Tuổi thơ đặc biệt
Hà Nội trở lạnh. Sau giờ làm,ôgáibịchođilúccònđỏhỏnhạnhphúckểvềbốmẹnuôbóng đá kết quả hạng nhất anh Dương Thu Trang (SN 1997, Hà Nội) bấm điện thoại gọi về cho bố mẹ nuôi đang sống ở Hưng Yên. Trang biết mình là con nuôi của ông bà Dương Văn Kỹ, Đinh Thị Toán từ khi còn rất nhỏ.
Thế nhưng sự thật ấy không làm cô tủi thân. Thậm chí, nó đem lại cho cô gái một tuổi thơ đặc biệt, đầy tình yêu thương.
Trang trở thành con của ông Kỹ khi còn đỏ hỏn. Ông đến đón Trang vào một ngày đông mưa rơi tầm tã.
Trang kể: “Do hoàn cảnh gia đình, cha mẹ ruột đành cho tôi làm con nuôi của bố Kỹ. Bà và bố kể, hôm đón tôi về là giữa mùa đông, trời mưa tầm tã. Có mỗi cái áo mưa, bố lấy ra quấn cho tôi. Hai bố con về rét tím cả người”.
Vốn không có con, khi đón Trang về, vợ chồng ông Kỹ dành hết tình yêu thương cho đứa trẻ. Dẫu gia cảnh nghèo khó, ông bà vẫn cố gắng mua sữa ngoại cho con uống. Con lớn hơn một chút, ông Kỹ tìm mọi cách cho con đi chơi để không thua kém bạn bè.
Hồi đó, cả làng chỉ có mình Trang được bố đưa đi chơi ở huyện. Không như chúng bạn, tuần nào Trang cũng được ăn kem. Trang cũng được bố mua đồ chơi, quần áo mới. Ông Kỹ thương yêu con gái nuôi đến nỗi có lần lỡ đánh con, ông hối hận, xấu hổ đi lang thang hết một chiều mới dám về nhà.
Bà Toán cũng thương yêu đứa con gái nuôi như chính khúc ruột của mình. Dù chưa từng sinh nở, chưa có kinh nghiệm làm mẹ, bà vẫn chăm chút, lo cho đứa con gái nuôi từng li từng tí. Bà không bao giờ lớn tiếng với con mà dành nhiều thời gian trò chuyện, tâm sự với Trang mỗi ngày.
Cô gái chia sẻ: “Mẹ là kiểu phụ nữ chịu thương chịu khó điển hình. Mẹ hiền lắm, không to tiếng với tôi bao giờ. Bà chỉ thích trò chuyện với con và lo lắng cho con từng chút.
Tôi nhớ những năm đi học xa, sợ tôi về một mình không an toàn, chiều nào mẹ cũng tranh thủ đạp xe đến trường đón. Tôi cứ nhớ mãi hình ảnh hai mẹ con cùng nhau đạp xe xuyên qua những đồng lúa xanh non”.
Thế nhưng xen giữa những khoảnh khắc tuổi thơ êm đềm, ngập tràn tình yêu thương, Trang cũng nhiều lần bị bạn bè, người đời trêu chọc, nói mình là con ghẻ, con hoang… Tuy vậy, cô gái không buồn, tủi thân. Ngược lại, cô còn yêu thương bố mẹ nuôi hơn.
Cô nói: “Tôi biết mình không phải là con ruột của bố mẹ ngay từ nhỏ. Lúc ấy, hàng xóm hay trêu tôi là con hoang, con ghẻ. Họ hàng cũng nói tôi chỉ là con nuôi thôi. Bà nội tôi còn dặn: “Bố mẹ không có công sinh nhưng có công dưỡng. Con không được bỏ bố mẹ đi đâu nhé”.
Tôi cũng chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ bỏ bố mẹ đi vì bố mẹ thương yêu tôi lắm. Ngày còn bé, bất kỳ ai trêu tôi, bố mẹ đều giận ra mặt”.
Gắn kết gia đình
Cảm nhận được tình yêu thương của bố mẹ nuôi, Trang ngoan ngoãn, chăm học. Cô cố gắng xóa tan những lo lắng của gia đình về việc mình sẽ rời bỏ cha mẹ nuôi đến tìm cha mẹ ruột khi trưởng thành.
Đổi lại, ông bà Kỹ lam lũ nuôi đứa con xin về ăn học, trưởng thành. Ngày con gái báo tin đậu đại học ở Hà Nội, vợ chồng ông Kỹ vừa mừng vừa lo. Quanh năm làm lúa, ông bà không biết phải lấy tiền đâu để nuôi con học đại học.
Cuối cùng, bà Toán quyết định đi làm thuê để có thêm thu nhập. Nhưng rồi thu nhập từ công việc này cũng chẳng ăn thua. Để thay đổi kinh tế gia đình, ông Kỹ nghe theo lời người quen, quyết giấu con gái cùng vợ ly hương vào Vũng Tàu làm thuê.
Trang kể: “Bố quyết định vào Nam làm thuê nhưng không muốn cho tôi biết. Không hiểu sao hôm ấy, tôi có linh cảm gì đó lại về thăm nhà. Đến nhà, tôi thấy cuối giường bố có một cái túi bé tí. Tôi hỏi, bố nói dối là chỉ dọn đồ trong tủ ra thôi nên tôi không nghi ngờ gì.
Sáng hôm sau, tôi lên Hà Nội, bố không đưa tôi ra bến xe như mọi lần. Tôi cứ tưởng bố bận nhưng khi lên xe rồi, tôi nhận được điện thoại của bố. Trong điện thoại, bố dặn dò: “Con cố gắng học rồi Tết vào với bố”. Tôi nghe rõ tiếng bố khóc trong điện thoại”.
Thế nhưng chuyến Nam tiến của vợ chồng ông Kỹ không thành công. Biết mình bị lợi dụng, ông bà quyết định về quê cày cuốc nuôi con. Thương bố mẹ chật vật nuôi mình từ thuở bé, Trang chọn cách hiếu thuận, chăm ngoan.
Cô gái cố gắng học ra trường và có việc làm ổn định tại Thủ đô. Mỗi tháng, Trang đều dành thời gian về thăm bố mẹ. Để được gần bố mẹ nuôi hơn trong thời gian làm việc tại Hà Nội, Trang sắm cho bố mẹ chiếc điện thoại thông minh có chức năng gọi video.
Mỗi ngày, khi có thời gian, Trang lại gọi cho bố mẹ. Cô gái cũng thật lòng chia sẻ mình có tình cảm, gắn bó với bố mẹ nuôi hơn cả cha mẹ ruột.
Trang chia sẻ: “Từ ngày cho tôi đi, bố mẹ ruột cũng đến thăm tôi. Sau này, khi lớn lên, tôi cũng quay về thăm bố mẹ. Dẫu vậy, tình cảm giữa tôi và bố mẹ ruột không gắn bó và sâu đậm như bố mẹ nuôi.
Tôi cảm thấy may mắn khi được gặp bố mẹ. Số trời đưa tôi về đây tức là tôi có duyên làm con bố mẹ. Thế nên, tôi không bao giờ có ý định rời xa họ.
Tôi không hiểu người khác sẽ suy nghĩ như thế nào. Nhưng với tôi, nếu không làm con của bố mẹ, tôi đã không biết trên đời này lại có người thương yêu mình vô điều kiện như thế. Đến bây giờ, tôi mới hiểu câu nói trong một bộ phim là: “Những người cùng huyết thống có thể không trở thành người nhà, nhưng những người biết trân trọng quan tâm nhau nhất định có thể”".