Minh tình cờ xem được trên TikTok video hướng dẫn cách tự kiểm tra gương hai chiều. Cô làm theo và ngỡ ngàng phát hiện ra dấu hiệu bất thường cho thấy tấm gương treo đối diện giường ngủ là loại gương hai chiều,ẻquaylénbiếnthákết quả hạng 2 của đức khiến cô có thể bị theo dõi từ phía bên kia.
Chúng tôi khuyên Minh trả phòng ngay và báo cho đội điều tra đặc biệt về tội phạm tình dục kỹ thuật số.
Ở Hàn Quốc, tại Viện tôi đang theo học, mỗi năm hai kỳ tất cả sinh viên nước ngoài đều được học sáu giờ định hướng về các hình thức quấy rối tình dục, các loại tội phạm, và thiết bị quay lén tinh vi gọi chung là "mol-kha".
Theo thống kê của hãng tin MBC, hàng năm Hàn Quốc bắt được hơn 90.000 trường hợp nhập lậu các thiết bị quay lén từ nước ngoài, với số lượng ngày càng lớn, đến mức khó có thể thống kê chi tiết.
Không chỉ giá rẻ, những thiết bị này càng lúc càng nhỏ gọn, đến mức có thể đặt trong máy lọc không khí, khung tranh, móc áo, điều khiển TV, keo xịt tóc, bình giữ nhiệt, bật lửa, cho đến đồng hồ để bàn... Những kẻ phục vụ nhu cầu của khách hàng biến thái thường lắp đặt camera quay lén ở nơi công cộng như phòng thay đồ, nhà vệ sinh, khách sạn, nhà nghỉ, tàu điện ngầm. Hình ảnh thu được từ các thiết bị này thậm chí có thể phát trực tiếp trên các website "đen" thu phí người dùng. Trước đây, kẻ xấu thường nhắm vào hoa hậu, diễn viên, ca sĩ, người nổi tiếng. Hiện nay, bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân.
Năm 2020, Hàn Quốc từng gây chấn động châu Á với vụ án "Phòng chat thứ N" - nơi người dùng trả tiền để xem những video khiêu dâm, bạo lực tình dục, xúc phạm thân thể phụ nữ... Đường dây phạm tội này thu hút gần 260.000 tài khoản đăng ký, với khoảng 74 nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái, được xác định là vụ án tội phạm tình dục kỹ thuật số lớn nhất được triệt phá tại Hàn Quốc từ trước đến nay.
Dù chưa phát hiện được các đường dây lớn, hình thức cung cấp nội dung quay lén nhắm vào nhu cầu tình dục lệch lạc của người dùng cũng xuất hiện ở Việt Nam qua hàng loạt website "đen". Cùng thời điểm, năm 2020, Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội từng bắt giữ một ổ nhóm tội phạm chuyên lắp các thiết bị quay lén tại khách sạn, nhà nghỉ để tống tiền nạn nhân. Năm 2021, một nhà vệ sinh công cộng tại TP HCM cũng bị cài camera ẩn.
Mới đây, người mẫu ảnh Châu Bùi bị quay lén trong phòng thay đồ. Thiết bị quay lén được cài trong một chiếc đồng hồ. Nghi can đã thừa nhận hành vi trong buổi làm việc với công an. Nhà điều tra đang làm rõ động của kẻ quay lén.
Dù là với động cơ gì, hành vi này cũng xâm phạm quyền riêng tư, bí mật cá nhân, tùy mức độ mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử phạt hành chính.
Đây không còn là chuyện nhỏ hay vấn đề cá nhân của một ngôi sao. Nếu Việt Nam không có chế tài mạnh và các giải pháp phù hợp để đối phó với loại tội phạm này, cũng như Hàn Quốc, dần dà kẻ xấu sẽ nhắm đến không chỉ người nổi tiếng, mà bất cứ ai.
Hàn Quốc đã áp dụng hàng loạt giải pháp. Năm 2019, nước này đồng loạt triển khai chiến dịch phát hiện và phá bỏ camera ẩn tại 1.600 khách sạn và 30 cơ sở lưu trú trên cả nước. Mặt trái của "thành quả triệt phá" được là khiến công chúng "hoảng loạn" vì số lượng quá lớn các điểm lưu trú không an toàn. Nhà chức trách tiếp tục bố trí các bảng cảnh báo mức án tù và hàng triệu won tiền phạt với thủ phạm quay lén. Nhưng tội phạm không vì thế mà hết hẳn, do lợi nhuận quá lớn thu được từ các hình ảnh nhạy cảm. Cứ bốn người bị bắt, xử phạt thì có ba người sẽ tái phạm.
Chính vì vậy, để tăng cường kiểm soát vấn nạn này, từ năm 2021, Hàn Quốc phân phối miễn phí thiết bị phát hiện camera cho các cơ sở đa dụng như ga tàu điện ngầm, nhà vệ sinh công cộng, cơ sở thể thao và thư viện. Họ còn triển khai đội cảnh sát đặc nhiệm áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào sàng lọc các video bẩn, kiểm tra, phát hiện camera ẩn và loại bỏ chúng. Những giải pháp đồng bộ, có trách nhiệm cao này dần dà giúp người dân, đặc biệt là du khách yên tâm hơn nơi công cộng, dù không vì thế mà chấm dứt hẳn được nạn quay lén.
Việt Nam đã ban hành Luật An ninh mạng 2018 gồm các quy định về việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, xử lý các hành vi vi phạm quyền riêng tư trên không gian mạng, và bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), trong đó Điều 159 quy định về tội xâm phạm quyền bí mật, an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác.
Nhưng với khả năng gây tổn hại nặng nề đến danh dự, tâm lý, tinh thần nạn nhân của loại tội phạm này, tôi cho rằng, chỉ chờ xử phạt là quá muộn - được vạ thì má đã sưng. Một cơ chế phòng ngừa đồng bộ, bao gồm việc áp dụng công nghệ AI, thiết bị phát hiện camera ẩn; siết chặt giám sát quy trình sản xuất, nhập khẩu, phân phối thiết bị camera; thiết lập rào chắn với các website đen, cung cấp nội dung bẩn... cần được tăng cường, mới có thể ngăn chặn hiệu quả các mối nguy, đảm bảo an toàn hơn cho người dân và du khách nơi công cộng.
Nguyễn Nam Cường