Trao đổi với phóng viên Dân trí, lãnh đạo một số doanh nghiệp xăng dầu cho biết trong tuần qua, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore có xu hướng giảm so với kỳ trước. Mức điều chỉnh rất thấp.
Dựa trên diễn biến giá thế giới, các doanh nghiệp dự báo trong kỳ điều hành ngày 14/3, giá xăng E5 RON 92 trong nước có thể giảm 10 đồng/lít, xăng RON 95 có thể giảm 20 đồng/lít. Trong khi đó, dầu diesel được dự báo tăng 110 đồng/lít.
Trường hợp dự báo giảm là chính xác, mặt hàng xăng trong nước sẽ có phiên giảm giá thứ hai liên tiếp và thứ tư tính từ đầu năm. Trong khi đó, nếu liên Bộ Công Thương, Bộ Tài chính trích quỹ bình ổn, giá xăng có thể giữ nguyên, thậm chí tăng.
Tuần trước, tại phiên điều hành ngày 7/2, liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương quyết định giảm 270 đồng/lít đối với xăng E5 RON 92, xuống còn 22.750 đồng/lít; giảm 340 đồng/lít đối với xăng RON 95, xuống còn 23.920 đồng/lít.
Liên quan đến việc xuất hóa đơn điện tử trong kinh doanh bán lẻ xăng dầu, theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tính đến ngày 26/2, cả nước có 7.542 cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng, dầu đã thực hiện phát hành hóa đơn điện tử đối với từng lần bán hàng theo quy định.
So với thời điểm 1/12/2023, số lượng thực hiện đã tăng thêm 5.849 cửa hàng. Nhiều địa phương có tỷ lệ triển khai đạt cao như Bắc Ninh (100%), Đắk Lắk (97%), Thanh Hóa (95%), Yên Bái (91%), Nam Định (89%), Hà Nội (88%) Hải Dương (88%)…
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, doanh nghiệp cần có thời gian chuẩn bị, tính toán công nghệ, lựa chọn phần mềm, chi phí. Cơ quan thuế cũng cần có thời gian hướng dẫn, triển khai và hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu cần phải bình đẳng, minh bạch với các lĩnh vực khác đã triển khai từ tháng 7/2022 theo Luật Quản lý thuế.