Tôi là tác giả bài viết "Bài Toán tính số gạch lót phòng khiến con tôi chán nản". Để làm rõ hơn thực trạng dạy và học Toán hiện nay ở nước ta,àmviệcnhưcáimáyvìkhôngbiếthọcToánđểlàmgìbongda kết quả tôi xin nêu một ví dụ minh họa cụ thể:
Vì công việc đặc thù của mình, trong 20 năm qua, tôi đã có dịp tiếp xúc với khoảng 20.000 - 30.000 lao động kỹ thuật có trình độ chuyên môn từ sơ cấp đến đại học, trên đại học, từ Bắc vào Nam của hàng ngàn doanh nghiệp. Tôi thường thử nghiệm hỏi các bạn ấy những câu hỏi mà trước đây khi đi học tôi thường thắc mắc (vì học kém). Từ những khái niệm, thuật ngữ Toán, Lý, Hóa đơn giản cho đến những kiến thức chuyên môn của họ.
Tôi không hề hỏi những câu quá cao siêu, hoặc chuyên môn quá sâu. Chẳng hạn như: gia tốc là gì, momen lật là gì, tần số dòng điện là gì? Hoặc tại sao thiết bị thu nhiệt lại đóng tuyết...? Bản chất thực tế, ý nghĩa ứng dụng của chúng trong cuộc sống là gì...? Nếu đại lượng ấy lớn lên, nhỏ xuống, nhiều hay ít thì sẽ ảnh hưởng đến công việc đang làm, đến con người...?
Thật bất ngờ, khi có đến khoảng 99 % là các bạn không trả lời được về bản chất thực sự, ý nghĩa, ứng dụng của các kiến thức cơ bản ấy trong cuộc sống thực tế. Một số ít bạn khá lắm cũng nói được định nghĩa, khái niệm theo sách giáo khoa là hết. Trong đó, có những bạn đã làm lâu năm, thậm chí có người đang học cao học, hoặc vừa ra trường đã được tuyển dụng, nên không thể nói rằng do học lâu quá nên quên. Ở đây, vấn đề không cũng phải là quên mà vì không hiểu bản chất, ý nghĩa, ứng dụng của các kiến thức cơ bản này vào trong cuộc sống nên họ sẽ không thể nào trả lời được.
>> '16 năm học Toán không biết dùng làm gì'
Từ đó, cho thấy việc học hiện nay ở nước ta không đi vào cuộc sống thường nhật. Thế mà, hàng chục ngàn lao động đó vẫn làm việc được bình thường suốt nhiều năm. Tại sao vậy? Chẳng lẽ những kiến thức kia không cần dùng đến? Thật ra, trong cuộc sống, hầu như họ chỉ cần xử lý công việc bằng kinh nghiệm, từ hướng dẫn các chuyên gia, người đi trước, hoặc họ lựa chọn các thông số, số liệu... theo ghi chép trong sách vở, sổ tay...
Hơn nữa, có những việc họ làm hàng ngày, nhưng lại không lý giải được vì sao lại thực hiện như vậy, chỉ làm như cái máy?
Thế nên, phần lớn chúng ta cho rằng các kiến thức này (Toán, Lý, Hóa cơ bản) chẳng ảnh hưởng, chẳng dùng gì đến trong cuộc sống, trong công việc, học cũng bằng thừa. Nhưng đến khi gặp những tình huống đột xuất, ngoài kinh nghiệm xử lý, ngoài khuôn mẫu thì đa phần chịu chết.
Thực tế, trong quá trình lao động, vận hành, chế tạo thiết bị, xảy ra rất nhiều nguy cơ người lao động gặp tai nạn, hư hỏng thiết bị... do việc không hiểu biết sâu sắc, hoặc thiếu kiến thức cơ bản này gây ra. Khi vận hành bị tai nạn, hư hỏng thiết bị, sản xuất sản phẩm lỗi... họ lại không giải thích được các hiện tượng sự vật bằng khoa học, đổ tất cả do xui rủi, không may, từ đó không thể đưa ra giải pháp khắc phục toàn diện nhất.
Khi tôi cho họ một vài ví dụ về ứng dụng của momen, gia tốc... vào giải các bài toán tính sự lật của xe nâng, cần trục, tác dụng của tần số dòng điện đến con người, bản chất của tần số dòng điện, biểu hiện ra ngoài như thế nào..., những người lao động kia đều tỏ ra ngạc nhiên, họ nói chưa từng nghe giải thích như vậy bao giờ. Đây là hệ quả của việc dạy học "tầm chương trích cú", không đưa việc giảng dạy vào thực tế cuộc sống vẫn tồn tại trong giáo dục Việt nhiều năm qua.
Qua đây, tôi xin nhắc lại đôi điều đã nói từ bài viết trước, việc chỉ giảng dạy giải Toán bằng các phương pháp, cách thức có sẵn, khiến môn học trở nên khô khan, xa rời thực tế, người học sẽ không biết học Toán này để làm gì?
Vì thế nên chăng cần giảm tải chương trình toán ở cấp phổ thông trung học? Thay vào đó, tăng cường các tiết dạy Toán ứng dụng thực tế cho học sinh, để các em hiểu rõ những ý nghĩa, ứng dụng của Toán học trong cuộc sống, từ đó áp dụng được vào cho công việc sau này.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.