Di tích đồi A1,Âmvangchiếnthắnglừnglẫychâuchấnđộngđịacầkèo bóng đá số một cứ điểm giao tranh ác liệt giữa ta và địch trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: ĐÀM THANH
“9 năm làm một Điện Biên”
Thực hiện lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19-12- 1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính, với vũ khí thô sơ và tinh thần “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh” quân và dân ta đã lần lượt đánh bại các chiến lược quân sự của thực dân Pháp. Vùng giải phóng không ngừng được mở rộng, chính quyền nhân dân được củng cố. Sau hơn 7 năm kháng chiến, ta càng đánh càng mạnh, thực dân Pháp càng lâm vào thế bị động. Trên thế giới, hệ thống các nước XHCN được hình thành là chỗ dựa vững chắc cho phong trào giải phóng dân tộc, trong đó có Việt Nam đang tiên phong đánh bại sự cai trị của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ.
Nhằm tìm cách thoát ra khỏi cuộc chiến tranh ở Đông Dương trong danh dự, trong vòng 18 tháng, kế hoạch Na-va được Hội đồng Quốc phòng Pháp thông qua. Về phía ta, dựa trên phương hướng chiến lược của Hội nghị lần thứ 4 Trung ương Đảng họp tháng 1-1953 là: “Tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu, đánh chắc thắng”. Bộ Chính trị nhấn mạnh phương châm hành động là “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”, nguyên tắc chỉ đạo tác chiến là “Tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta; đánh chắc thắng, đánh tiêu diệt; chọn nơi địch sơ hở mà đánh, chọn nơi địch tương đối yếu mà đánh, giữ vững chủ động, kiên quyết buộc địch phải phân tán…”.
Để phá tan kế hoạch Na-va, mở đầu kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954, ta chủ động mở các cuộc tiến công lên Tây Bắc, Trung Lào, Hạ Lào, Bắc Tây nguyên, lấy Tây Bắc làm hướng chính. Tháng 11-1953, Đại đoàn 316 được lệnh tiến công lên Tây Bắc, giải phóng Lai Châu, phần đất cuối cùng còn lại ở Tây Bắc nằm trong tay quân đội Pháp. Ngày 3-12-1953, Na-va hạ quyết tâm xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh và quyết định: Tiếp nhận giao chiến với quân chủ lực của Việt Minh ở Tây Bắc, lấy căn cứ thung lũng Điện Biên Phủ làm trung tâm.
Ngày 5-12-1953, các đơn vị đồn trú ở Điện Biên Phủ được chuyển thành “Binh đoàn tác chiến Tây Bắc” và ngày 7-12- 1953, Na-va quyết định rút toàn bộ quân lính ở Lai Châu về tăng cường cho Điện Biên Phủ. Trước tình hình đó, Tổng quân ủy nhận định, địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ căn bản có lợi cho ta và chủ trương giữ địch ở lại Điện Biên Phủ và có thể đánh địch ở Điện Biên Phủ. Ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị họp nghe Tổng quân ủy báo cáo quyết tâm và phương án tác chiến. Sau khi phân tích kỹ tình hình địch, ta, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ngày 10-12-1953 ta tiến công địch ở Lai Châu, cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953- 1954 bắt đầu. Diễn biến chính của chiến dịch Điện Biên Phủ chia thành 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ ngày 13 đến 17-3-1954, quân ta tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam và Độc Lập, bức hàng cứ điểm Bản Kéo, phá vỡ cửa ngõ phía bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; diệt và bắt sống hơn 2.000 tên địch, phá hủy 25 máy bay, xóa sổ một trung đoàn, uy hiếp sân bay Mường Thanh; Pi-rốt - Tư lệnh pháo binh Pháp ở Điện Biên Phủ đã dùng lựu đạn tự sát vì bất lực trước pháo binh của ta. Giai đoạn 2 từ ngày 30-3 đến 30-4-1954, quân ta đồng loạt tiến công tác cứ điểm phía đông phân khu trung tâm thắt chặt vòng vây, chia cắt, kiểm soát sân bay Mường Thanh, hạn chế tiếp viện của địch cho tập đoàn cứ điểm. Đây là đợt tiến công dai dẳng, dài ngày nhất, quyết liệt nhất, gay go nhất, ta và địch giành giật nhau từng tấc đất, từng đoạn giao thông hào. Đặc biệt tại đồi C1 ta và địch giằng co nhau tới 20 ngày, đồi A1 giằng co tới 30 ngày. Sau đợt tấn công thứ hai khu trung tâm Điện Biên Phủ đã nằm trong tầm bắn các loại súng của ta, quân địch rơi vào tình trạng bị động, mất tinh thần cao độ. Giai đoạn 3 từ ngày 1-5 đến 7-5-1954, quân ta đánh chiếm các cứ điểm phía đông và mở đợt tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Vào hồi 17 giờ 30 phút ngày 7-5-1954, ta chiếm Sở chỉ huy của địch, tướng Đờ-cát cùng toàn bộ Bộ tham mưu và binh lính tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ phải ra hàng.
Chiến công vĩ đại của thế kỷ XX
Trong thế kỷ XX, chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 là một sự kiện lịch sử tiêu biểu, có giá trị to lớn, đánh dấu sự kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ (1945-1954); giáng đòn quyết định, đập tan ý chí xâm lược của các thế lực thực dân hiếu chiến, buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, công nhận độc lập của Lào, Campuchia, rút quân khỏi 3 nước Đông Dương. Đây cũng là chiến thắng “được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”.
Chiến thắng Điện Biên Phủ làm sáng ngời chân lý: Một nước nhỏ, kinh tế kém phát triển, nhưng có một Đảng mác-xít chân chính lãnh đạo, có đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, phát huy được sức mạnh toàn dân tộc, được nhân dân thế giới đồng tình ủng hộ, thì nhất định đánh bại mọi cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù, dù kẻ thù đó mạnh hơn nhiều lần. Tiến sĩ Seung-Kyun KO (Đại học Hawaii Pacific, Hoa Kỳ) nhận định: “… trận Điện Biên Phủ đã đem lại cho Việt Nam không chỉ là thắng lợi lịch sử trước chủ nghĩa thực dân mà còn hình thành niềm tin tuyệt đối vào con đường đấu tranh giành độc lập”.
Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 để lại cho cách mạng Việt Nam những bài học - kinh nghiệm rất quý báu, đó là giữ vững và tăng cường phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, trên cơ sở chủ trương, đường lối đúng đắn, kịp thời nắm bắt thời cơ, chớp thời cơ, chỉ đạo chiến lược nhạy bén, sắc sảo nhằm tập trung sức mạnh cao độ cả nước để giành thắng lợi quyết định; thực hiện tốt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, biết dựa vào dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tôn trọng và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân; phát huy thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc, không ngừng xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng lớn mạnh, đặc biệt là bộ đội chủ lực để sẵn sàng thực hiện tốt nhiệm vụ, nhất là những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, những trận quyết chiến; không ngừng chăm lo, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, lấy liên minh giai cấp công - nông làm nền tảng, tích cực đấu tranh vì mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; xây dựng tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và đều hướng đến mục tiêu vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội. Những bài học - kinh nghiệm ấy vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục được Đảng, Nhà nước ta chắt lọc, vận dụng sáng tạo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. r
Sau 56 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên, bắn rơi 62 máy bay, thu 64 ô tô và toàn bộ vũ khí, đạn dược, quân trang quân dụng của địch. Cuộc tiến công chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 với đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ là một trận quyết chiến chiến lược, trực tiếp đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Đông Dương; tạo cơ sở và điều kiện để nhân dân ta tiến lên giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.