Tỉnh Hoà Bình sẽ xây dựng sản phẩm cá, tôm sông Đà đảm bảo sạch, an toàn, chất lượng cung cấp cho thị trường trong nước, nhất là Hà Nội và hướng tới xuất khẩu. Qua đó tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống, phát triển kinh tế một cách ổn định, bền vững cho các gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp nuôi trồng thuỷ sản trên lòng hồ thuỷ điện Hoà Bình.
9 tháng đã hoàn thành thu ngân sách năm 2024
Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình Nguyễn Văn Toàn tại họp báo Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình 2024 vừa diễn ra.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Toàn, Tuần Văn hóa - Du lịch Hòa Bình 2024 không chỉ là sự kiện văn hóa mà còn là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế thông qua 4 nội dung đột phá đã được tỉnh đề ra từ đầu nhiệm kỳ.
Bốn nội dung này bao gồm quy hoạch, phát triển hạ tầng, cải thiện môi trường kinh doanh và phát triển nguồn nhân lực. Trong đó, quy hoạch được coi là yếu tố căn bản giúp tạo nền móng cho các dự án phát triển du lịch lâu dài. Dự kiến, tỉnh sẽ ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch trong thời gian tới để các dự án du lịch và văn hóa được triển khai một cách bài bản và bền vững.
“Dù đối mặt với nhiều khó khăn sau đại dịch COVID -19, tỉnh Hòa Bình đã có những bước tiến đáng kể trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Với tốc độ tăng trường GRDP đạt 9,02% trong 9 tháng đầu năm 2024, Hoà Bình đã hoàn thành vượt mức kế hoạch thu ngân sách năm 2024, đạt khoảng 6.400 tỷ đồng.
Đặc biệt, du lịch đã đóng góp tích cực vào ngân sách khi thu hút 3,8 triệu lượt khách, đạt doanh thu 4.000 tỷ đồng. Đây là kết quả của những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển nguồn nhân lực để phục vụ cho ngành du lịch và các ngành kinh tế khác”,ông Toàn nói.
Cũng theo ông Toàn, Tuần Văn hóa - Du lịch Hòa Bình 2024 cũng là dịp để giới thiệu tiềm năng du lịch của Hoà Bình, không chỉ thông qua các hoạt động văn hóa, mà còn qua việc quảng bá sản phẩm địa phương như các sản phẩm OCOP, đặc sản cá, tôm sông Đà, hay rượu cần - những sản vật đặc trưng gắn với văn hóa và bản sắc của Hòa Bình. Điều này sẽ góp phần xây dựng thương hiệu địa phương, đưa Hòa Bình trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút không chỉ du khách mà còn các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Xây dựng vùng nuôi thuỷ sản đặc hữu
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hoà Bình, hồ thủy điện Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) có diện tích mặt nước hơn 16.000 ha, dung tích chứa trên 9 tỷ m3 và diện tích mặt hồ khoảng 8.900 ha. Đặc biệt, nơi đây có môi trường trong sạch để phát triển nuôi cá lồng với giá trị kinh tế cao. Nhờ đó, những năm gần đây, sản phẩm cá sông Đà ngày càng có uy tín trên thị trường và hướng tới xuất khẩu.
Ông Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hoà Bình cho biết, ngày 13/6/2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình ban hành Nghị quyết số 12/NQ-TU về phát triển nuôi cá lồng bè vùng hồ thủy điện Hòa Bình giai đoạn 2014 - 2020.
Sau khi BTV Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 10/2015/QĐ-UBND ngày 27/4/2015 Quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nuôi cá lồng vùng hồ thủy điện Hòa Bình giai đoạn 2015 - 2020. Chính sách hỗ trợ cho các cơ sở (hộ, nhóm hộ, hợp tác xã, trang trại) nuôi thủy sản bằng lồng bè có quy mô 50m3 trở lên thuộc vùng quy hoạch nuôi thủy sản tập trung được UBND tỉnh phê duyệt, được hỗ trợ một lần là 50% chi phí đầu tư cho một lồng nuôi với mức hỗ trợ 25 triệu đồng, tối đa không quá 80 triệu đông/hộ/năm.
Từ khi Nghị quyết và chính sách hỗ trợ được ban hành đã khuyến khích phong trào nuôi cá lồng trên vùng hồ phát triển khá nhanh, số lượng lồng cá nuôi được tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Đa số các lồng nuôi cá hiện nay đều làm theo công nghệ mới, lồng lưới khung sắt với thể tích đạt 70 - 100m3/lồng đã thay thế dần các lồng bương tre.
Hộ tham gia nuôi trồng đáp ứng yêu cầu quy chuẩn kỹ thuật, quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm. Đối tượng nuôi có giá trị cao như: cá Chiên, cá Lăng, cá Bỗng, cá Trắm đen, cá Rô phi, cá Tầm, cá Lóc, cá Vược... được phát triển mạnh.
“Thời điểm năm 2014, toàn tỉnh Hoà Bình có khoảng 500 lồng cá với khoảng 1.000 tấn, đến nay đã tăng lên gần gấp 10 với 4.960 lồng, sản lượng 12000 tấn, tăng doanh thu từ 85 tỷ đồng năm 2014 lên 340 tỷ đồng năm 2024. Phát triển nuôi cá lồng bè đã tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho trên 5.000 lao động, vượt 2,2 nghìn lao động so với mục tiêu Nghị quyết”, ông Vương Đắc Hùng nói.
Nhấn mạnh thêm về mục tiêu phát triển kinh tế gắn với nuôi trồng thuỷ sản, một thế mạnh của địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình Nguyễn Văn Toàn cho biết, đây là dịp để quảng bá du lịch gắn với phát triển lòng hồ thuỷ điện Hoà Bình, phát triển chuỗi cá sạch, cung cấp cho các thị trường lớn trong nước và hướng đến xuất khẩu trong thời gian tới.
Thực hiện liên doanh, liên kết trong tiêu thụ sản phẩm, hiện nay trên địa bàn tỉnh có gần 40 doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, trang trại hộ gia đình đầu tư nuôi thầm canh với quy mô lớn (chiếm 60% tổng số lồng nuôi và chiếm 70% tổng sản lượng thủy sản cung ứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh). Có 02 doanh nghiệp đầu tư nuôi hơn 200 lồng nuôi thèo công nghệ tiên tiến. Đối tượng nuôi đa số là các loài cá đặc sản, cho chất lượng sản phẩm tốt đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
Ngành nông nghiệp đã tham mưu UBND tỉnh Đề án phát triển thuỷ sản bền vững, bảo vệ tái tạo nguồn lợi thuỷ sản, thả cá hàng năm, phát triển các loại các đặc sản, cá đặc hữu gắn với an toàn vệ sinh thực phẩm, phát triển chuỗi giá trị, các HTX, quảng bá xúc tiến thương mại….
Vì thế, Lễ hội cá, tôm sông Đà lần này sẽ tiếp tục góp phần xây dựng hình ảnh thủ phủ cá tôm sông Đà, thúc đẩy phát triển ngành thủy sản gắn liền với du lịch sinh thái vùng hồ sông Đà.
"Đồng thời, thông qua lễ hội, giới thiệu hình ảnh ấn tượng về tiềm năng, thế mạnh, cảnh quan và bản sắc văn hóa truyền thống của tỉnh Hòa Bình nói chung, khu du lịch vùng hồ sông Đà nói riêng, góp phần kích cầu phát triển du lịch và thu hút mở rộng thị trường khách du lịch trong và ngoài nước đến với tỉnh Hòa Bình",ông Hùng cho hay.
Thời gian tới, để có thêm nhiều sản phẩm cá lồng đạt tiêu chuẩn OCOP, ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình tiếp tục phối hợp các sở, ngành, địa phương tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các chủ thể tuân thủ đúng quy định của pháp luật về sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn; điều kiện an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; sử dụng bao bì, nhãn hiệu đúng quy định. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn, các địa phương và cơ quan chuyên môn hoàn thiện hồ sơ đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, hướng đến xuất khẩu cá Sông Đà sang các thị trường khó tính.
PHẠM DUY