- Với quyết định bổ nhiệm mới đây của Viện trưởng Viện toán học,áosưtuổitrẻnhấtViệtỷ số ngoại hạng anh Phạm Hoàng Hiệp trở thành giáo sư (GS) trẻ nhất của Việt Nam và là người duy nhất của ngành Toán học đủ tiêu chuẩn được công nhận GS năm 2017.
Không tính trường hợp nhà toán học Ngô Bảo Châu và Vũ Hà Văn (làm việc tại Mỹ và Pháp) được Hội đồng chức danh GS Nhà nước "công nhận đặc cách" ở tuổi mới ngoài 30, tính đến hiện nay, Phạm Hoàng Hiệp là người trẻ nhất được công nhận đủ tiêu chuẩn chức danh GS ở tuổi 36. Cách đây 7 năm, anh cũng từng được công nhận chức danh PGS.
GS Phạm Hoàng Hiệp |
Phạm Hoàng Hiệp (sinh năm 1982, quê Hải Dương) tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2004; bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Umea, Thụy Điển năm 2008, và luận án tiến sĩ khoa học tại Đại học Aix-Marseille, Pháp năm 2013. Từ năm 2005 đến năm 2014, anh là cán bộ giảng dạy tại khoa Toán- Tin của Trường ĐH Sư Phạm Hà Nội. Từ năm 2015, anh là cán bộ Viện Toán học, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
GS Hiệp là nhà toán học Việt Nam ở trong nước đầu tiên có bài đăng trên tạp chí Acta Mathematica - tạp chí được xếp hạng cao nhất theo chỉ số ảnh hưởng và chỉ số trích dẫn năm năm trong danh mục 302 tạp chí ngành toán lý thuyết của cơ sở dữ liệu ISI.
Tính tới nay, anh và các đồng nghiệp đã có 38 bài báo khoa học xuất bản trên các tạp chí khoa học chuyên ngành và một quyển sách chuyên khảo.
Hiện, GS Hiệp đang tham gia như là một thành viên trong Ban biên tập của tạp chí Acta Mathematica Vietnamica.
GS Hiệp đã được tặng nhiều danh hiệu và giải thưởng như: Gương mặt trẻ Việt nam tiêu biểu năm 2011, Giải nhất giải thưởng khoa học của Trường đại học sư phạm Hà Nội năm 2013, Giải thưởng Viện Toán học năm 2013, Giải thưởng Tạ Quang Bửu dành cho nhà khoa học trẻ năm 2015, thành viên trẻ của Viện Hàn lâm khoa học Thế giới thứ ba (2016-2020).
GS Phạm Hoàng Hiệp cũng vừa được Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam bổ nhiệm làm giám đốc Trung tâm quốc tế đào tạo và nghiên cứu toán học, còn gọi là Trung tâm toán học UNESCO.
Theo anh Hiệp, trung tâm này ra đời dựa trên thỏa thuận giữa Chính phủ và UNESCO là nhằm đào tạo các tài năng toán học của Việt Nam và các nước trong khu vực Đông Nam Á cùng một số nước ở châu Phi. Trung tâm này sẽ phối hợp Học viện Khoa học và Công nghệ đào tạo sau đại học.
“Định hướng của trung tâm cũng giống với tâm huyết của tôi. Sau quãng thời gian giảng dạy ở trường sư phạm hơn 10 năm tôi rất tâm huyết và thích thú với việc đào tạo các tài năng toán học và đó cũng là lý do mà tôi nhận lời với vị trí này”, GS Hiệp chia sẻ.
- Anh kỳ vọng mình sẽ mang lại được điều những gì cho trung tâm?
Tôi kỳ vọng sẽ xây dựng được chương trình thật tốt để đào tạo những người giỏi toán, có trình độ, sau này có thể góp phần tạo ra đội ngũ giảng viên cho các trường đại học, hoặc có thể làm cho các công ty về ứng dụng toán học.
Hiện, ở Việt Nam lĩnh vực ứng dụng toán học chưa thực sự phát triển nên chúng ta phải học hỏi kinh nghiệm thế giới.
- Chương trình này anh sẽ xây dựng với một số người hay chỉ một mình?
Sẽ có nhiều người và có thể có cả hội đồng khoa học. Mình chỉ là người tìm hiểu và rồi đề xuất, sau đó phải hỏi ý kiến của hội đồng khoa học tập thể và lựa chọn theo những góp ý. Trên thế giới có nhiều chương trình, như vậy sẽ nhiều người tham gia vào chứ không phải chỉ mình tôi. Tức khi có một ý tưởng như vậy, đầu tiên mỗi người phải đi tìm những chương trình của các nước, xong đem về nghiên cứu xem như thế nào, có phù hợp ở Việt Nam, có người dạy được môn đó hay không,…
- Trung tâm sẽ có mối liên hệ gì với Viện Nghiên cứu cao cấp về toán (VIASM) như thế nào?
Với Viện Nghiên cứu cao cấp về toán thì chủ yếu hỗ trợ nghiên cứu khoa học, tức giảng viên các trường đại học, các viện nghiên cứu đến VIASM làm việc trong thời gian ngắn và thực hiện công việc nghiên cứu khoa học. Còn trung tâm của chúng tôi thiên về đào tạo các bạn trẻ, tất nhiên cũng có cả nghiên cứu khoa học. Trung tâm sẽ có chương trình học tốt và sẽ tìm những người dạy tốt để dạy cho các bạn đó.
Việc đào tạo, chúng tôi sẽ phối hợp với Học viện Khoa học và Công nghệ (đơn vị có chức năng đào tạo) để đào tạo sau đại học.
- Được biết, anh từng quyết định rời Trường ĐH Sư phạm Hà Nội về với Viện Toán học để có thể chuyên tâm hơn với việc nghiên cứu khoa học. Giờ phải quay lại công việc đào tạo, bản thân anh có sợ lại rơi vào trạng thái cũ?
Viện nghiên cứu là cơ quan thuần túy nghiên cứu nên có tất cả các bộ phận chuyên nghiệp tập trung, hỗ trợ cho việc nghiên cứu và tổ chức nghiên cứu khoa học. Trường đại học cũng có nghiên cứu nhưng thực hiện công tác giảng dạy là chính và khi thực hiện 2 nhiệm vụ cùng lúc nên không thể nào chuyên nghiệp.
Ở trường sư phạm, tôi từng được phân dạy hệ chất lượng cao thì công việc giảng dạy rất tốt, nhưng đôi khi mình không được thực hiện theo ý muốn của mình, rằng xây dựng một chương trình khoa học và mình có thể đi nghiên cứu các chương trình giảng dạy các nước, đem về xem độ phù hợp với tình hình Việt Nam.
Kia là giảng dạy theo nghĩa là có chương trình rồi và giờ dạy cái đó. Còn giờ đây, trung tâm sẽ nghiên cứu xem chương trình nào tốt nhất, tức là mình có thể vận dụng tri thức hiểu biết của mình để giúp có những chương trình đào tạo tốt nhất. Việc này sẽ được chủ động hơn.
- Giờ đây phải trở thành người tổ chức nghiên cứu khoa học, anh có lo ngại điều này sẽ tác động đến năng suất và hiệu suất nghiên cứu khoa học của bản thân?
Tất nhiên công việc này là việc tổ chức nghiên cứu, quản lý nhưng vẫn thuộc về khoa học nên tôi nghĩ sẽ không ảnh hưởng nhiều đến bản thân. Song tất nhiên là sẽ mất thời gian hơn, nhưng điều này không đáng lo vì giờ đây chúng ta làm việc theo nhóm.
- Việc quản lý ở nước ta thường mất nhiều thời gian và thủ tục cho những việc “nặng” hành chính. Anh có sợ bản thân sẽ bị sa lầy vào các công tác hành chính đó?
Tôi nghĩ vị trí hẹp thì không sao. Nhưng tôi cũng nghĩ thực ra nếu làm việc đó mà cảm thấy thiết thực và mang lại điều tốt cho mọi người, giúp được nhiều người khác thì cũng là việc tốt chứ không có vấn đề gì. Tôi nghĩ ở cương vị nào mình cũng cần phải thực hiện tốt nhiệm vụ.
- Xin cảm ơn anh!
GS Phùng Hồ Hải, Viện trưởng Viện Toán học cho rằng, chắc chắn rằng ở vị trí mới với công tác tổ chức nghiên cứu khoa học sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến hiệu suất nghiên cứu khoa học của GS Phạm Hoàng Hiệp. Tuy nhiên, GS Hải cho rằng đó là việc “phải chấp nhận hy sinh đánh đổi” để khỏa lấp lỗ hổng về mặt thế hệ kế nhiệm. “Thế hệ 7X do nhiều lý do hiện rất mỏng ở Viện Toán học, và chúng tôi rất mừng là thế hệ 8X đông đảo hơn. Cũng vì thế mà các bạn thế hệ này phải bắt đầu sớm hơn để gánh vác công việc. Tôi từng nói chuyện trực tiếp với Hiệp là chắc chắn sẽ bị thiệt thòi về mặt nghiên cứu chứ không thể được như ngày trước. Nhưng biết làm sao được. Tất nhiên khi mới bắt đầu với công việc quản lý sẽ còn nhiều ngỡ ngàng, một cách nôm na là phải học việc. Nhưng với sự hỗ trợ của những thế hệ đi trước, tôi tin trong thời gian ngắn GS Hiệp sẽ nắm được công việc. Còn về mặt chuyên môn thì chúng tôi hoàn toàn tin tưởng bởi GS Hiệp là người rất quan tâm, đầu tư nhiều thời gian vào việc đào tạo. Vì thế chúng tôi tin rằng GS Hiệp sẽ thành công trong việc vận hành và quản lý trung tâm này”, GS Phùng Hồ Hải chia sẻ. Theo thống kê của Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước, độ tuổi trung bình khi được phong/bổ nhiệm của giáo sư Việt Nam từ năm 1980 đến 2016 là 57,13 và của phó giáo sư là 50,14; già hơn so với các nước phát triển. Năm 2017, tuổi bình quân của ứng viên đạt tiêu chuẩn giáo sư là 55. Trong lịch sử hơn 40 năm kể từ đợt phong giáo sư, phó giáo sư đầu tiên đến nay, phần lớn những nhà khoa học khi được công nhận và bổ nhiệm chức danh giáo sư ở độ tuổi trên dưới 60. Một số trường hợp được công nhận và phong giáo sư khi đã ngoài 80 tuổi. Từ năm 2011 đến nay bắt đầu xuất hiện những nhà khoa học được công nhận đạt tiêu chuẩn giáo sư với độ tuổi trên dưới 40.
|
Thanh Hùng