lực lượng hoàn toàn có lợi cho ta”.
Để chuẩn bị cho “Thời cơ lớn có thể đến”, công tác bảo đảm hậu cần, vũ khí đạn dược đã được tiến hành hết sức khẩn trương. Trước đó, để bảo đảm lương thực, thực phẩm tại chỗ, góp phần hỗ trợ các đơn vị chủ lực của Bộ, Khu 6 đã xây dựng được 3 khu sản xuất lớn dưới dạng nông trường, vỡ hoang được gần một nghìn mẫu đất đồi rừng trồng ngô, sắn; làm được ba trăm héc-ta lúa nước. Cuối năm 1974, Khu 6 đã có gần năm nghìn lạng vàng dự trữ…
Tháng 4 năm 1975, Sở chỉ huy tiền phương của Khu 6 được chuyển thành Sở chỉ huy hậu phương của Chiến dịch Hồ Chí Minh (đóng tại Phan Rang). Đồng chí Nguyễn Trọng Xuyên được giao làm Tư lệnh của Sở chỉ huy này với nhiệm vụ chủ yếu là bảo đảm lương thực, thực phẩm, xăng dầu cho các cánh quân chủ lực của ta tiến vào giải phóng Sài Gòn đồng thời tiếp nhận thương, bệnh binh vào điều trị tại Phan Rang. Lúc này, hàng hóa do Khu 6 chuẩn bị từ trước được dịp tung ra, góp phần phục vụ cho đại quân của ta tiến vào giải phóng Sài Gòn.
Kể lại những năm tháng chuẩn bị cho “Thời cơ lớn có thể đến” ở chiến trường Khu 6, Thượng tướng Nguyễn Trọng Xuyên nhắc nhở chúng tôi: Đây là bài học lớn cho công tác bảo đảm hậu cần của ta, kể cả cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc sau này.
Bài học về chiến tranh nhân dân
Nhớ lại thế trận cuối năm 1974, đầu năm 1975 trên chiến trường Khu 6, Thượng tướng Nguyễn Trọng Xuyên khẳng định với tôi “Việc giải phóng hai huyện Tánh Linh và Hoài Đức (nay thuộc địa bàn tỉnh Bình Thuận – PV) có vị trí quan trọng trong toàn bộ chiến dịch, nó được xem như là “bàn đạp” để giải phóng toàn Khu 6, “mở cửa” cho đại quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn”.
Theo lệnh của Bộ Tư lệnh Miền, Quân khu 6 phối hợp với các đơn vị bạn “nhổ hai cái đinh” là chi khu Hoài Đức và chi khu Tánh Linh. Qua ba ngày đêm chiến đấu tiến công, Khu 6 đã tiêu diệt được cứ điểm trên núi Lồ Ồ, tiêu diệt chi khu Tánh Linh, giải phóng toàn huyện Tánh Linh. Thế nhưng đến khi tấn công chi khu Hoài Đức thì lại gặp rất nhiều khó khăn. Sư đoàn 6 (thuộc Quân khu 7) đánh đi đánh lại vẫn không tiêu diệt được chi khu Hoài Đức. Theo lệnh của Bộ Tư lệnh Miền, sư đoàn 6 giao chi khu Hoài Đức lại cho Khu 6 đánh, còn sư đoàn rút về Quân khu 7.
Đồng chí Nguyễn Trọng Xuyên được Bộ Tư lệnh Miền giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy bộ đội ta tấn công chi khu Hoài Đức. “Để chuẩn bị cho việc “nhổ cái đinh Hoài Đức”, tôi đã ra lệnh cho các đơn vị chủ lực trong Khu phối hợp với bộ đội địa phương và nhân dân “bóc vỏ” diệt gọn các cứ điểm nhỏ xung quanh chi khu. Lúc 3 giờ sáng ngày 20-3-1975, sau gần một giờ pháo bắn chuẩn bị, công binh, đặc công mở cửa, các mũi tiến công mau chóng thọc sâu vào sở chỉ huy chi khu. Đến 6 giờ sáng, ta làm chủ đại bộ phận chi khu, tiếp tục diệt các ổ đề kháng và tàn quân còn chống cự. Cùng ngày ta giải phóng hết các ấp chiến lược thuộc huyện Hoài Đức. Sáng sớm ngày 20-3-1975, địch đổ quân hòng chiếm lại chi khu, nhưng đã bị bộ đội ta tiêu diệt, số còn lại chạy tán loạn về phía Đồng Nai” – Thượng tướng Nguyễn Trọng Xuyên kể lại rành rọt như trận đánh mới diễn ra trong ngày hôm qua.
Sau khi giải phóng được Hoài Đức, Khu 6 phối hợp với lực lượng của Quân đoàn 4 tiến hành giải phóng tỉnh Lâm Đồng đồng thời chỉ đạo các địa phương “Không được trông chờ ỷ lại vào chủ lực, mà phải nỗ lực “Xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh”… Đến ngày 23-4, toàn bộ Khu 6 đã được giải phóng, mở rộng đường tiến vào Sài Gòn từ hướng đông và đông bắc cho các binh đoàn chủ lực trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Buổi trò chuyện với Thượng tướng Nguyễn Trọng Xuyên đã kéo dài quá 3 tiếng đồng hồ mà chúng tôi không thấy vị lão tướng ở cái tuổi ngoại bát thập tỏ chút mệt mỏi. Theo đồng chí Thượng tướng, việc giải phóng Khu 6 để mở cửa cho đại quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn có sự đóng góp to lớn của nhân dân và lực lượng vũ trang địa phương với phương châm “Xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện…”, nhưng nếu không có sự chi viện và những “quả đấm thép” của bộ đội chủ lực thì các địa phương chắc chắn sẽ gặp khó khăn, một số địa phương không thể giải phóng được. “Thực tế ở Khu 6 trong những năm tháng chống Mỹ đã cho tôi bài học quý về cuộc chiến tranh nhân dân, trong đó có khâu bảo đảm hậu cần, xây dựng thế trận lòng dân”- Thượng tướng Nguyễn Trọng Xuyên nhấn mạnh.
Đỗ Phú Thọ
(THEO QĐND)