- TS Lê Đông Phương (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học và Nghề nghiệp,đeobảng xếp hạng real betis gặp rcd mallorca Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cho rằng: Cả trường Tôn Đức Thắng và người xử lý thông tin đều đang bị nhầm lẫn.
- Điều thứ nhất, theo Luật Giáo dục Đại học, các trường đại học được bổ nhiệm các chức danh giảng viên, trong đó có trợ giảng, giảng viên, giảng viên chính, PGS, GS. Trong trường hợp này ta phải hiểu GS, PGS là chức danh cụ thể của người đi dạy tại các cơ sở giáo dục đại học.
Như vậy, nhà trường được bổ nhiệm người xứng đáng vào chức danh đó. Ở một góc độ nào đó trường ĐH Tôn Đức Thắng tuyên bố có thể bổ nhiệm (hay như nhiều người gọi là phong chức) GS, PGS, xét về mặt lý là đúng luật.
Tuy nhiên, vẫn còn dưới Luật giáo dục đại học còn có các thông tư, nghị định quy định muốn được bổ nhiệm vào các chức danh nói trên phải đạt những tiêu chuẩn gì, và quy trình như thế nào.
Trao giấy chứng nhận giáo sư năm 2014. Ảnh: Văn Chung |
Cho nên nếu trường đại học Việt Nam nếu muốn được thực hiện quyền tự chủ mà luật quy định thì phải tuân thủ tất cả văn bản đi kèm dưới luật.
Nếu nại ra việc làm điều các trường đại học nước ngoài được làm, thì như tôi đã nói, luật đã quy định các trường đại học Việt Nam cũng được làm. Nhưng ở mỗi nước cách bổ nhiệm chức danh cũng có những hệ thống tiêu chí và quy trình khác nhau, không phải giống nhau. Hầu hết các nước tiên tiến việc tuyển dụng các chức danh GS, PGS đều thực hiện theo cách công bố rộng rãi trên các tạp chí khoa học và các ứng viên từ khắp nơi đều có thể nộp hồ sơ dự thi miễn là phù hợp với các tiêu chuẩn đã nêu ra.
Ví dụ, một trường đại học của Mỹ công bố rộng rãi cần một chức danh giáo sư chủ nhiệm bộ môn X, tiêu chuẩn là ABC. Các ứng viên nộp hồ sơ, qua các vòng tuyển nhà trường sẽ quyết bổ nhiệm người phù hợp nhất, có thể người đó ở Pháp hay Australia cũng không sao.
Nếu trường ĐH Tôn Đức Thắng muốn làm như thế lẽ ra nhà trường cũng phải công bố rộng rãi thông tin tuyển dụng, 6 tháng tới 1 năm, trên các tạp chí khoa học chuyên ngành, và đi cùng với đó phải có những điều kiện, tiêu chuẩn rõ ràng.
Cách làm như hiện nay của Trường Tôn Đức Thắng là lạm dụng quyền tự chủ, đi ngược lại các quy định hiện hành. Họ nói muốn làm theo thông lệ quốc tế nhưng họ thực sự không làm theo thông lệ quốc tế. Đây chính là cái sai của trường Tôn Đức Thắng.
Ở đây, có lẽ người ta đang cố tình biến phương tiện thành mục đích, muốn dùng chức danh GS, PGS – vốn dĩ là một chức danh công việc trong trường - để đánh bóng chính mình.
Ông phản đối hay ủng hộ việc các trường đại học tự bổ nhiệm GS, PGS?
- Tôi hoàn toàn ủng hộ cách làm của ngành giáo dục hiện nay. Thứ nhất vì nó đã được luật hóa bằng Luật Giáo dục Đại học, và bằng các văn bản dưới luật.
Và thứ hai, trong thời gian khoảng mười năm trở lại đây, Hội đồng CDGSNN thực sự đã có những thay đổi theo hướng tích cực. Trước đây, hội đồng này công nhận (phong) chức danh GS, PGS, nhưng bây giờ đã chuyển sang cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện, còn việc công nhận chức danh chuyển cho nhà trường đại học. Đấy là một phần trong lộ trình đổi mới giáo dục ở Việt Nam – trao quyền, tăng tự chủ cho các nhà trường đại học.
Tuy nhiên, có một việc mà luật và các văn bản pháp lý chưa quy định chặt chẽ. Đó là để được công nhận chức danh GS, PGS của một trường đại học, ứng viên phải thực sự làm việc ở đó. Tôi nghĩ rằng cần có những điều chỉnh phù hợp về mặt pháp lý.
• Phá rào cũng phải trong khuôn khổ
Ông nhìn nhận thế nào về vụ việc của Trường ĐH Tôn Đức Thắng?
- Vế đầu tiên trong phát ngôn của Trường ĐH Tôn Đức Thắng giống như quy định của Luật, và điều này ai cũng ủng hộ, tức là nhà trường bổ nhiệm các chức danh GS, PGS. Nhưng vấn đề là tiêu chuẩn và thực hiện như thế nào.
Các trường đại học trong chừng mực nhất định muốn được thực thi quyền tự chủ của mình. Quyết định của Trường ĐH Tôn Đức Thắng phản ánh điều đó. Nếu thực sự các trường đại học muốn khẳng định quyền tự chủ bằng cách vượt qua một số tục lệ quen thuộc thì đây là một dấu hiệu tốt.
Nhưng phải phá rào cũng phải trong khuôn khổ. Trong chuyện này, theo tôi nghĩ khó có cái gì đột phá nếu không nói là lộn xộn khi mỗi trường tự sáng tạo ra các tiêu chuẩn của mình, hệ quy chiếu và cách làm riêng của mình thì không ổn. Một hệ thống giáo dục đại học bao giờ cũng phải có tính đồng nhất và so sánh được vì vậy cách thức bổ nhiệm chức danh của các trường phải theo một khung mẫu chuẩn, còn các trường, tùy theo yêu cầu của mình, có thể đưa ra một số tiêu chí, tiêu chuẩn cao hơn mặt bằng chung.
Theo ông, các trường có chịu thiệt thòi gì không khi việc phong GS, PGS được làm theo cách hiện nay?
- Không thể nói về sự thiệt thòi vì nền giáo dục chịu ảnh hưởng của cả văn hóa, xã hội, các yếu tố truyền thống.
Tại sao Việt Nam có cách phong giáo sư tập trung hóa cao như vậy là do lịch sử để lại. Đó là bởi vì Việt Nam vốn chậm phát triển, trong thời gian đầu của quá trình hình thành hệ thống giáo dục đại học mới, kèm với đó là đội ngũ giảng viên, Nhà nước tập trung việc bổ nhiệm chức danh GS, PGS vào một cơ quan duy nhất là một cách làm để đảm bảo uy tín của những người được bổ nhiệm, đảm bảo chất lượng đội ngũ giảng viên đại học.
Sau này, khi Việt Nam tiếp cận nhều hơn với giáo dục đại học của các nước trên thế giới, mở cửa hơn, trao đổi khoa học mạnh hơn, thì việc bổ nhiệm chức danh dần dần được chuyển giao cho các trường như tôi đã nói.
Quá trình thay đổi không thể diễn ra nhanh chóng qua đêm, mà phải có quá trình chuyển đổi, thích ứng.
Vấn đề ở chỗ, dù hệ thống có thay đổi như thế nào cũng phải minh bạch hóa các tiêu chuẩn, quy trình. Phải chốt lại GS, PGS là chức danh di dạy, không dành để “trao”, “phong”, “tôn vinh” như các danh hiệu Nhà giáo nhân dân hay Nhà giáo ưu tú. Là chức danh gắn với việc làm cụ thể, nên phải tránh để những người không gắn với công tác dạy học hay nghiên cứu khoa học ở các trường đại học, viện nghiên cứu “đeo” những chữ đó.
Nếu các trường đặt ra tiêu chuẩn bổ nhiệm cao hơn quy định hiện hành thì sao, thưa ông?
- Thật ra, anh đang ở môi trường nào phải hoạt động theo cách của môi trường đó. Một trường đại học Nhật không thể bảo với chính phủ Nhật rằng tôi sẽ bổ nhiệm chức danh GS, PGS theo kiểu Úc. Cũng như không thể ở Việt Nam bảo tôi làm theo kiểu của Mỹ. Có sự khác biệt giữa các nước, không thể nói chung chung là tôi làm theo kiểu Anh, Mỹ hay làm theo hướng tiên tiến hiện đại. Mà mỗi việc làm phải được đặt đúng vào bối cảnh văn hóa xã hội và giáo dục của nhà trường đó.
Tôi ủng hộ tăng quyền tự chủ cho các trường, cả trong việc bổ nhiệm chức danh GS, PGS. Đã có nhiều trường hợp có giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn nhưng không được các trường bổ nhiệm. Điều này khẳng định yêu cầu của nhà trường ở mức độ nào đó có thể cao hơn mặt bằng chung. đó là điều đáng khuyến khích.
Mặt bằng chung Nhà nước đặt ra coi như “điểm sàn”. Còn lại là cơ sở đào tạo căn cứ vào năng lực, điều kiện của mình để xác định thêm những yêu cầu phụ, hoặc tự đánh giá ứng viên có phù hợp không.
Ông nghĩ thế nào về quan điểm cho rằng cần để cho các trường được tự chủ - tự bổ nhiệm GS, PGS, tăng uy tín hoặc sẽ bị xã hội đào thải thì cũng để cho các trường tự chịu trách nhiệm?
- Ở chỗ này cũng có sự mập mờ.
Uy tín là điều khó đo đạc hay đánh giá. Nhưng về cơ bản, người ngoài sẽ nhìn vào người đang giữ cương vị chủ chốt của nhà trường, những người đứng đầu các hoạt động học thuật của nhà trường. Anh có thể đeo trên người đầy tem mác, nhưng người ngoài mà đánh giá không ra gì thì nhà trường sẽ bị thiệt hại đầu tiên.
Có không ít người hiểu nhầm chữ tự chủ. Tự chủ không phải là tôi tự làm tôi tự chịu trách nhiệm. Chúng ta có một thời lẫn lộn khi dùng chữ tự chịu trách nhiệm. Vấn đề ở đây không phải là tự chịu, mà là chịu trách nhiệm với ai?
Đó là với những người có liên quan, với các cơ quan quản lý, các nhà đầu tư hay góp vốn, hỗ trợ cho nhà trường, với chính sinh viên của trường, với địa phương, giảng viên, các bên liên đới như công đoàn, các tổ chức đoàn thể quần chúng trong trường… Uy tín của nhà trường không phải là thứ có thể xóa đi viết lại như mới từ đầu nên những người lãnh đạo nhà trường nên thận trọng khi muốn “làm tăng uy tín” cho nhà trường.
Xin cảm ơn ông!
Ngân Anh (thực hiện)