Vào ngày 21/9, binh sĩ thuộc Lữ đoàn bộ binh cơ giới độc lập số 56 của Lực lượng vũ trang Ukraine (AFU) Serhiy Gnezdilov, đã thông báo trên Facebook rằng anh sẽ đào ngũ. Theo lệnh thiết quân luật của Ukraine, điều đó có nghĩa là anh có khả năng bị phạt tù từ 5 đến 10 năm.
Chia sẻ với Kyiv Post, Gnezdilov cho biết anh hiểu mình đã phạm tội và sẵn sàng chấp nhận nếu bị trừng phạt, nhưng vẫn lựa chọn rời bỏ hàng ngũ.
Tại Lữ đoàn 56, một cuộc điều tra nội bộ đã được tiến hành. Những người đồng đội của Gnezdilov chia thành hai phe. Trong khi, một số lên án gay gắt bài đăng của anh là cổ súy cho việc đào ngũ, thì những người khác, mặc dù họ cũng lên án anh, nhưng họ hiểu cho anh vì nhiều binh sĩ trong đơn vị này đã chiến đấu trên tiền tuyến hơn 2 năm qua mà không được nghỉ ngơi.
Theo Văn phòng Tổng công tố Ukraine, hơn 60.000 vụ án hình sự đã được khởi tố vì tội rời bỏ đơn vị hoặc đào ngũ trái phép kể từ năm 2022, trong đó gần một nửa số vụ xảy ra trong năm nay. Vậy điều gì đã khiến hàng chục nghìn binh sĩ Ukraine lựa chọn đào ngũ?
Theo Kyiv Post, một trong những lý do chính là Ukraine thiếu quân để điều động luân phiên thay thế lực lượng chiến đấu trên tiền tuyến. Các lữ đoàn hiếm khi được nghỉ ngơi và phải chiến đấu liên tục trên mặt trận kéo dài hơn 1.000km.
Điều này buộc những người lính phải ở lại tiền tuyến trong một thời gian rất dài mà không được nghỉ ngơi. Với tình hình giao tranh dữ dội liên tục và các đơn vị chiến đấu sẽ kiệt sức và nảy sinh tâm lý chán nản.
Một số người đã liên tục ở trong vùng chiến sự kể từ tháng 2/2022. Họ chỉ có thể có kỳ nghỉ ngắn 10 ngày với tần suất 2 lần một năm. Một số binh lính đã không về nhà hoặc gặp gia đình trong hơn một năm.
"Đây là kỳ nghỉ thứ 3 của tôi trong 2 năm chiến tranh. Kỳ nghỉ đầu tiên là 5 ngày vào năm 2022, kỳ nghỉ thứ hai vào mùa thu năm 2023 trong 10 ngày, và bây giờ cũng là 10 ngày.
Mỗi năm một lần, tôi chỉ gặp gia đình mình trong hơn một tuần một chút, gần như cả năm tôi ngủ trong chiến hào và ăn đồ thừa, trong khi tôi liên tục bị đạn pháo bắn trên đầu. Không chỉ là mệt mỏi. Tất nhiên, tôi không chạy trốn, nhưng tôi hiểu những người đào ngũ. Nếu họ được nghỉ ngơi, họ sẽ quay trở lại", Oleksii, một người lính cấp cao từ một lữ đoàn cơ giới AFU, tỏ ra thông cảm.
"Khi chúng tôi được hứa sau nhiều tháng chiến đấu liên tục sẽ có ít nhất một tháng để nghỉ ngơi, và sau đó chúng tôi không được như vậy, một số thành viên của đơn vị đã mất bình tĩnh. Khoảng 15 người đã đào ngũ, họ đã rất mệt mỏi", một quân nhân cho hay.
Vòng luẩn quẩn
Việc không thể cho binh lính nghỉ ngơi đầy đủ gây ra một vòng luẩn quẩn: Binh sĩ mệt mỏi, kiệt sức và đào ngũ, từ đó tình trạng thiếu người trở nên trầm trọng hơn và lại càng khó sắp xếp cho các quân nhân nghỉ hơn.
Ngoài ra, một số binh sĩ Ukraine cảm thấy không công bằng vì trong khi họ phải liên tục phục vụ trên tuyến đầu thì nhiều quân nhân tuyến sau chưa bao giờ được điều động lên phía trên để chiến đấu.
Theo Kyiv Post, quy mô đào ngũ đã trở nên nghiêm trọng tới mức Verkhovna Rada (Quốc hội Ukraine) đã thông qua Luật số 11322 vào ngày 20/8, trong đó quy định rằng lần đào ngũ đầu tiên của binh sĩ sẽ không bị khép vào tội hình sự. Luật này cho phép người lính trong lần đào ngũ đầu tiên có thể trở về đơn vị của mình mà không bị trừng phạt, nếu chỉ huy của anh ta đồng ý.
Ukraine cũng ra thêm luật huy động, nhằm lập một cơ sở dữ liệu điện tử về những người có thể tham gia quân đội. Điều này được cho sẽ giúp kiểm soát nam giới dễ hơn, và cũng giúp thúc đẩy huy động thêm lực lượng ra tiền tuyến nhằm luân phiên cho các binh sĩ đã chiến đấu dài ngày.
Tuy nhiên, Ukraine lại đối mặt với một vấn đề khác liên quan tới quá trình đào tạo. Các tân binh chỉ trải qua khóa huấn luyện ngắn rồi phải ra tiền tuyến thường thiếu đi nhiều kỹ năng chiến đấu cơ bản. Họ sẽ có nguy cơ cao thiệt mạng, hoặc tâm lý chưa vững vàng, dẫn tới nguy cơ đào ngũ tiếp tục xảy ra. Đã có nhiều trường hợp tân binh đã bỏ trốn, hoặc không thực hiện nhiệm vụ.
Theo Kyiv Post