Khi các ông lớn mạnh công nghệ,ửasốngcủaứngdụnggọkeo nhà cai5 giàu kinh tế sẵn sàng đổ tiền để trói chân người dùng trong hệ sinh thái siêu ứng dụng, các ứng dụng mới khó chen chân khi không có tiềm lực hay tạo được sự khác biệt.
Tháng 3/2021, ứng dụng Be thông báo giảm giá cước dịch vụ xe hai bánh để cạnh tranh. Khi giảm 3.000 đồng cho mỗi cuốc xe 2km, giá của Be mới ngang bằng với Gojek và Grab, dù hai ứng dụng này đã mấy lần tăng giá cước kể từ cuối năm 2020, khi chính sách về thuế thay đổi.
Giá cước được các ứng dụng gọi xe liên tục thay đổi theo tình hình thị trường, nhưng điều này cũng cho thấy các doanh nghiệp trong nước không có ưu thế trong cuộc chạy đua về giá khi kém hơn về tiềm lực kinh tế.
Việt Nam là một trong những thị trường gọi xe phát triển nhanh nhất Đông Nam Á. Nền kinh tế số phát triển mạnh mẽ mang lại cơ hội kiếm tiền cho các ứng dụng vận tải.
Theo báo cáo của Google, Temasek và Brain & Company, với tốc độ tăng trưởng 38%, quy mô thị trường gọi xe có thể đạt 4 tỷ USD vào năm 2025. Năm 2020, mảng dịch vụ vận tải và thực phẩm tại thị trường Việt Nam đạt doanh thu 1,6 tỷ USD và có thể tăng lên tới 7 tỷ USD vào năm 2025. Quy mô thị trường vô cùng hấp dẫn, nhưng phần lớn thị phần lại đang thuộc về các nền tảng ngoại.
Doanh nghiệp trong nước ở “chiếu dưới” trong cuộc đua đốt tiền
Đốt tiền để chiêu mộ tài xế và thu hút khách hàng là những bước đi quen thuộc của tất cả các ứng dụng gọi xe mới ra mắt muốn chiếm lĩnh thị trường. Cuộc đua này chỉ dành cho các doanh nghiệp có tiềm lực và được hậu thuẫn về kinh tế.
Grab chủ trương “đốt tiền” để chiếm lĩnh thị trường ngay khi vào Việt Nam.
Với tiềm lực công nghệ và nguồn vốn đầu tư dồi dào, các kỳ lân công nghệ như Grab hay Gojek đang chiếm ưu thế ở lĩnh vực gọi xe.
Ngay khi vào Việt Nam năm 2014, Grab đã chủ trương “đốt tiền” nhằm giành miếng bánh đang nằm tay trong các hãng taxi truyền thống nhờ sự tiện lợi và các cuốc xe giá rẻ. Chiến dịch đốt tiền trong thời gian dài đã mang đến thành công khi Grab có hàng trăm nghìn tài xế sẵn sàng đón khách ở mọi ngóc ngách, đồng thời mở rộng ra các mảng kinh doanh mới khi đã chắc chân ở thị trường gọi xe.
Gojek cũng có những bước đi tương tự. Vào Việt Nam dưới màu áo đỏ GoViet, kỳ lân Indonesia gây "sốc" khi tung chiêu khuyến mãi với các chuyến đi “rẻ như cho” trong khi vẫn thưởng thêm cho các tài xế để đảm bảo thu nhập. Chiêu đốt tiền này đã thu hút lượng lớn khách hàng, tài xế đến, và đưa ứng dụng này thuận lợi mở rộng thị trường.
Nghiên cứu của ABI Research cho thấy vị thế dẫn đầu của Grab ngày càng được củng cố khi khi chiếm tới 74,6% thị phần vào năm 2020. Các trung tâm đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM phủ kín màu áo xanh Grab dù giá các cuốc xe không còn rẻ.
Gojek đang giành giật vị trí ngay sau Grab bởi tiềm lực mạnh.
Be, ứng dụng Việt Nam duy nhất còn dẻo dai trong cuộc chạy đua này đứng thứ 2 nhưng đang bị Gojek bám đuổi quyết liệt và rút ngắn khoảng cách đáng kể với 12,4% thị phần, còn 12,3% thuộc về Gojek. Bà Nguyễn Hoàng Phương, CEO Be Group cho rằng không chỉ khó thu hút vốn đầu tư, các ứng dụng Việt Nam còn vấp phải thách thức lớn bởi tâm lý “sính ngoại” của khách hàng. Điều này khiến thị trường dễ bị chi phối bởi doanh nghiệp ngoại.
Để đổi lấy 75% thị phần như hiện tại và mở rộng lĩnh vực hoạt động, cái “giá” phải trả là những khoản lỗ khổng lồ. Từ 2014 – 2017, Grab lỗ 1.726 tỷ đồng, CEO Grab khi đó cho biết khoản lỗ trên phần lớn đến từ việc thưởng cho đối tác, tài xế và nghiên cứu phát triển công nghệ. Năm 2019, khoản lỗ của Grab vào khoảng 1.700 tỷ đồng.
Để duy trì thị phần của mình, Be và Gojek cũng ở tình cảnh chịu lỗ tương tự trong khi hầu hết các doanh nghiệp nhỏ không thể trụ vững vì thiếu tiềm lực.
Nhưng không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn khu vực, Grab vẫn chưa có lãi ở ngay thời điểm sắp IPO tại Mỹ. Năm 2020, kỳ lân này lỗ 800 triệu USD dựa trên chỉ số EBITDA (lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao) và dự kiến lỗ 600 triệu USD năm nay.
Tìm cửa vươn lên
Suốt từ năm 2018, khi Uber rút lui và tạo ra khoảng trống cho thị trường, gần 20 ứng dụng gọi xe lần lượt công bố ra mắt như Vato, Xế lô, Aber, FastGo, GV Taxi, ViApp … nhưng lại dần “mất dấu” ở trên chính sân nhà dù ra đời khá rầm rộ.
Be đang tìm cách liên kết với nhiều doanh nghiệp trong nước để cạnh tranh.
Khi FastGo dần khép lại các hoạt động của mình ở lĩnh vực gọi xe, các tân binh không lách được qua “khe cửa hẹp”, thị trường gọi xe chỉ còn Be đơn thương độc mã cạnh tranh với các đối thủ ngoại giàu tiềm lực tài chính và công nghệ.
Năm 2020, Nghị định 10 về điều kiện kinh doanh vận tải đã định danh lại các loại hình vận tải ô tô, cân bằng giữa taxi truyền thống và công nghệ sau một thời gian dài tranh cãi. Các doanh nghiệp như Grab cũng buộc phải lựa chọn loại hình để tuân thủ quy định.
Mới đây, Nghị định 126 hướng dẫn Luật Quản lý thuế cũng yêu cầu các nền tảng như Grab, Gojek phải kê khai và nộp thuế ngang bằng với các doanh nghiệp vận tải khác. Điều này khiến họ phải tăng giá cước với hành khách, chiết khấu với tài xế và gây ra nhiều phản ứng mạnh.
Trong khi đó, Be đã đăng ký hoạt động vận tải không bị ảnh hưởng nhiều bởi quy định mới. Nhưng chiến dịch đốt tiền cho các cuốc xe chở khách giờ đây không còn hiệu quả, nhất là khi các chính sách quản lý đã đưa cạnh tranh về thế cân bằng. Các doanh nghiệp phải vươn lên bằng nhiều cách khác.
Khi nói về nền tảng số Make in VietNam có thể cạnh tranh với các ông lớn, CEO Be Group Nguyễn Hoàng Phương cho biết cần phải tiếp cận khác với các đối thủ cạnh tranh. Thay vì chạy theo cuộc đua siêu ứng dụng, Be xây dựng nền tảng mở, trở thành một nhà cung cấp dịch vụ di động cho phép người dùng lập kế hoạch, thanh toán nhiều loại dịch vụ trên một nền tảng.
Be vẫn kiên trì với mảng dịch vụ 4 bánh, thực hiện chiến lược này được thực hiện bằng việc mở rộng chuỗi liên kết với các doanh nghiệp vận tải khác trong nước như EMDDI, Liên minh taxi việt, Lado hay Vexere.vn để tăng sức mạnh. Đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp taxi địa phương nhằm kết nối các xe taxi truyền thống lên nền tảng gọi xe công nghệ. Lãnh đạo công ty này cho biết mở hệ sinh thái số và sẵn sàng chào đón các doanh nghiệp khác cùng hợp tác và phát triển.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp nhỏ cũng đang đi vào các thị trường ngách như gọi xe đường dài, đi tỉnh hay vận tải hàng hóa. Đây là hướng đi khôn ngoan. Dù vậy việc cạnh tranh của các ứng dụng Việt trong tương lai sẽ vẫn còn khó khăn. Nhất là khi các công ty gọi xe mở rộng sang các ngành dịch vụ khác, có thể tối ưu hóa các khoản đầu tư của họ vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, đồng thời "trói chân" người tiêu dùng trong mạng lưới của mình. Điều này khiến các ứng dụng ít dịch vụ hơn có thể khó cạnh tranh và các ứng dụng mới khó có thể chen chân khi không có tiềm lực và tạo được sự khác biệt.
Dù chưa thể có ưu thế trong cuộc cạnh tranh đường dài này, nhưng sự tồn tại của các ứng dụng do doanh nghiệp Việt Nam phát triển trong thời gian qua cho thấy sức bền khi bắt tay liên minh và đi vào các thị trường ngách với sự thấu hiểu tâm lý và nhu cầu khách hàng. Đặc biệt là việc làm chủ công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp Việt có những phản ứng nhanh nhạy để thích ứng ngay khi thị trường thay đổi.
Duy Vũ
Ứng dụng be sẽ điều chỉnh giảm giá cước các dịch vụ xe 2 bánh vào giữa tháng 3. Giá cước tối thiểu được điều chỉnh trước tiên tại TP.HCM, rút khoảng cách giá dịch vụ giữa be với các đối thủ.