Thanh khoản cải thiện
Đà tăng của các chỉ số duy trì đến hết phiên 29/10. VN-Index đóng cửa tăng 7,01 điểm tương ứng 0,56% lên 1.261,78 điểm; HNX-Index tăng 0,96 điểm tương ứng 0,43% và UPCoM-Index tăng 0,18 điểm tương ứng 0,19%.
Tiền vào thị trường tích cực hơn. Nhờ vậy, thanh khoản cải thiện so với phiên trước, đạt 875,04 triệu cổ phiếu tương ứng 18.820,16 tỷ đồng trên HoSE và 37,13 triệu cổ phiếu tương ứng 565,05 tỷ đồng trên HNX. Khối lượng giao dịch trên thị trường UPCoM đạt 19,23 triệu cổ phiếu tương ứng 259,24 tỷ đồng.
Sắc xanh chiếm ưu thế trong bức tranh thị trường chung, đạt 511 mã tăng giá, 34 mã tăng trần so với 276 mã giảm, 18 mã giảm sàn. Đáng chú ý, sàn HoSE có đến 11 mã tăng trần trong số 244 mã tăng.
Cổ phiếu YEG của Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1, nhà sản xuất "Anh trai vượt ngàn chông gai", gây bất ngờ với diễn biến tăng trần lên 10.500 đồng, vượt mệnh giá. Khối lượng giao dịch tại mã này hôm nay cũng đột biến lên 3,4 triệu đơn vị so với mức bình quân trong 3 tháng qua là hơn 1 triệu cổ phiếu mỗi phiên.
YEG tăng trần sau khi Yeah1 công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III với doanh thu đạt hơn 345 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần cùng kỳ; lãi sau thuế tăng gần 11 lần, lên mức 34,3 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng, Yeah1 đạt hơn 629 tỷ đồng doanh thu, gấp 2,5 lần cùng kỳ; lãi sau thuế tăng 4,5 lần, đạt gần 56 tỷ đồng, hoàn thành gần 79% kế hoạch doanh thu và gần 86% mục tiêu lợi nhuận của cả năm.
Ngoài ra, phiên hôm nay còn chứng kiến trạng thái tăng trần tại VRC, CSV, DHM, HPX, PSH, DLG, HVN, TDW, PNC, PTL. Các mã này đều "cháy hàng", trắng bên bán. HVN cũng là mã cổ phiếu có ảnh hưởng đáng kể nhất lên VN-Index, đóng góp 0,75 điểm cho chỉ số.
Phiên sáng: Tiền cạn kiệt, giới đầu tư chứng khoán "tiến thoái lưỡng nan"
Trước đó, trong phiên sáng, thị trường chứng khoán đi lên trong nghi ngờ. VN-Index tăng 5,69 điểm tương ứng 0,45% lên 1.260,46 điểm trong khi HNX-Index tăng 0,67 điểm tương ứng 0,3% và UPCoM-Index tăng 0,11 điểm tương ứng 0,11%. Các chỉ số hầu hết vận động trên ngưỡng tham chiếu trong phiên sáng.
Tuy vậy, sự tăng giá của cổ phiếu lại không đi kèm thanh khoản. Lượng tiền vào thị trường vẫn rất yếu. Khối lượng giao dịch trên HoSE đang dừng ở mức 233,52 triệu đơn vị tương ứng 5.169,27 tỷ đồng; trên HNX là 18,22 triệu cổ phiếu tương ứng 285,25 tỷ đồng và trên thị trường UPCoM là 9,71 triệu cổ phiếu tương ứng 132,29 tỷ đồng.
Nhịp độ giao dịch nhìn chung trầm lắng và buồn ngủ. Mã được giao dịch mạnh nhất là DXG, khối lượng chuyển nhượng cũng chỉ đạt 10,6 triệu đơn vị, giá trị tương ứng đạt 81,3 tỷ đồng. Một số mã có giao dịch nhộn nhịp hơn là VIX, VHM, VIB thì khớp lệnh cũng đều dưới 10 triệu cổ phiếu, lần lượt đạt 8,1 triệu, 6,9 triệu và 6,1 triệu đơn vị.
Độ rộng thị trường nghiêng hẳn về phía các mã tăng với 461 mã tăng giá, 23 mã tăng trần so với 240 mã giảm, 16 mã giảm sàn. Mặc dù vậy, diễn biến tăng mạnh chủ yếu nằm ở các mã nhỏ, thanh khoản thấp.
Cổ phiếu tài nguyên cơ bản tiếp tục gây chú ý khi có 2 cổ phiếu tăng trần là DHM và DLG. Trong đó, DLG tăng kịch biên độ HoSE lên 2.030 đồng, khớp lệnh đạt 3,7 triệu đơn vị, dư mua giá trần hơn 1,1 triệu đơn vị. Ngoài ra còn có YBM tăng 6,2%; DMC tăng 3,5%; TTF tăng 2%. Một số mã thép tăng song mức tăng khá khiêm tốn, HPG tăng 0,4%, NKG tăng 0,5%.
Ngành xây dựng và vật liệu cũng chứng kiến SC5 tăng trần, TCR tăng 5,6%; HVX tăng 5,3%; NAV tăng 4,8%, CIG tăng 2,9%; PHC tăng 2,1%... song khối lượng giao dịch tại các mã này không đáng kể. Một số mã khác như VGC, BMP, DPG, CII, LCG, HHV, TCD, VCG tăng nhẹ, thanh khoản yếu.
Cổ phiếu bất động sản đồng pha với thị trường với phần lớn mã tăng. PTL tăng trần, HPX tăng 6%; VRC tăng 5,5%; AGG tăng 2,6%; TCH tăng 2,5%; HQC tăng 2,2%. Nhóm Vingroup tăng nhẹ: VHM tăng 0,2%; VRE tăng 0,3%; VIC đứng giá tham chiếu.
Chỉ số nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ nhóm ngân hàng. HDB tăng 2,1%; NAB tăng 1,3%; STB tăng 1%. Phần lớn cổ phiếu còn lại trong dòng cổ phiếu "vua" tăng giá, song mức tăng nhẹ và khớp lệnh cũng đã chùng xuống so với trước. Tương tự với nhóm dịch vụ tài chính, tuy hầu hết tăng nhưng mức độ tăng không quyết liệt.
Với diễn biến hiện tại của thị trường, các nhà đầu tư đang rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan: Không dám mua đuổi nhưng cũng không nỡ bán ra vì VN-Index vừa hồi phục lấy lại ngưỡng 1.260 điểm.
Theo quan sát của giới phân tích, thanh khoản giảm cho thấy nguồn cung tạm thời hạ nhiệt và giảm sức ép lên thị trường. Tuy nhiên, diễn biến hồi phục có thể chỉ mang tính chất kỹ thuật với vùng cản 1.265 điểm do yếu tố dòng tiền hỗ trợ vẫn còn khá kém. Rủi ro thị trường bị cản và lùi bước từ vùng cản này vẫn còn tiềm ẩn.
Do vậy, nhà đầu tư được khuyến nghị, vẫn cần quan sát diễn biến cung cầu và giữ tỷ trọng danh mục ở mức hợp lý, tránh rơi vào trạng thái quá mua; tạm thời vẫn cần cân nhắc đợt hồi phục để cơ cấu danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro.