- VietNamNet xin giới thiệu bài viết của nhà giáo Trần Trung Huy - Trường Tiểu học Lai Vu (Kim Thành - Hải Dương.) Bài viết của thầy giáo đã nêu lên những ưu điểm và nội dung cần chỉnh sửa qua thực tế vận dụng TT30 và mong muốn TT30 được điều chỉnh cho hợp lí.
Những ưu điểm
Không chấm điểm,átcủagiáoviêntiểuhọcsaumộtnămthựchiệtỷ lệ kèo 88 giảm sức ép đè lên các em hàng ngày.Nhiều năm dạy học, tôi đã chứng kiến có những bà mẹ quy định với con "chỉ được phép đạt điểm 9-10".Có lần, tôi chấm một bài điểm 7, em đó khóc. Bạn bên cạnh hiểu nỗi băn khoăn của thầy nên kể với tôi: "Thầy ơi, cứ điểm 7 là về bạn ấy bị mẹ phạt."
Lần khác, tôi thấy một bà mẹ đến đón con khi tan học. Cô giáo gọi vào cho xem vở của con, cô phàn nàn cháu viết xấu và học kém,nay được có 3 điểm. Bà mẹ xem xong dắt con ra về. Vừa ra khỏi cửa lớp là bà mắng nhiếc con rất thậm tệ.
Có những lúc, học giỏi rồi vẫn bị mẹ mắng. Đó là chuyện trong cuộc thi Olympic tiếng Anh trên internet. Đây chỉ là một sân chơi. Vậy mà có một HS lớp 5 bị mẹ tát ngay giữa sân trường vì "tội" làm được ít điểm.
Các cha mẹ HS cũng nên yên tâm vì điều nữa: Bỏ chấm điểm thường xuyên để giảm sức ép HS nhưng TT 30 quy định vẫn chấm điểm bài kiểm tra cuối học kì.
Không so sánh HS này với HS khác giúp tất cả các em đều vui.Trước đây, sau mỗi học kì, mỗi năm học, GV chủ nhiệm lại phải công bố các nhóm HS theo xếp loại giáo dục: giỏi, khá, TB, yếu.
Sau đó, GV lại công bố tiếp các HS đạt danh hiệu HS giỏi, HS tiên tiến để đề nghị nhà trường khen thưởng. Đây là lối mòn được tạo ra từ xa xưa của giáo dục nước nhà. Và đây là cách phân loại HS chung của tất cả các cấp học. Việc này không đúng với các cấp học có lứa tuổi khác nhau.
Nay thực hiện TT 30, tất cả đều vui bởi lẽ, các em đã cố gắng hết mình rồi. Nhất là những HS yếu, thầy cô ra sức rèn cặp, bản thân các em rất cố gắng. Dù chỉ được hai chữ "hoàn thành" nhưng kết quả đó của các em vẫn được trân trọng. Cuối năm học, các em vẫn có thể được khen thưởng vì sự cố gắng và tiến bộ vượt bậc …
HS tiểu học thoát được hai chữ "hạnh kiểm".Theo Từ điển tiếng Việt của NXB Từ điển bách khoa 2007, hạnh kiểm có nghĩa là phẩm chất đạo đức biểu hiện trong việc làm, trong cách đối xử với mọi người. Đã nói hạnh kiểm thì lại có hạnh kiểm tốt và hạnh kiểm không tốt. Bác Hồ đã dạy "Trẻ con như búp trên cành - Biết ăn,ngủ, biết học hành là ngoan." Vậy mà bao năm nay, chúng ta cứ đánh giá hạnh kiểm, tức là đánh giá đạo đức của các em.
Nay nhờ có TT 30, HS tiểu học Việt Nam không còn bị người lớn đánh giá phẩm chất đạo đức nữa.
Lời nhận xét trên trang vở học trò đã thể hiện cái tâm của thầy
Từ 15/10/2014 thực hiện TT 30, đa số các thầy cô viết lời nhận xét vào vở HS một cách cụ thể, dễ hiểu để HS và cha mẹ các em thấy những bài tập chưa đạt yêu cầu cần khắc phục. Chẳng hạn:
- Em đếm hình vội quá nên sai bài 3.
- Em vẽ sơ đồ chưa đúng nên giải sai bài 4.
- Em nên so sánh khi tả ngoại hình thì bài văn sẽ hay hơn.
- Em nên viết thêm 1-2 câu kết bài thì bài làm của em sẽ hoàn hảo hơn.
- Bài văn này em đã viết đủ các ý, cô rất hài lòng. Mong em chấm hết câu rõ ràng để cô đọc dễ hơn.
Chỉ cần đọc lời nhận xét, biết cô giáo đã nhận xét bằng cả cái tâm và cô chấm thực. Tôi đã từng được đọc lời nhận xét của một GV tiếng Anh:
- Em cần phân biệt đúng cách dùng there is/ there are….
- Em cần bật mạnh các âm cuôi chứa /p/, /t/, /k/…
- Cần viết đúng từ theo cách viết Tiếng Anh đối với chủ đề thời tiết
Đọc lời nhận xét này, người quản lí biết cô giáo “phê” khi đã quan sát kĩ bài làm của HS.
Rõ ràng, lời nhận xét của thầy giúp HS vui hơn, cố gắng hơn và thể hiện tính nhân văn cao cả.
Tuy nhiên, vẫn có những lời nhận xét trên trang vở nhưng cho thấy có những người thầy chưa có “Tâm” hoặc non yếu về câu, từ. Ví như: Bài viết tốt. Diễn đạt chưa tốt. Nên tính toán nhiều. Dùng từ chưa đúng.
Cụm từ "Trình bày chưa khoa học" được những GV này dùng nhiều. Đọc cụm từ này, cha mẹ HS không hiểu cái gì chưa khoa học…
TT 30 kéo cha mẹ HS tham gia vào quá trình giáo dục. Trước đây, cha mẹ đi làm về chỉ cần nghe con đọc điểm số là "khen" hoặc "mắng". Cũng có thể xem vở của con nhưng cũng chỉ biết chỗ đó đúng, chỗ đó sai theo nét bút của cô giáo (đ / s). Nay, cha mẹ phải đọc lời nhận xét của con mới hiểu được mà hiểu rất cụ thể.
Trong thực tế, nhiều thầy cô còn thông báo về gia đình qua vở HS về cách ăn mặc, vệ sinh thân thể, sự chuẩn bị sách vở đi học, … của HS. Điều này chỉ được nhân rộng sau khi TT 30 có hiệu lực.
Những hạn chế cần điều chỉnh
TT 30 đề ra ba nội dung đánh giá là nhiều.Ba nội dung đánh giá HS tiểu học của TT 30 gồm: Kết quả các môn học và hoạt động giáo dục; mức độ hình thành và phát triển năng lực;mức độ hình thành và phát triển phẩm chất. Nội dung đánh giá thứ nhất là nội dung quen thuộc ta không bàn. Theo Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học NXB Từ điển bách khoa 2007 do nhóm Ngọc-Xuân-Quỳnh biên soạn các từ “năng lực” và “phẩm chất” được hiểu như sau;
- Năng lực: Sức làm ra, phát ra của con người, sự vật, máy móc, …
- Phẩm chất: Tính chất riêng tốt, xấu của một sự vật.
Còn theo Từ điển tiếng Việt xuất bản năm 1992 do Hoàng Phê chủ biên thì:
- "Năng lực" có hai nghĩa: 1. Khả năng, điều kiện chủ quan hoặc tự nhiên sẵn có để thực hiện một hoạt động nào đó. 2. Phẩm chất tâm lí và sinh lí tạo cho con người khả năng hoàn thành một loại hoạt động nào đó với chất lượng cao.
- "Phẩm chất" có nghĩa là: Cái làm nên giá trị của người hay vật.
Như vậy, "năng lực" và"phẩm chất" vừa riêng rẽ lại vừa bao hàm nhau. Theo giải nghĩa của từ điển thì "năng lực" là "phẩm chất tâm lí và sinh lí tạo cho con người khả năng hoàn thành một loại hoạt động nào đó với chất lượng cao" và"phẩm chất" là "cái tạo nên giá trị con người". (Năng lực cũng là một yếu tố qua trọng góp phần tạo nên yếu tố con người).
Trước đây, ta đã từng đánh giá"hạnh kiểm" học sinh tiểu học căn cứ vào việc thực hiện các nhiệm vụ của học sinh tiểu học ghi trong Điều lệ trường tiểu học. Đó cũng là đánh giá năng lực và phẩm chất.
Xét như vậy, có lẽ không cần thiết tách rời hai thành mặt năng lực và phẩm chất để đánh giá.
Sổ theo dõi chất lượng giáo dục học sinh khiến nhiều giáo viên không ủng hộ TT30
Đã dạy học,đương nhiên phải có sổ theo dõi và đánh giá HS. Thế nhưng sổ theo dõi chất lượng giáo dục HS tiểu học theo TT 30 được thiết kế có phần chưa hợp lí khiến GV vô cùng bận rộn với nhận xét thường xuyên cả ba nội dung đánh giá.
|
Thực tế quan sát, cái mà các GV "kêu khổ" nhất vẫn là vì phải ghi nhiều theo thiết kế của cuốn sổ theo dõi chất lượng giáo dục. Mà cuốn sổ này lại không phải là kênh thông tin giữa cha mẹ HS với GV. Cái kênh cần phát huy tác dụng để cha mẹ HS biết là "Nhận xét trực tiếp"và "Nhận xét trong vở" không được phát huy vì cô giáo cứ"bớt" thời gian để cắm cúi ghi sổ theo dõi chất lượng giáo dục.
TT 30 hướng dẫn khen thưởng chưa cụ thể
Điều 16 trong TT 30: hướng dẫn khen thưởng cho "… những học sinh đạt thành tích nổi bật hay có tiến bộ vượt bậc về một trong ba nội dung đánh giá trở lên, đạt thành tích nổi bật trong các phong trào thi đua hoặc thành tích đột xuất khác…"
Thiết nghĩ, đã là văn bản mang tính quy định, mang tính luật thì nên cụ thể, rõ ràng. TT 30 quy định về khen thưởng như vậy là thể hiện đánh giá toàn diện và HS nào cũng có cơ hội được khen thưởng. Thế nhưng các tiêu chuẩn đưa ra để khen thưởng HS tương đối trừu tượng, gây băn khoăn cho người thực hiện…
Hai luồng ý kiến
Từ khi TT 30 ra đời, như trên đã nói, xã hội tốn nhiều giấy mực để bình luận. Tôi vui vì có nhiều người quan tâm đến giáo dục. Song tôi buồn vì văn hóa viết phản hồi của nhiều người. Gặp phải bài có nội dung đồng tình TT 30 thì họ cho rằng "bênh" thông tư. Gặp bài có nội dung không đồng tình TT 30 thì họ đưa ra lời không đúng mực với cơ quan chủ quản giáo dục. Tôi thấy có nhiều người học hàm học vị cao, dẫn chứng cả giáo dục nước ngoài nhưng bài viết của họ thì chưa nêu ra được điểm gì thuyết phục cho ý kiến phản đối của mình.
Họ có suy nghĩ kiểu sòng phẳng người lớn: Có điểm thì mới có thi đua; điểm thấp thì phải chấp nhận chê cười mà cố gắng; điểm cao thì nghiễm nhiên được khen ngợi, biểu dương;… Với HS THCS và THPT, quan điểm đó đúng.
Trong chương trình "Chuyện đương thời"tối 24/10/2014 trên Đài truyền hình Việt Nam, có 76% số người không đồng tình với TT 30. Chuyện đó dễ hiểu vì từ xưa tới nay, ai đi học cũng nghĩ đến chấm điểm. Nếu chuyện TT 30 mà đem hỏi vào quần chúng nói chung thì có thể số người không đồng tình còn cao hơn. Đa số chúng ta đều đứng quan sát TT 30 ở vị trí của phương pháp giáo dục HS lớn: sòng phẳng, cạnh tranh thứ hạng trong lớp…Song, HS tiểu học thì khác… Biết ăn, ngủ, biết học hành là ngoan.
Mong muốn điều chỉnh
Về lâu dài:Vì các mặt đánh giá "Mức độ hình thành và phát triển năng lực…" và "Mức độ hình thành và phát triển phẩm chất…" nghe rất hàn lâm gây khó hiểu cho cha mẹ HS. Vậy nên, sau này,nếu có Thông tư xyz gì đó, rất mong Bộ GD-ĐT chỉ nên đánh giá HS tiểu học hai mặt:
- Kết quả học tập các môn học.
- Thực hiện các nhiệm vụ của học sinh tiểu học.
Điều chỉnh trước mắt:TT 30/2014 chắc rằng không thể thay thế bằng một TT khác ngay được vì đã mất nhiều kinh phí in sổ sách và học bạ của HS. Nội dung ba mặt đánh giá của TT 30 chắc cũng không thể giảm đi.
Tuy nhiên, tôi rất mong, sang năm học tiếp theo, Bộ GD-ĐT điều chỉnh mạnh mẽ ở hai cuốn sổ theo dõi chất lượng giáo dục HS (Sổ dành cho GV dạy môn và sổ dành cho GV chủ nhiệm lớp) theo hướng:
Một năm học, chỉ cần ghi nhận xét đánh giá định kì hai lần vào cuối học kì I và cuối năm học. (Vì hàng ngày GV đã nhận xét thường xuyên bằng lời và ghi vở rồi).
GV dạy môn (Thể dục, Âm nhạc, Mĩ thuật, …) chỉ cần một sổ, trong sổ đó thiết kế chỗ ghi danh sách HS nhiều lớp và sau đó là cột đánh tích, cột ghi nhận xét, đánh giá sau học kì I và cuối năm học. Trang ghi nhận xét, đánh giá của GV dạy môn không cần đánh giá riệng về năng lực, phẩm chất mà chỉ cần đánh tích hoàn thành hay chưa hoàn thành môn học. Bên cạnh cột tích hoàn thành, có thể thêm cột nhận xét nhưng chỉ ghi những trường hợp đặc biệt. Về năng lực, phẩm chất, GV môn trao đổi với GV chủ nhiệm lớp.
GV chủ nhiệm lớp đương nhiên chỉ cần một sổ. Trong sổ đó chỉ cần thiết kế ghi điểm kiểm tra cuối kì I và cuối năm học. Bên cạnh cột điểm là cột nhận xét và đề ra biện pháp tiếp theo cho những trường hợp đặc biệt. Phần nhận xét về năng lực và phẩm chất thiết kế trang riêng để đánh tích đạt hay không đạt sau mỗi học kì chứ không nên chung với ô nhận xét về học các môn như hiện nay.
Nói chung, sổ theo dõi ghi trọng tâm đánh giá định kì, còn đánh giá thường xuyên trọng tâm vào nhận xét trực tiếp bằng lời và nhận xét vào vở ghi của HS.
Điều chỉnh sao cho, GV dành toàn bộ thời gian và tâm huyết của một giờ học cho trang vở học trò. Và, như trên đã nói, tôi cho rằng cứ giảm gánh nặng công việc cho GV thì sự ủng hộ của các thầy cô giáo dành cho TT 30 càng nhiều hơn.