Gần 8.000 phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã cải thiện đời sống nhờ mô hình tiết kiệm theo nhóm và nâng cao kiến thức về quản lý tài chính cá nhân.
4 năm và những dấu mốc
Được triển khai tại tỉnh Vĩnh Long từ năm 2013,ụnữĐBSCLđổiđờinhờmôhìnhtiếtkiệmnhóbdkq mu dự án “Sức sống Mê Kông” (MV) với mục tiêu nâng cao kiến thức và cải thiện cuộc sống cho phụ nữ ĐBSCL thông qua hình thức tiết kiệm và vay vốn đã mang lại những kết quả tích cực.
Đây là lần đầu tiên, các chị em được giới thiệu mô hình gửi tiết kiệm theo nhóm (nhóm WORTH), giúp họ tập hợp lại với nhau để cùng tiết kiệm, cho vay và phát triển các doanh nghiệp nhỏ nhằm tạo ra thu nhập.
Theo ông Kurt MacLeod, Phó Chủ tịch Dự án Quốc gia và Điều hành PACT chia sẻ: “WORTH là mô hình tiết kiệm tài chính vi mô, không cung cấp tiền vốn mà cho phép các nhóm phụ nữ đóng góp, tạo ra những khoản tiết kiệm nhỏ trong các cuộc họp hàng tuần, cho đến khi các khoản tiền đủ lớn để cho phép các thành viên bắt đầu vay vốn cho việc kinh doanh hoặc phát triển các doanh nghiệp nhỏ”.
Sau hơn một năm triển khai bởi Tổ chức phi chính phủ quốc tế PACT và Coca-Cola, dự án thu hút hơn 3.500 chị em tham gia, tập hợp thành các nhóm, thực hành tiết kiệm, nhận lợi tức, cho thành viên vay để khởi nghiệp hoặc mở rộng kinh doanh. Kết quả ghi nhận có khoảng 1300 doanh nghiệp nhỏ, cửa hàng, trang trại được thành lập, phát triển, tạo công ăn việc làm ổn định cho chị em.
Ba phụ nữ tại Vĩnh Long sử dụng điện thoại thông minh để học các kỹ năng làm kinh doanh nhỏ với hỗ trợ từ USAID thông qua Dự án Sức sống Mê Kông mở rộng |
Tiếp nối những thành công bước đầu, dự án được PACT, Coca-Cola kết hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) triển khai giai đoạn tiếp theo từ tháng 7/2014 đến cuối năm 2017 mang tên “Sức sống Mê Kông Mở rộng” (MVE).
Năm 2016 là dấu mốc quan trọng của dự án với sự tham gia tài trợ và đồng hành của Công ty dịch vụ thông tin toàn cầu Experian (Ai Len). Dự án tiếp tục được đẩy mạnh mang tên “Sức sống Mê Kông 2” (MV2) tại ba xã Long Phú, Bình Ninh, Mỹ Lộc, tỉnh Vĩnh Long nhằm đào tạo các chị em kỹ năng sâu hơn về quản lý tài chính, áp dụng công nghệ trong kinh doanh, tiếp cận vốn nhiều hơn thông qua mô hình tiết kiệm theo nhóm.
Từ tháng 6/2016 đến tháng 5/2017, dự án đã hỗ trợ nâng cao trình độ giáo dục tài chính, đào tạo các nguyên tắc và quản lý tín dụng, giúp 1.000 phụ nữ (50 nhóm WORTH) cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống.
Experian, đồng hành cùng PACT đã hỗ trợ phát triển các tài liệu đào tạo và chương trình giảng dạy về giáo dục tài chính, kỹ năng lưu giữ hồ sơ cho chị em. Qua các buổi họp từ cơ bản đến nâng cao tại ba xã, chị em phụ nữ được giới thiệu các khái niệm cơ bản về tài chính, quản lý tài chính sao cho hiệu quả và áp dụng thực tế trong việc quản lý các khoản vay, tín dụng, thiết lập các mục tiêu tiết kiệm.
Năm 2015, USAID tiếp tục hỗ trợ phụ nữ có khó khăn về kinh tế ở đồng bằng sông Cửu Long thông qua Dự án Sức sống Mê Kông mở rộng, một dự án hợp tác với Coca-Cola và tổ chức PACT |
Ông Ben Elliott, Tổng Giám đốc của Experian tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho biết, Experian đã cung cấp cả về mặt tài chính và kỹ thuật để thúc đẩy sự tiếp cận và giáo dục tài chính cho phụ nữ ở Việt Nam thông qua các chương trình như “Sức sống Mê Kông 2” (MV2). Thông qua một hệ thống quản lý trực tuyến, dự án MV2 đã tạo hồ sơ tín dụng cho những người phụ nữ trong dự án, kết nối họ với các tổ chức tài chính chính thức để họ có thể tiếp cận các khoản cho vay kinh doanh hoặc các khoản tín dụng chính thức, điều mà trước đây họ chưa có khả năng. Những người phụ nữ này đã có thể đăng ký dịch vụ cước điện thoại trả sau hoặc vay tiền để bắt đầu hoặc mở rộng kinh doanh, cải thiện tình hình tài chính cho cả gia đình và cộng đồng.
Gần 8000 phụ nữ cải thiện đời sống và nâng cao vị thế xã hội
Sau gần 4 năm triển khai, gần 8.000 phụ nữ tại tỉnh Vĩnh Long đã được nâng cao vị thế về mặt xã hội và kinh tế thông qua dự án. Hơn 400 phụ nữ tham gia dự án “Sức sống Mê Kông mở rộng” được tập huấn kỹ năng kinh doanh. 60% trong số đó đã bắt đầu các hoạt động kinh doanh mới hoặc mở rộng mô hình kinh doanh hiện tại.
Nhiều phụ nữ ĐBSCL đã cải thiện đời sống nhờ nâng cao kiến thức về quản lý kinh tế gia đình |
Trung bình, phụ nữ tăng thu nhập từ 20.000 đồng/ ngày lên gần 200.000 đồng/ngày. Đến cuối tháng 5/2017, khoản tiết kiệm lũy kế của các nhóm phụ nữ tham gia dự án đạt 1.126.190.000 đồng và tổng tiền vay là 3.488.400.000 thông qua 1741 khoản vay, trong đó 1110 khoản vay đã được đưa vào để bắt đầu hoặc mở rộng kinh doanh.
Các khoản vay này tạo ra 125.865.000 đồng trong tổng số khoản vay, đóng góp vào quỹ của dự án. Các khoản vay chủ yếu được sử dụng để thành lập hoặc phát triển các doanh nghiệp nhỏ tập trung vào các lĩnh vực như chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng và bán rau quả, sản xuất thực phẩm sẵn, bán hàng tạp hóa và thủ công mỹ nghệ.
Đặc biệt, riêng dự án MV2 do Experian tài trợ, sau thời gian thực hiện đã thu được kết quả vượt xa các mục tiêu đề ra, giúp đào tạo cho 1095 phụ nữ có kiến thức về tài chính. Trong đó 59 nhóm WORTH đã thoát khỏi đói nghèo ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. 5 phụ nữ đã được các tổ chức tài chính địa phương chấp nhận khoản vay từ 320 triệu đồng để bắt đầu kinh doanh mới hoặc mở rộng các doanh nghiệp hiện có. Cho đến nay, 103 phụ nữ đã nhận được khoản vay với số tiền gần 2,6 tỷ đồng từ các tổ chức tài chính địa phương.
Không chỉ tạo dựng kinh tế ổn định, những dự án như MV2 còn giúp các chị em xích lại gần nhau, hỗ trợ nhau cùng phát triển các kỹ năng kinh doanh. Hy vọng với những kết quả đạt được, chị em phụ nữ ĐBSCL sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình ngân hàng nhóm và chia sẻ kinh nghiệm quản lý tài chính, tận dụng sức mạnh của thị trường để nắm bắt cơ hội kinh doanh, phát triển kinh tế và nâng cao năng lực, vị thế của họ trong cộng đồng.
Minh Ngọc