Những bước tiến trong xây dựng chính quyền số
Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TU về Chuyển đổi số tỉnh Long An đến năm 2025,ểnđổisốmạnhmẽhướngđếnmộtLongAnsốti so uc định hướng đến năm 2030, tỉnh Long An đẩy mạnh ứng dụng, dịch vụ CNTT, liên tục đạt được những bước tiến trong công cuộc “số hóa”.
Điểm nhấn là việc đưa vào vận hành Trung tâm điều hành thông minh (IOC) và Kho cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung từ ngày 26/4. IOC đặt tại Trung tâm hành chính công tỉnh Long An, hoạt động trên nhiều lĩnh vực: Phản ánh kiến nghị, kinh tế - xã hội, văn bản điều hành, thủ tục hành chính, cán bộ công chức, y tế, giáo dục, mạng xã hội, hệ thống LGSP, an toàn thông tin, an ninh trật tự - an toàn giao thông.
Với khả năng thực hiện chức năng giám sát, điều hành tập trung trong các hoạt động của dịch vụ đô thị thông minh, thu thập và xử lý thông tin các hệ thống chuyên ngành; phục vụ công tác phân tích, xử lý dữ liệu, hiển thị trực quan, IOC Long An hỗ trợ công tác quản lý, điều hành của tỉnh đảm bảo thống nhất, hiệu quả.
Bên cạnh đó, tỉnh đã đưa 12 nhóm dữ liệu của 6 sở, ngành vào kho CSDL dùng chung. Hiện Kho đã thu thập hơn 2.050.964 tệp dữ liệu từ các lĩnh vực: tài nguyên môi trường, giáo dục, y tế, DN.
Phát huy hiệu quả của IOC và Kho CSDL dùng chung, ngày 8/6, Long An khai trương Nền tảng xã hội số - ứng dụng Long An ID, góp phần tạo ra không gian số an toàn, thuận tiện, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trong tỉnh.
Long An ID cung cấp các tiện ích như: Thiết lập tài khoản, định danh xác thực chính xác bằng công nghệ eKyc; cung cấp thông tin kinh tế-xã hội; cung cấp thông tin tuyển dụng, gửi nhận hồ sơ tuyển dụng; cung cấp thông tin thuê nhà ở; cung cấp thông tin khuyến mãi; cung cấp thông tin tuyến xe trong và ngoài tỉnh; rao vặt… Ứng dụng giúp tăng cường kết nối giữa người lao động và DN, đồng thời giúp chính quyền kịp thời nắm bắt các vấn đề xã hội và nhu cầu an sinh của người lao động trên địa bàn.
Ngay trong tháng 7, tỉnh tiếp tục đưa vào sử dụng ứng dụng Long An Số - kênh tương tác 2 chiều giữa người dân, DN với chính quyền. Ứng dụng cho phép người dân tra cứu tình trạng xử lý hồ sơ TTHC; tra cứu hồ sơ sức khỏe điện tử, tra cứu BHYT, tra cứu thuốc; cung cấp các kênh thanh toán dịch vụ thiết yếu như điện, nước, viễn thông, giáo dục, y tế, du lịch,…
Thông qua Long An Số, người dân, DN có thể gửi phản ánh, kiến nghị đến chính quyền. Tất cả nội dung phản ánh, kiến nghị này sẽ được IOC tiếp nhận, điều phối đến cơ quan chức năng có liên quan xử lý, đăng tải công khai trên Cổng thông tin 1022.
Thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số
Ông Phạm Tấn Hòa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, với phương châm lấy người dân, DN làm trung tâm, IOC, Kho CSDL dùng chung được xây dựng trên các nền tảng công nghệ hiện đại, giúp người dân, DN có thể tiếp cận thông tin, dữ liệu, dịch vụ nhanh chóng, tiện lợi, ít chi phí và giảm phiền hà; đồng thời khẳng định vai trò trung tâm của người dân, DN thông qua việc phản ánh kiến nghị, tương tác, giám sát hoạt động chính quyền qua các ứng dụng số, các kênh tương tác khác trên môi trường số.
Việc ra mắt của ứng dụng Long An ID, Long An Số cộng hưởng cùng hoạt động của Kho CSDL dùng chung, IOC Long An đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng. Đây là cơ sở, nền tảng dẫn dắt, thúc đẩy tỉnh chuyển đổi số một cách mạnh mẽ, đồng bộ, toàn diện trên cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, giúp tỉnh hướng tới một "Long An số", ngày càng phát triển, hiện đại.
Thực tế cho thấy những nỗ lực của Long An trong chuyển đổi số đã phát huy hiệu quả, hỗ trợ đắc lực cho công tác chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc của cả hệ thống chính trị và phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, DN.
Đến nay Long An đã cung cấp 1.513/1.810 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (đạt tỷ lệ 83,6%), với trên 133.000 hồ sơ nộp trực tuyến (tăng hơn 3 lần với năm trước); tỷ lệ hồ sơ đã giải quyết đúng hạn trên hệ thống một cửa điện tử đạt 99,6%; tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử trong nội bộ và giữa các cơ quan Nhà nước đạt 99,99%; tỷ lệ văn bản đi được ký số đạt 99,4%; tỷ lệ sử dụng hộp thư điện tử đạt 97%; thực hiện kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu, hệ thống của bộ, ngành Trung ương đã sẵn sàng.
Tỉnh triển khai thí điểm chuyển đổi số toàn diện cấp xã tại 3 địa phương (xã Dương Xuân Hội - huyện Châu Thành, thị trấn Cần Giuộc - huyện Cần Giuộc, phường 4 - TP. Tân An), giúp chính quyền tăng cường tương tác với người dân, giúp người dân, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, hợp tác xã mở rộng cơ hội tiếp cận với công nghệ số, dễ dàng giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, đặc trưng của địa phương trên môi trường số.
Hướng đến những kết quả quan trọng trong lĩnh vực kinh tế số và xã hội số, đến nay, toàn tỉnh có 482 tổ chức, cá nhân bán hàng trên 2 sàn TMĐT với 1.974 sản phẩm/hàng hóa được đăng ký bán trên sàn. Ngành nông nghiệp duy trì triển khai ứng dụng công nghệ số (blockchain, mã QR) trong truy xuất nguồn gốc nông sản, hỗ trợ hơn 1,7 triệu tem điện tử truy xuất nguồn gốc bằng mã QR đối với 14 cơ sở được xác nhận chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn. Tỉnh đã kết nối nền tảng thanh toán trực tuyến quốc gia - Paygov, thí điểm thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ, TTTM, thúc đẩy không dùng tiền mặt trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, nông nghiệp, hành chính công…
Long An xác định năm 2022 là “Năm hành động, tạo bước ngoặt chiến lược về chuyển đổi số”. Và quá trình số hoá mạnh mẽ thời gian qua đã mở ra kỷ nguyên mới về quản trị, điều hành, đem lại nhiều tiện ích phục vụ cho đời sống xã hội, giúp tỉnh ngày càng hiện đại, văn minh, xứng đáng vị thế trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Trên “chuyến tàu” cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chính quyền Long An quyết tâm thực hiện mục tiêu chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh, bao trùm lên các ngành, lĩnh vực và trên các mặt của đời sống kinh tế - xã hội; đưa Long An vào nhóm các địa phương chuyển đổi số tốt, trở thành tỉnh có chỉ số cao về phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số của cả nước.
Ngọc Minh