Trong khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden duy trì cam kết cung cấp hỗ trợ tài chính và quân sự cho Ukraine tới chừng nào cần thiết, vẫn có những lo ngại về nguy cơ Washington cắt viện trợ sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên thệ nhậm chức vào đầu năm sau.
Theo báo cáo của Tổng thanh tra Lầu Năm Góc công bố hôm 14/11, quốc hội Mỹ đã phân bổ gần 183 tỷ USD cho Ukraine kể từ khi xung đột với Nga nổ ra hồi tháng 2/2022.
Trong tổng số khoản viện trợ trên, khoảng 131,36 tỷ USD đã được chuyển cho các hoạt động liên quan đến an ninh. Trong đó bao gồm 45,6 tỷ USD dành cho việc tăng cường sự hiện diện của quân đội Mỹ tại châu Âu và gần 46 tỷ USD để thay thế vũ khí được cung cấp cho Ukraine. Ngoài ra, gần 44 tỷ USD được phân bổ cho các chương trình quản lý, bao gồm cả tiền lương cho các công chức Ukraine và 4 tỷ USD cho viện trợ nhân đạo.
Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) đã phân bổ 3,9 tỷ USD hỗ trợ ngân sách trực tiếp bổ sung cho Ukraine, đây là một phần của khoản bổ sung trị giá hơn 7,8 tỷ USD được phê duyệt vào tháng 4.
Khoản hỗ trợ ngân sách này tạo điều kiện cho các hoạt động đang diễn ra của chính phủ và cung cấp các dịch vụ thiết yếu tại Ukraine. Khoản tài trợ bao gồm tiền lương cho công chức và nhân viên trường học ở Ukraine.
Ngoài ra còn có tiền hỗ trợ cho những người phải di dời trong nước, cho các gia đình có thu nhập thấp, cũng như trợ cấp nhà ở và tiện ích.
Theo báo cáo trên, Mỹ đã cung cấp một loạt các thiết bị quân sự cho Ukraine, bao gồm xe bọc thép, đạn dược, vũ khí, pháo binh. Các gói viện trợ đặc biệt bao gồm xe chiến đấu Bradley, loại xe mà quân đội Ukraine ưa chuộng hơn xe tăng Abrams.
Đồng thời, các chuyên gia bảo dưỡng của Mỹ tiếp tục hỗ trợ từ xa thông qua các kênh liên lạc an toàn.
Trong khi đó, bất kể sự hỗ trợ tài chính và quân sự dành cho Ukraine có gia tăng hay không, Moscow vẫn đặt mục tiêu hoàn thành các mục tiêu an ninh quốc gia trong cuộc xung đột này.
Theo RT