Debiyantoro và vợ mất con gái vì Covid-19. Ảnh: NY Times |
Khi Debiyantoro,ìsaoquánhiềutrẻemIndonesiatửvongvìti le bóng da một thợ sửa chữa máy móc tại khách sạn, bị mất vị giác, anh thoáng băn khoăn liệu có phải mình đã mắc Covid-19 hay không, nhưng anh đã mau chóng gạt bỏ ý nghĩ đó. Mắc bệnh đồng nghĩa với việc không thể kiếm sống.
Hiện giờ, Debiyantoro cho rằng việc bản thân chần chừ không đi xét nghiệm Covid-19 đã khiến Alesha Kimi Pramudita - con gái 22 tháng tuổi của anh qua đời. Toàn bộ 10 thành viên gia đình của Debiyantoro đều có triệu chứng Covid-19, nhưng không ai làm xét nghiệm cho tới khi Kimi đi khám sức khoẻ vì một bệnh không liên quan tới Covid-19. Được nhập viện ngay lập tức nhưng cô bé đã qua đời một ngày sau đó.
Tờ The New York Times dẫn lời Debiyantoro nói: “Dù tôi nghĩ đó có thể là Covid-19, nhưng tôi sợ không được phép đi làm và điều đó có nghĩa là tôi không thể hỗ trợ gia đình. Nhưng hiện giờ, tôi rất ân hận vì để mất con gái”.
Trên khắp Indonesia, trẻ em đã trở thành nạn nhân của Covid-19 với số lượng báo động. Số trẻ em mắc Covid-19 tại đây đã tăng vọt kể từ tháng 6 khi biến thể Delta lan rộng. Đại dịch Covid-19 đã cướp đi mạng sống của ít nhất 1.245 em nhỏ và mức tăng lớn nhất gần đây là ở nhóm trẻ dưới 1 tuổi, Tiến sĩ Bhakti Pulungan, người đứng đầu Hiệp hội Nhi khoa Indonesia nói.
Số trẻ em ở các nước đang phát triển tử vong vì Covid-19 cao hơn ở các nước giàu. Ảnh: NY Times |
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra một loạt lý do cho thấy trẻ em ở những nước đang phát triển có nguy cơ tử vong cao hơn. Tuy nhiên, nhiều yếu tố trong số đó lại chỉ tập trung vào một nguyên nhân duy nhất: Nghèo đói.
Các nước giàu thường cho rằng trẻ em là những nạn nhân cực hiếm của đại dịch Covid-19. Tại Mỹ và châu Âu, cứ 1.500 ca tử vong vì Covid-19 mới có một ca dưới 18 tuổi.
Tuy nhiên, con số tử vong ở các nước kém phát triển lại nói lên một câu chuyện khác. Số liệu thống kê của Hiệp hội Nhi khoa cho thấy, tại Indonesia cứ 88 ca tử vong vì Covid-19 thì có một trường hợp là trẻ nhỏ. Hiện chưa thể biết được tỷ lệ này vì việc xét nghiệm và thống kê ca tử vong ở Indonesia còn hạn chế, nhưng rõ ràng nó cao hơn nhiều so với ở phương Tây.
Việc thống kê không đầy đủ có thể còn tồi tệ hơn trong 2 tháng qua khi biến thể Delta của virus corona đã gây ra làn sóng lây nhiễm và tử vong cực lớn ở Indonesia, nơi chỉ mới có 1/5 dân số được tiêm phòng một phần. Biến thể Delta dễ lây lan hơn nhiều các dạng trước đó của virus, dù tới giờ chưa có bằng chứng nào cho thấy nó chết chóc hơn.
Số trẻ em thiệt mạng vì Covid-19 ở Brazil và Ấn Độ, lần lượt là 2.000 và 1.500 ca, nhiều hơn ở Indonesia nhưng số ca tử vong nói chung ở những nước này cao hơn ở Indonesia nhiều lần.
Ảnh: NY Times |
Các phân tích chi tiết đã chỉ ra hàng loạt yếu tố góp phần gây ra tử vong ở trẻ em: Bệnh nền, ô nhiễm không khí trầm trọng, các gia đình nhiều thế hệ sống cùng một nơi chật chội, dinh dưỡng nghèo nàn, các yếu tố văn hoá, khả năng tiếp cận thông tin thấp, chẩn đoán và điều trị.
Tiến sĩ Marisa Dolhnikoff, nhà nghiên cứu bệnh học tại Trường Y thuộc Đại học Sao Paulo, Brazil nói: “Bất bình đẳng kinh tế xã hội là một yếu tố rất quan trọng đối với tỷ lệ tử vong”.
Trẻ em sống trong đói nghèo có xu hướng bị nhiều bệnh nền hơn, như béo phì, đái tháo đường, bệnh tim và suy dinh dưỡng. Bệnh nền dễ làm người đã nhiễm Covid-19 bị nặng hơn. Các bệnh về đường hô hấp như hen suyễn, lao phổi – vốn phổ biến ở các khu vực nghèo hơn, và tác động ăn mòn của ô nhiễm không khí có thể khiến trẻ em khó sống sót sau khi nhiễm Covid-19, vì bệnh này có thể tấn công phổi.
Tại Indonesia, gần 6% số trẻ thiệt mạng vì Covid-19 trước đó đã bị lao. Đông Nam Á, gồm cả Indonesia, là khu vực nặng gánh về lao nhất thế giới, chiếm 44% số ca mắc lao mới trên toàn cầu trong năm 2019, số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết. Đông Nam Á cũng là một trong những nơi có tỷ lệ mắc bệnh tan máu bẩm sinh (thalsassemia) cao nhất thế giới. Bệnh này cũng góp phần gây ra tử vong ở trẻ em.
Ngay cả khi trẻ rõ ràng là bị ốm, cha mẹ của chúng và các bác sĩ vẫn có thể bị nhầm bệnh này với bệnh khác, đặc biệt khi sự hiểu lầm rằng trẻ em không thể mắc Covid-19 đang phổ biến. Vào thời điểm các triệu chứng rõ ràng hơn thì thường đã quá muộn.
Tại những quốc gia đông dân như Indonesia (đứng thứ 4 thế giới với 270 triệu người), khả năng tiếp cận vắc xin hạn chế, bệnh viện quá tải và thiếu nhân lực, nhiều bệnh viện lại không có khoa chăm sóc tích cực hay chuyên gia điều trị cho bệnh nhi.
Sự thiếu hụt thông tin về Covid-19 cũng góp phần làm số ca tử vong vì Covid-19 tăng cao. “Hầu hết các ca lây nhiễm hiện giờ xảy ra trong các gia đình” và gần như hầu hết các trường hợp đều có thể tránh được với các biện pháp phòng ngừa thích hợp, Tiến sĩ Aman – người đứng đầu Hiệp hội nhi khoa Indonesia cho hay.
Tại thủ đô Jakarta, bé Beverly Alezha Marlein chào đời hồi đầu tháng 6 trong một gia đình gồm 16 người. Có rất nhiều người đã tới thăm, bế bé và hầu hết không đeo khẩu trang hay đứng cách xa. Kết quả là cả 17 người trong gia đình cô bé đều nhiễm Covid-19.
Ông của Bervely là người đầu tiên qua đời vì Covid-19. Cô bé cũng bị nhiễm Covid-19 và tử vong khi mới 29 ngày tuổi. Mẹ bé nói: “Tôi không muốn đổ lỗi cho ai nhưng muốn cảnh báo mọi người. Hãy chú ý nhiều hơn để con mình. Không cần tới thăm, chỉ cần gọi điện”.
Tại một số khu vực ở Indonesia, truyền thống tôn giáo cũng đóng một vai trò trong việc lây bệnh cho trẻ em.
Tại Trung Java, một trong những nơi bị Covid-19 tấn công mạnh nhất, các gia đình Hồi giáo thường tổ chức Aqiqah – một nghi lễ thường liên quan tới hiến tế động vật nhằm chào mừng một em bé mới sinh. Việc tụ tập như vậy khiến số ca nhiễm Covid-19 ở trẻ sơ sinh tăng mạnh vào cuối tháng 5, tiến sĩ Agustinawati Ulfah, bác sĩ nhi ở thị trấn Purwodadi nói.
>>> Cập nhật tình hình Covid-19 mới nhất
Hoài Linh
Những số liệu mới nhất cho thấy dịch bệnh chưa có xu hướng giảm tại một số quốc gia Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia và Thái Lan.