Người trong cuộc cho rằng Mỹ không gây áp lực,ữngngàycuốichínhquyềnSàiGònquatàiliệkết quả đêm qua nhưng quan chức ngoại giao cấp cao nhất của Mỹ tại Sài Gòn lúc bấy giờ đã gợi ý ông Thiệu từ chức.
Cuộc nói chuyện “riêng tư”
Hơn ai hết, Tổng thống chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu biết rất rõ tình hình lúc bấy giờ. Những tài liệu giải mật sau này cho thấy ông đã ra đi vì “bất mãn” với đồng minh Mỹ khi Washington quyết định “khai tử VNCH” qua hành động cắt quân viện. Vả lại, phong trào chống đối lên cao nên ông sợ sẽ có một cuộc đảo chánh, thậm chí, ông có thể đi theo vết chân của ông Ngô Đình Diệm. Vì lẽ đó, nên sau khi từ chức ngày 21-4, ông Thiệu vẫn nấn ná ở lại trong dinh Độc Lập cho an toàn, đến khi được Mỹ sắp xếp cho chuyến đi Đài Loan trong đêm 26-4.
Quốc hội chính quyền Sài Gòn biểu quyết trao chức vụ tổng thống cho tướng Dương Văn Minh tối 27-4-1975 - Ảnh: T.L
Trong lần điều trần trước Tiểu ban Điều tra của Ủy ban Ngoại giao Hạ viện Mỹ ngày 27-1-1976, tức gần 8 tháng sau khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ, cựu Đại sứ Mỹ Graham Martin đã nói trước các vị dân cử là ông “không có vai trò gì” trong việc Tổng thống Thiệu từ chức. Nhưng ông Martin xác nhận đã có nói chuyện với ông Thiệu vào ngày 20-4 (tức trước khi ông Thiệu từ chức 1 ngày). Theo thuật lại của Martin thì “sau khi nói sơ về tình hình quân sự do tình báo Mỹ cung cấp, tôi đã nói với ông ta (Tổng thống Thiệu) rằng theo kết luận của tôi, mặc dù các tướng lãnh tiếp tục chiến đấu, nhưng họ nghĩ không còn cách nào để chặn đứng cuộc tấn công sau cùng của Cộng sản - trừ khi có một cuộc ngưng bắn để họ có thể tái phối trí lại lực lượng. Nhưng sự ngưng bắn sẽ không bao giờ xảy ra nếu tổng thống không từ chức, hay sẵn sàng chấp nhận những bước tiến đưa đến sự thương lượng đó. Tôi nói với Tổng thống Thiệu, theo tôi, nếu ông ta không quyết định thì các tướng lãnh cũng sẽ yêu cầu ông thoái vị”.Cựu Đại sứ Martin nói là ông có nhấn mạnh đến tính cách riêng tư của cuộc nói chuyện. Rằng ông chỉ nói với Tổng thống Thiệu bằng tư cách cá nhân, không đại diện cho tổng thống, ngoại trưởng, hay với tư cách của một đại sứ Mỹ.
Theo đại tướng Cao Văn Viên, Tổng tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn (trong cuốn Những ngày cuối cùng của VNCH), về câu nói “các tướng lãnh sẽ yêu cầu ông thoái vị” của Martin, thì vào thời điểm đó, không có tướng tá nào “ép” ông Thiệu từ chức cả. Theo lời tướng Viên, có một việc đã dẫn đến sự hiểu lầm này. Số là trung tướng Trần Văn Đôn, sau khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng trong tân nội các của Nguyễn Bá Cẩn, bèn triệu tập một cuộc họp của tất cả các tướng lãnh ở Bộ Tổng tham mưu. Tuy đây chỉ là cuộc gặp sơ giao, nhưng từ đó, có những nguồn tin nói là cuộc họp có mục đích chính trị.
Từng giờ nguy ngập
Ngay sau khi nhậm chức, “tổng thống 1 tuần” Trần Văn Hương ngày 22-4 đã lập tức ký nhiều sắc lệnh, trong đó có sắc lệnh cấm di chuyển, du lịch ra hải ngoại. Quân nhân, công chức nào đã lợi dụng công vụ ở lại nước ngoài, phải hồi hương trong vòng 30 ngày, nếu không họ sẽ bị tước quốc tịch và bị tịch thu tài sản. Thành phần được phép xuất ngoại chỉ là người già, hoặc bệnh nhân cần đi chữa trị. Tuy nhiên, những bệnh nhân này phải đóng một khoản tiền thế chân trước khi xuất cảnh. Khoản tiền trên được dùng để giúp đỡ các binh sĩ đang chiến đấu, trong trường hợp người đóng tiền thế chân không hồi hương.
Tổng thống Hương cũng có mời tướng Dương Văn Minh tham gia nội các, nhưng ông Minh từ chối vì ông muốn nhiều quyền hành hơn.
Ngày 23-4, Xuân Lộc thất thủ, quân giải phóng áp sát Sài Gòn. Tình hình chiến trường lúc này được tính theo từng giờ. Hai ngày sau, 25-4, ngoại trừ Hãng hàng không Air Việt Nam, tất cả các hãng khác có chuyến bay ra ngoại quốc đều đã đóng cửa. Tối 26-4, hai nhân vật cấp cao là cựu Tổng thống Thiệu và cựu Thủ tướng Khiêm đáp máy bay của Mỹ đi Đài Loan. Phi cơ chở hai ông đậu ở bãi đáp dành cho Hãng hàng không Air America. Chính quyền Washington muốn hai ông ra đi an toàn vì không muốn mang thêm tai tiếng sau cái chết của anh em Ngô Đình Diệm trong cuộc đảo chánh quân sự 1-11-1963. Cũng trong tối 26-4, quân giải phóng bắt đầu nã pháo vào các căn cứ quân sự ở Sài Gòn, như là điều hối thúc Tổng thống Hương nhanh chóng bàn giao cho tướng Minh để “thương thuyết”.
Ngày 27-4, dù là chủ nhật nhưng Tổng thống Trần Văn Hương vẫn tổ chức họp các viên chức lãnh đạo đất nước. Vào lúc dầu sôi lửa bỏng này thì vị tướng cấp cao nhất là đại tướng - Tổng tham mưu trưởng Cao Văn Viên nộp đơn từ chức. Trước áp lực của tình hình và diễn biến quân sự bất lợi quá nhanh, Tổng thống Hương muốn nhường chức lại cho Dương Văn Minh, nhưng lại cho rằng không muốn làm trái Hiến pháp chính quyền Sài Gòn. Vì theo ông, chức vụ tổng thống “không phải muốn cho ai thì cho”. Theo hiến định của nền đệ nhị cộng hòa (Hiến pháp VNCH 1967) thì chức vụ tổng thống lúc đó phải giao lại cho Chủ tịch Thượng viện Trần Văn Lắm. Thế nên, những người dự họp cuối cùng đã chấp thuận giao cho Quốc hội được quyền quyết định tối hậu đối với việc bàn giao chức vụ tổng thống trong thời điểm này.
Quốc hội được triệu tập họp khẩn cấp tối hôm đó. Thượng viện gồm 60 nghị sĩ, Hạ viện có 159 dân biểu. Tổng cộng 219 vị dân cử. Đến giờ họp, có 138 vị hiện diện, tức hội đủ túc số quá bán (110 người) để khai mạc phiên họp khoáng đại lưỡng viện.
Ba vị tướng Trần Văn Đôn trong vai trò Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng, Trần Văn Minh - Tư lệnh Biệt khu thủ đô, và tướng Nguyễn Khắc Bình - Tư lệnh Cảnh sát quốc gia, đã trình bày trước Quốc hội tình hình nguy ngập của việc bảo vệ Sài Gòn. Tướng Đôn cũng báo cho Quốc hội biết là quân giải phóng đòi Tổng thống Hương phải bàn giao chức vụ tổng thống lại cho tướng Dương Văn Minh trước 12 giờ khuya ngày 27-4 để có cơ hội thương thuyết, còn nếu không, họ sẽ ra lệnh tấn công. Sau đó, 3 tướng Đôn, Minh và Bình ra về để cho các thành viên Quốc hội quyết định.
Kết quả phiên họp cuối cùng của Lưỡng viện quốc hội là 100% đã biểu quyết chấp thuận trao quyền lãnh đạo chính quyền Sài Gòn cho tướng Dương Văn Minh, mặc dù rất nhiều vị dân cử đánh giá là ông Minh “không có tài cán gì” để cầm cương trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng này. Nói là 100% vì trong tổng số 138 vị hiện diện thì có 136 phiếu thuận, còn hai vị chủ tọa là nghị sĩ Lắm và dân biểu Út không bỏ phiếu.
(THEO THANH NIÊN)