Báo Nikkei Asiacuối tuần trước đưa tin, làn sóng rút lui của các công ty bất động sản Trung Quốc đã bỏ lại thành phố nghỉ dưỡng Sihanoukville của Campuchia hàng trăm "dự án ma".
Một trong số đó là tòa nhà 10 tầng nằm trên khu đất thuộc sở hữu của Pan Sombo, một giáo viên tiểu học 51 tuổi.
Năm 2019, khi Campuchia đang trong một "cơn sốt" bất động sản, một nhà đầu tư Trung Quốc đã đề nghị xây dựng chung cư trên mảnh đất 750m2 này. Nhà đầu tư này hứa hẹn hoàn thành dự án vào năm 2021 và mang lại số tiền cho thuê lên đến 5.000 USD/tháng.
Tuy nhiên, khi Covid-19 bùng phát, nhà đầu tư trở về Trung Quốc và nói rằng không thể quay lại Campuchia. Đó là liên lạc cuối cùng của bà Sombo với nhà đầu tư. Do vậy, bà đã nhờ đến chính quyền địa phương bắt đầu quá trình xóa hợp đồng.
Sihanoukville đầy rẫy những dự án như vậy. Theo chính quyền địa phương, thành phố này hiện có khoảng 360 tòa nhà xây dựng dở dang, khoảng 170 tòa nhà đã hoàn thiện nhưng bỏ hoang.
Với vị trí đắc địa bên bờ biển Vịnh Thái Lan, Sihanoukville phát triển bùng nổ vào giữa những năm 2010 trước làn sóng đầu tư từ Trung Quốc. Sihanoukville được ví như Macao thứ hai khi hàng chục sòng bạc mọc lên.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến đà phát triển của thành phố và Campuchia nói chung. Năm ngoái, Campuchia chỉ thu hút khoảng 550.000 lượt du khách Trung Quốc, giảm 77% so với năm 2019. Chỉ chưa đến 16.000 du khách đến sân bay Sihanoukville, giảm 98% so với năm 2019.
Dòng vốn đầu tư trở lại Sihanoukville chậm sau đại dịch do chính phủ Campuchia kiểm soát sòng bạc và bất động sản Trung Quốc sụt giảm. Chính phủ nước này ước tính cần khoảng 1,1 tỷ USD nữa để hoàn thiện các dự án dở dang ở thành phố.
Hồi tháng 1, Thủ tướng Hun Manet đã công bố giảm thuế và cơ chế ưu đãi đối với các đơn xin cấp phép nhằm khuyến khích nhà đầu tư giải cứu các tòa nhà ma ở Sihanoukville.
Tuy vậy, theo chuyên gia Ky Sereyvath tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc thuộc Học viện Hoàng gia Campuchia, cho rằng chính sách này sẽ khó hiệu quả trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm.
Campuchia phụ thuộc nặng nề vào nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc. Năm 2022, Hội đồng Phát triển Campuchia đã phê duyệt khoản đầu tư nước ngoài trị giá khoảng 1,9 tỷ USD, trong đó 90% từ Trung Quốc.
"Nguồn đầu tư từ các nước khác sẽ khó lấp đầy khoảng trống mà Trung Quốc để lại", giám đốc một công ty xây dựng Campuchia nhận định.
Theo một quan chức địa phương, Sihanoukville cần đa dạng hóa cả ngành công nghiệp và các quốc gia đầu tư để có nền kinh tế năng động hơn. Một trong những nhà đầu tư tiềm năng là Nhật Bản.
Các công ty Nhật Bản hiện diện ở Campuchia ít hơn so với một số nước Đông Nam Á khác, nhưng Nhật Bản đã hỗ trợ cảng Sihanoukville - cảng nước sâu duy nhất của Campuchia khoảng 3 thập niên qua.
Theo Nikkei Asia