"Cò" đất lại ồ ạt rao bán chênh đất đấu giá huyện Hoài Đức
Mới đây,Còkq bong da moi nhat huyện Hoài Đức (TP Hà Nội) đã đấu giá 20 lô đất (LK01 và LK02), thuộc Dự án Hạ tầng kỹ thuật đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn xã Tiền Yên - xứ đồng Lòng Khúc.
Kết quả, sau 9 tiếng tổ chức với 12 vòng đấu, lô đất trúng giá cao nhất là 103,3 triệu đồng/m2, gấp 14 lần so với khởi điểm. Được biết lô đất trúng giá cao nhất có diện tích 145,5m2, như vậy tổng giá trị là 15 tỷ đồng. Bên cạnh đó, lô trúng thấp nhất có giá 85,3 triệu đồng/m2, gấp 11,6 lần so với khởi điểm.
Mặc dù giá trúng cao nhất của phiên đấu giá lần này đã hạ nhiệt hơn so với mức hơn 133 triệu đồng/m2 của phiên đấu giá ngày 19/8 nhưng nhiều người cho rằng mức giá vẫn cao. Sau khi có kết quả, nhiều lô đất trúng đấu giá tiếp tục được rao bán trên thị trường với giá chênh từ 300 triệu đồng đến 500 triệu đồng/lô.
Trong vai nhà đầu tư có nhu cầu mua đất, phóng viên Dân tríliên hệ với môi giới nhận tên Mai. Người này giới thiệu, một lô đất có diện tích hơn 89m2 được trúng với giá 97,3 triệu đồng/m2, tương đương 8,7 tỷ đồng. Hiện chủ đất cần bán lại với mức giá chênh 300 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu khách hàng thiện chí vào tiền ngay sẽ giảm giá chênh xuống còn 200 triệu đồng.
Anh Quân, một môi giới bất động sản tại huyện Hoài Đức, nói trong giỏ hàng đã có hơn 10 lô đất trúng đấu giá phiên ngày 4/11. Mức giá chênh của các lô đất phổ biến từ 300 triệu đồng đến 500 triệu đồng.
Đơn cử, một lô đất có diện tích 89,6m2 có giá trúng 91,3 triệu đồng/m2, tương đương gần 8,2 tỷ đồng. Chủ đất đang muốn bán chênh khoảng 500 triệu đồng. "Bán lô đất này gần như tôi không có công. Nếu như anh thấy hợp lý, xuống tiền được thì cho anh em xin thêm ít tiền cà phê", môi giới này nói.
Người này tiết lộ, vì có mối quan hệ thân thiết nên nhà đầu tư tin tưởng gửi bán. Nếu khách mua sẽ gặp trực tiếp chủ đất để ký hợp đồng. "Phiên ngày 19/8 giá cao ngất ngưởng, phiên đấu giá vừa rồi giá đã hạ nhiệt. Nếu như mua được đợt này coi như lợi hơn nhiều so với những người đấu giá trước đó. Ngày 11/11, huyện Hoài Đức sẽ đấu giá tiếp, lúc đó có khi giá trúng còn tăng", môi giới chào mời.
Cũng theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, ở phiên đấu giá vừa qua không còn tình trạng "cò" đất dựng lều, kê bàn rầm rộ rao bán chênh như phiên đấu giá ngày 19/8. Hoạt động rao bán chênh cũng đã được tổ chức kín kẽ hơn.
Chuyên gia: Phải mạnh tay hơn với các trường hợp trúng đấu giá nhưng "sang tay" ngay
Thực tế, việc các lô đất trúng đấu giá được rao bán chênh ngay không phải hiếm trên thị trường. Để ngăn chặn tình trạng này, Bộ Xây dựng đề xuất nghiên cứu, hoàn thiện các quy định liên quan đến đấu giá đất đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn, theo hướng tăng tiền đặt cọc, xác định giá đất khởi điểm đem đấu sát tình hình thực tế khu vực, rút ngắn thời gian nộp tiền trúng đấu giá, hạn chế người tham gia đấu giá với mục đích đầu cơ...
TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), cho rằng giá đất tại các phiên đấu giá tiếp tục tăng cao bởi nhu cầu về bất động sản lớn. Đồng thời, nhà đầu tư cần các sản phẩm đảm bảo về pháp lý, có tiềm năng tăng trưởng rõ ràng như đất đấu giá.
Thực tế, tại các khu vực như Hoài Đức hay Hà Đông, tiềm năng phát triển đô thị cùng với sự phát triển hạ tầng tạo ra kỳ vọng rất lớn cho nhà đầu tư. Rất nhiều nhà đầu tư sẵn sàng trả giá cao để sở hữu các sản phẩm có số lượng không nhiều này, dù mức giá ấy có thể vượt xa giá trị thực tế của lô đất.
Ngoài ra, với kỳ vọng rằng đất đai sẽ tiếp tục tăng giá trong tương lai, những người mua có thể chấp nhận mức giá cao hơn rất nhiều so với định giá thông thường.
Theo ông Đính, thậm chí, một số người sẵn sàng bất chấp rủi ro, hoàn thành nghĩa vụ trong cuộc đấu giá để hợp thức hóa mức giá trúng với mục đích "thổi giá", tạo mặt bằng giá "ảo" để làm căn cứ để đẩy mức giá của các lô đất có liên quan nhằm trục lợi.
Để đảm bảo quá trình đấu giá giảm thiểu tối đa các trường hợp đầu cơ, thổi giá, ông cho rằng các đơn vị tổ chức đấu giá cần rà soát chặt chẽ, đảm bảo mọi quy trình, thủ tục đấu giá tuân thủ đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cần theo sát từng động thái của những cuộc đấu giá để có biện pháp điều chỉnh kịp thời khi phát hiện các dấu hiệu bất ổn. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần có biện pháp mạnh tay hơn với các trường hợp trúng đấu giá nhưng "sang tay" ngay trong thời gian ngắn.